Với kịch bản tăng trưởng GDP bình quân 7%/năm nhu cầu năng lượng của Việt Nam cho năm 2025 cần 352 tỷ kWh và đến năm 2035 là 506 tỷ kWh. Để đáp ứng nhu cầu điện cao như vậy cần khoảng 130.000 MW vào năm 2030. Đây là một thách thức rất lớn đặt ra cho ngành năng lượng Việt Nam.
Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng thông qua ban hành nhiều chính sách liên quan, cũng như triển khai những hoạt động cụ thể để thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả toàn xã hội. Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VNEEP) được Chính Phủ phê duyệt và chỉ đạo triển khai từ 2006 -2015. Giai đoạn 2019 -2030, VNEEP đạt mục tiêu tiết kiệm từ 8-10% tổng năng lượng tiêu thụ toàn quốc.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, cần sự chung tay, quyết liệt triển khai từ các cơ quan quản lý đến người dân, doanh nghiệp. Trong đó, làm nên thành công của Chương trình phải kể đến nhờ sự phối hợp của mạng lưới triển khai tại 63 tỉnh, thành phố.
Giải pháp thiết thực giúp Hà Nội đứng đầu cả nước về tiết kiệm năng lượng
Là địa phương đi đầu trong hoạt động tiết kiệm năng lượng (TKNL), thành phố Hà Nội đã thực hiện đồng bộ các hoạt động, giải pháp cụ thể và thu được những kết quả đáng khích lệ.
Đối với hộ gia đình: Các UBND quận, huyện, thị xã và công ty điện lực đã truyền thông rộng rãi về TKNL bằng các hình thức khác nhau như: phát hành 12.000 sổ tay TKNL trong hộ gia đình; tổ chức 40 buổi tuyên truyền về kỹ năng lựa chọn, sử dụng trang thiết bị tiết kiệm điện, TKNL cho hộ gia đình; nhắn tin SMS tuyên truyền đến 12.000 khách hàng hộ gia đình sử dụng nhiều điện năng trong thời gian cao điểm hè; phát clip tuyên truyền tại các khu vực đông dân cư như TTTM Royal City, Time City; công nhận 1.050 hộ gia đình sử dụng tiết kiệm điện, TKNL tiêu biểu.
Đối với doanh nghiệp: Đẩy mạnh công tác hỗ trợ doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp đánh giá được mức độ sử dụng các trang thiết bị, đưa ra các giải pháp TKNL; cải thiện hiệu suất tiêu hao năng lượng, đánh giá được các yếu tố ảnh hưởng đến tiêu thụ năng lượng của đơn vị; mô phỏng năng lượng cho phép dự báo một toà nhà sẽ tiêu hao bao nhiêu năng lượng; hướng dẫn các đơn vị chấp hành tốt các quy định của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Trong năm 2021, Sở Công Thương Hà Nội đã hỗ trợ kiểm toán năng lượng cho 53 cơ sở, doanh nghiệp; Đánh giá hiệu quả năng lượng cho 12 tòa nhà, công trình xây dựng; xây dựng hệ thống quản lý năng lượng cho 14 cơ sở; phát triển 41 mô hình sử dụng năng lượng xanh với trên 1.000 giải pháp kỹ thuật tiêu biểu; hỗ trợ 27 cơ sở ứng dụng phương pháp dự báo nhu cầu năng lượng để đánh giá hiệu quả năng lượng. Từ đó nâng cao hiệu quả tiết kiệm năng lượng, giúp Hà Nội có mức tiết kiệm năng lượng cao nhất cả nước.
Cùng với đó, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với Hội khoa học công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam, EVNHANOI tổ chức chương trình đánh giá, công nhận danh hiệu cơ sở sử dụng năng lượng xanh, giúp các đơn vị nâng cao hình ảnh, quảng bá thương hiệu, tạo tiền đề để tham gia các cuộc thi liên quan đến quản lý năng lượng cấp quốc gia và ASEAN.
