Hiện thực hóa mục tiêu tiết kiệm năng lượng

Chia sẻ của ông Dương Trung Kiên - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực về những thách thức trong việc hiện thực hóa mục tiêu tiết kiệm năng lương và những giải pháp thực hiện.

Ông Dương Trung Kiên - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực

Năng lượng đóng vai trò chủ chốt trong tăng trưởng kinh tế, là đầu vào quan trọng của rất nhiều ngành sản xuất và là một mặt hàng tiêu dùng thiết yếu của toàn xã hội. Do đó, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một giải pháp thiết thực giúp cải thiện hiệu quả nền kinh tế, đồng thời giúp bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp cho công cuộc giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu. Nhận thức rõ điều đó, không ít tổ chức, doanh nghiệp đã triển khai thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả.

Tại Trường Đại học Điện lực - đơn vị giáo dục đại học hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng, vấn đề này càng được quan tâm, chú trọng. Dưới đây là chia sẻ của ông Dương Trung Kiên - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực xoay quanh nội dung này. 

PV: Cơ chế, chính sách trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được đánh giá cơ bản đã hoàn thiện. Theo đánh giá của ông, có những thách thức gì trong việc hiện thực hóa các quy định vào thực tế?

Ông Dương Trung Kiên: Trong bối cảnh nguồn cung năng lượng như hiện nay, mỗi quốc gia đều xây dựng các mục tiêu cụ thể, rõ ràng nhằm đảm bảo năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội. Tại Việt Nam, chúng ta có những quy định, những định hướng và hỗ trợ để giúp đạt được các mục tiêu đó. Từ Luật, các văn bản dưới Luật đến các chương trình dự án đều đặt ra các mục tiêu và từng bước hiện thực hoá các quy định vào thực tế.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai sẽ có những vướng mắc, dẫn đến hiệu quả chưa đạt như kỳ vọng. Tôi cho rằng vướng mắc đầu tiên ở đây là những thủ tục hành chính. Vướng mắc thứ 2 là những cơ chế chính sách đôi khi chưa thực sự đồng bộ. Vướng mắc thứ 3 là những khó khăn từ phía doanh nghiệp, đặc biệt là trong thời gian vừa qua khi đại dịch COVID-19 khiến hoạt động của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Do đó, trong thời gian tới cần có những chính sách hỗ trợ thích hợp để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua những khó khăn để thực hiện mục tiêu tiết kiệm năng lượng hiệu quả và thực tế.

PV: Theo khảo sát, tiềm năng tiết kiệm năng lượng của ngành công nghiệp hiện nay còn khá lớn nhưng vẫn đang bị bỏ ngỏ, ông đánh giá như thế nào về thực trạng này?

Ông Dương Trung Kiên: Trên thực tế, tiềm năng tiết kiệm năng lượng của các ngành công nghiệp ở nước ta còn rất lớn, khoảng 30-35%. Vấn đề này đã được bàn bạc rất nhiều qua các hội nghị, diễn đàn.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp thì còn vướng phải không ít trở ngại. Cụ thể như vấn đề đổi mới công nghệ, các cơ chế tài chính và đặc biệt là việc thiếu nguồn nhân lực hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thực hiện tiết kiệm năng lượng. Hiện tại, nguồn nhân lực về tư vấn các giải pháp tiết kiệm năng lượng của chúng ta đã có nhưng chưa thật sự chất lượng, điều này ảnh hưởng không ít đến kết quả thực hành tiết kiệm năng lượng.

Đặc biệt, mặc dù đã có Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhưng thời gian qua việc tiết kiệm năng lượng chưa thực sự đạt kết quả như mong muốn do một số quy định trong Luật cần phải được điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn triển khai. 

Do đó, mặc dù tiềm năng còn nhiều nhưng việc đưa vào thực tiễn thì còn rất nhiều việc phải làm. Mặc dù các kết quả trong thời gian qua đã có nhưng để xứng với tiềm năng thì có lẽ là chưa thể.

PV: Trước thực trạng trên, ông có đề xuất giải pháp gì để thực hiện mục tiêu quốc gia về tiết kiệm năng lượng. Là một đơn vị đào tạo đầu ngành trong lĩnh vực năng lượng, trường Đại học Điện lực đã triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng như thế nào, thưa ông?

Ông Dương Trung Kiên: Để thực hiện được các mục tiêu về tiết kiệm năng lượng, trước mắt chúng ta cần có những điều chỉnh đồng bộ hơn về Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để đáp ứng được các yêu cầu thực tế hiện nay. Thứ hai là cần chú trọng đến các cơ chế tài chính. Trước đó thì chúng ta cũng từng có rồi tuy nhiên cần cụ thể hoá hơn. Thứ 3 là đẩy mạnh các thể chế để giúp doanh nghiệp nhìn nhận rõ hơn, có trách nhiệm hơn trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả. 

Đặc biệt, để đạt được các mục tiêu mà Chính phủ đã đưa ra, chúng ta cần có sự đồng bộ, chung tay phối hợp từ cơ quan quản lý nhà nước tới các doanh nghiệp và người dân.

Về phía nhà trường, ngoài những giải pháp liên quan đến quản lý, tuyên truyền, nâng cao nhận thức đối với người sử dụng là các thầy, các cô và các em sinh viên, chúng tôi cũng tham gia vào các hoạt động nghiên cứu để tìm ra những giải pháp có tính ứng dụng cao.

Về giải pháp đầu tư, nhà trường đang thí điểm sử dụng hệ thống kính năng lượng mặt trời cho hệ thống cửa sổ tại hội trường B1. Thông thường, kính năng lượng mặt trời thường có màu đen, tuy nhiên loại kính nhà trường sử dụng lại sáng màu, vừa giúp tạo ra điện năng mà vẫn có thể tận dụng được ánh sáng tự nhiên. 

Hiện tại hệ thống này đang được nhà trường lắp đặt thử nghiệm, vẫn cần thêm thời gian để có thể đánh giá hiệu quả. Có thể ở thời điểm hiện tại công nghệ này có chi phí đầu tư hơi cao, nhưng tôi tin rằng trong tương lai, khi công nghệ này đã được phổ biến thì giá thành sẽ rẻ đi và cơ hội quảng bá ra thị trường sẽ lớn hơn và đến gần hơn với người tiêu dùng.

PV: Xin cảm ơn ông!


  • 03/11/2022 09:30
  • Tuệ Lâm
  • 2664