Thu nhập 30 triệu đồng/năm chi phí năng lượng hết 7 triệu
Tại buổi tọa đàm “Năng lượng và người nghèo” do Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam phối hợp với Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) tổ chức cuối tháng 10/2015, ông Nguyễn Tiến Long – Chuyên gia năng lượng cho biết, chi phí cho sử dụng năng lượng đối với các hộ dân nghèo thành thị trong một năm hiện chiếm 23,5%, tương đương trên 7 triệu đồng, trong khi đó tổng thu nhập tối đa của các hộ này là 30 triệu đồng/năm.
Đối với những hộ nghèo vùng nông thôn đồng bằng chi phí này chiếm 20,1%, tương đương trên 4,8 triệu đồng, trong khi đó thu nhập tối đa 1 năm của hộ nghèo khu vực vùng nông thôn đồng bằng là 24 triệu đồng. Với các hộ nghèo vùng miền núi tuy có chung mức thu nhập tối đa 1 năm bằng với khu vực hộ nghèo vùng nông thôn nhưng chi phí sử dụng năng lượng cũng không giảm là bao, chi phí này cũng chiếm trên 3 triệu đồng/ năm.
Thực trạng như vậy, nhưng theo các chuyên gia năng lượng, người nghèo vẫn còn nhiều cơ hội để được sử dụng năng lượng bền vững, giúp giảm chi phí.
|
Các hộ nghèo vùng miền núi giảm chi phí năng lượng bằng cách dùng bếp củi thay cho dầu và gas - Ảnh: Nguồn Internet. |
Chuyên gia năng lượng Nguyễn Tiến Long cho rằng, trong các chi phí cho sử dụng năng lượng thì chi phí về điện chiếm cao nhất, chỉ riêng các hộ nghèo vùng miền núi chi phí này có giảm hơn đôi chút, nhưng ngược lại chi phí cho xăng chạy xe của khu vực này thì lại cao hơn.
Bà Ngụy Thị Khanh - Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh cho biết, hiện người nghèo vẫn được hưởng những chính sách hỗ trợ năng lượng, được chia thành 2 nhóm gồm: Nhóm chính sách hỗ trợ tiếp cận năng lượng như văn bản pháp luật và chính sách xã hội và Nhóm chính sách hỗ trợ giá như điều tiết giá, quỹ bình ổn giá, hỗ trợ tiền dầu thắp sáng, tiền điện... Tuy nhiên, những chính sách này vẫn còn chồng chéo và gây áp lực với nguồn ngân sách quốc gia.
Thúc đẩy người nghèo sử dụng năng lượng bền vững
Trên thế giới, hàng loạt các chính sách và chương trình hỗ trợ công nghệ mới và tư duy mới giúp người nghèo được sử dụng năng lượng cho nhu cầu thiết yếu cũng như đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng để không phát thải thêm carbon dioxide vào môi trường đang được thông qua.
Tại Việt Nam, ngoài những chính sách cũng như chương trình hỗ trợ năng lượng của Chính phủ, Bộ, ban ngành dành cho người nghèo thì những mô hình của những Quỹ quốc đang triển khai đã thu được những hiệu quả tích cực. Ví dụ như mô hình kinh doanh sáng tạo dành cho các công ty cũng như người dân có thu nhập thấp của Quỹ Thách thức doanh nhân Việt Nam (VBCF) phối hợp với Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) triển khai. Theo mô hình này thì VBCF cùng với các công ty, người dân có thu nhập thấp cùng bắt tay sản xuất bếp nấu sạch, tiết kiệm 50 – 60% củi đốt, giảm lượng khí thải CO², đồng thời họ cũng thiết lập mạng lưới liên kết giữa 300 nhà bán lẻ để tiêu thụ sản phẩm. Được triển khai từ năm 2014, đến nay đã có 11.000 bếp nấu sạch đã được bán.
Không chỉ sản xuất bếp nấu sạch, mô hình này còn cùng nhau sản xuất túi ủ biogas nhựa sinh học phân hủy cung cấp cho các hộ dân nghèo bằng khoản vay sinh học (4 triệu đồng cho 1 túi khí, người dân được trả chậm trong vòng 1 năm). Từ những biện pháp hỗ trợ này, nhiều hộ dân nghèo đã được lắp đặt túi khí biogas để sử sụng cho nhu cầu đun nấu của gia đình, giúp giảm chi phí năng lượng, hiện đã có gần 5.000 túi khí được lắp đặt.
Nhằm lựa chọn những giải pháp thúc đẩy người nghèo Việt Nam sử dụng năng lượng bền vững, theo ông Steven Von Eije, cố vấn năng lượng tái tạo của Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) tại Việt Nam, việc thúc đẩy các giải pháp năng lượng tái tạo ở các khu vực nông thôn còn nhiều khó khăn vì Việt Nam là một nước có thu nhập trung bình, do đó giải pháp tốt nhất là nên hình thành những dự án tập trung vào nhóm người nghèo cụ thể, thay vì các dự án dành cho tất cả mọi người.
Còn theo bà Ngụy Thị Khanh – Giám đốc GreenID, để người nghèo được hưởng nhiều lợi ích hơn nữa từ những chính sách hỗ trợ năng lượng, Chính phủ, cũng như các Bộ, ban ngành, các tổ chức... cần phải có những cách tiếp cận mới, phi tập trung và tăng cường sự tham gia làm chủ của chính người dân.