TS. Đào Hồng Thái - Giám đốc Trung tâm khuyến công và Tư vấn phá triển công nghiệp, Sở Công Thương cho biết; "Sau 5 năm triển khai, chương trình đã công nhận danh hiệu cho 149 cơ sở sử dụng năng lượng xanh. Trong đó, tiêu biểu nhất phải kể đến Công ty TNHH ToTo Việt Nam. Đơn vị này đã áp dụng đồng bộ nhiều phải pháp TKNL như: Sử dụng đèn led chiếu sáng trong nhà máy giúp tiết kiệm 592.169 kWh/ năm, tương đương với tiết kiệm được 875 triệu đồng; Thay thế chiller có hiệu suất cao giúp tiết kiệm 30.000 kWh/ năm, tương đương 44 triệu; Thay thế máy nén khí hiệu suất cao giúp tiết kiệm 13.272 kWh/ năm, tương đương 20,2 triệu đồng; Tận dụng nhiệt khí nóng lò Tuynel để gia nhiệt cho các khu vực sấy; Giảm tỷ lệ lò rèn khí nén".
Khách sạn JW Marriott Hà Nội cũng là một doanh nghiệp tiêu biểu đạt được danh hiệu “Cơ sở sử dụng năng lượng xanh Hà Nội - 5 sao năm 2015” với tỷ lệ TKNL đạt 7,8%/ năm. Để có được kết quả này, doanh nghiệp đã đẩy mạnh triển khai các biện pháp như: Cải tạo hệ thống giáp thải nhiệt từ hệ kín sang hệ hở giúp tiết kiệm 1.440.000 kWh/năm, tương đương 3 tỷ đồng/ năm; Lắp bơm nhiệt, thay thế một phần lò đun nước nóng giúp tiết kiệm 150.000 lít dầu/năm, tương đương 2 tỷ đồng/năm; Giải pháp tái sử dụng nước thải sau xử lý cho tháp nhiệt và một phần hệ thống tưới, tiết kiệm 34.000 m3 nước/năm, tương đương 750 triệu đồng/năm; Thay thế đèn led chiếu sáng giúp tiết kiệm 194.00 kWh/năm, tương đương 400 triệu đồng, ông Thái cho biết thêm.
Xác định mục tiêu ngắn hạn và dài hạn phù hợp với thực trạng địa phương
Trong suốt quá trình thực hiện chương trình TKNL, ngoài những thuận lợi do nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát từ UBND TP. Hà Nội, Sở Công Thương, phòng quản lý năng lượng và sự phối hợp triển khai giữa các cơ quan ban ngành, các doanh nghiệp tại Hà Nội vẫn còn gặp phải không ít khó khăn như các vấn đề về vốn đầu tư, các giải pháp TKNL đưa ra chưa được áp dụng triệt để; Thống kê dữ liệu của doanh nghiệp chưa đầy đủ, khó khăn cho việc triển khai nhiệm vụ; Doanh nghiệp chưa được cập nhật đầy đủ các văn bản về TKNL, cũng như hiểu viết của các doanh nghiệp về TKNL còn hạn chế.
Do đó, trong thời gian tới, để phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được và khắc phục những khó khăn còn tồn tại, thành phố Hà Nội đã đề ra nhiệm vụ cụ thể: Xây dựng kế hoạch, chương trình dài hạn và hàng năm phù hợp với thực trạng và điều kiện đặc thù của thành phố. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp đồng bộ cả về chiều rộng và chiều sâu, phổ biến tuyên truyền nâng cao nhận thức, phổ biến tài liệu kỹ thuật chuyên ngành; Hỗ trợ kỹ thuật triển khai TKNL, xây dựng mô hình quản lý năng lượng, áp dụng các phần mềm, công cụ tiên tiến.
Triển khai Chương trình quốc gia về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn TP. Hà Nội, UBND thành phố đã ban hành các Kế hoạch với mục tiêu phấn đấu đạt mức tiết kiệm năng lượng từ 1,3 - 1,7% so với mức năng lượng dự báo nhu cầu, trong đó tiết kiệm tối thiểu 2,2% tổng điện năng tiêu thụ, tương đương trên 450 triệu kWh. Do đó, để đạt được con số trên, việc tiếp tục áp dụng đồng bộ các giải pháp tiết kiệm năng lượng là vô cùng cần thiết. |
Link gốc