Ông Nguyễn Minh Tuấn. |
PV: Là một trong những nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực điện năng lượng tái tạo, ông nhìn nhận tiềm năng của thị trường ra sao?
Ông Nguyễn Minh Tuấn: Tốc độ tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ điện toàn quốc giai đoạn 2021 - 2025 được dự báo là 8,5%/năm. Theo dự báo của Bộ Công Thương, nhu cầu năng lượng cho năm 2020 phải đạt 235 tỷ kWh điện, đến năm 2025 cần 352 tỷ kWh.
Để đáp ứng được nhu cầu này, mức tăng trưởng nguồn điện cần khoảng 60.000MW công suất nguồn trong năm 2020 và sẽ còn tăng trưởng cao trong các năm tiếp theo.
Trong bối cảnh nguồn điện than không còn là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển do tác động nguy hại đến môi trường, điện hạt nhân đã dừng, thủy điện không còn nhiều dư địa, các nguồn điện khí hóa lỏng cần thời gian dài để phát triển thì sự phát triển của nguồn năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời đang là một chiến lược tốt để tăng nhanh nguồn cung và giảm sự thiếu hụt về điện năng.
PV:Các chính sách vĩ mô có vai trò quan trọng đặc biệt với ngành này, ông có thể chia sẻ những tác động cụ thể ra sao?
Ông Nguyễn Minh Tuấn: Từ năm 2015, Chính phủ đã ban hành Quyết định 2068/QĐ-TTg về phê duyệt chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam, khuyến khích huy động mọi nguồn lực từ xã hội và người dân cho phát triển năng lượng tái tạo.
Tiếp đó, một loạt chính sách về khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo được ban hành. Chẳng hạn, Quyết định 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, đưa ra mức giá mua bán điện khuyến khích đối với điện mặt trời (FIT).
Theo đó, các dự án phát điện thương mại trước ngày 30/6/2019 sẽ được hưởng cơ chế giá ưu đãi 9,35 US cents/KWh theo hợp đồng mua bán điện 20 năm ký với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Đây là một chủ trương tốt để khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư vào các dự án điện mặt trời.
Ban đầu, Chính phủ dự kiến có khoảng 800MW sẽ được xây dựng và vận hành trong thời gian này. Tuy nhiên, cho tới thời điểm 30/6/2019, có tới 88 dự án với tổng công suất là 4,5GW đã được xây dựng và vận hành.
Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khác nhau, Quyết định 11 hết hạn vào tháng 6/2019 mà không có một chính sách nào được đưa ra ngay lập tức để làm khung phát triển cho các dự án điện mặt trời, khiến các nhà đầu tư và chính quyền địa phương lúng túng.
Điện mặt trời đã thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước - Ảnh: tinnhanhchungkhoan.vn. |
Đến ngày 6/4/2020, Thủ tướng ban hành Quyết định 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam và ngày 17/7/2020, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 18/2020/TT-BCT quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời.
Theo đó, với các dự án điện mặt trời nối lưới đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư trước ngày 23/11/2019 và có ngày vận hành thương mại của dự án hoặc một phần dự án trong giai đoạn từ ngày 1/7/2019 đến hết ngày 31/12/2020 thì dự án hoặc một phần dự án đó được áp dụng giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 7,09 UScents/KWh.
Có ít nhất 36 dự án thỏa mãn các điều kiện quy định trong Quyết định 13 với tổng công suất là gần 3GW. Hiện tại, Chính phủ và Bộ Công Thương đang xem xét thực hiện cơ chế đấu thầu giá điện sau ngày 31/12/2020.
Đối với điện gió, từ năm 2011, Chính phủ đã ban hành Quyết định 37/2011/QĐ-TTg về cơ chế phát triển điện gió, tuy nhiên chỉ có 3 dự án điện gió được hoàn thành với tổng công suất hơn 150MW.
Sau đó, Chính phủ ban hành Quyết định 39/2018/QĐ-TTg, qua đó giá điện được điều chỉnh với các dự án điện gió vận hành trước ngày 31/10/2020 là 9,8 UScents/kWh cho các dự án điện gió ngoài khơi và 8,5 UScents/kWh cho các dự án điện gió trên bờ.
Quyết định 39 đã có tác động thúc đẩy rất lớn đến thị trường điện gió của Việt Nam. Cho đến tháng 9/2020, có gần 11.600MW điện gió đã được bổ sung vào quy hoạch, có khoảng 65 dự án đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN và có 12 dự án mới với tổng công suất 470MW đã đưa vào vận hành.
PV: Như vậy, có thể thấy, đây là lĩnh vực liên tục có sự thay đổi về chính sách, trong khi các dự án năng lượng tái tạo lại có thời gian đầu tư dài. Các nhà đầu tư đang chịu những tác động nào, theo ông?
Ông Nguyễn Minh Tuấn: Chúng tôi rất mong cơ quan quản lý xem xét sửa đổi Quyết định 13/2020, bởi thời gian thực hiện quyết định quá ngắn, trong vòng gần 8 tháng, không đủ để các nhà đầu tư thực hiện việc huy động vốn, hoàn thiện các thủ tục để thực hiện đầu tư.
Mặc dù đã có chủ trương đầu tư trước ngày 23/11/2019, nhưng nhà đầu tư còn phải thực hiện một loạt thủ tục liên quan đến đầu tư như chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phê duyệt báo cáo khả thi, hoàn thiện thủ tục đấu nối, ký hợp đồng mua bán điện, phê duyệt thiết kế kỹ thuật của EVN, thẩm định phương án phòng cháy chữa cháy, đặc biệt là giải phóng mặt bằng liên quan đến việc xây dựng đường dây đấu nối.
Các thủ tục này thường kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm, tùy địa phương và tùy tình hình thực tế của dự án. Rất nhiều dự án đã chuẩn bị trước, nhưng các công việc còn lại, đặc biệt thủ tục liên quan đến giải phóng mặt bằng chỉ thực hiện được khi có Quyết định 13/2020 vẫn cần thời gian dài.
Sau khi có đầy đủ pháp lý, ngân hàng mới xem xét phương án tài trợ cho dự án, do vậy, để kịp triển khai dự án theo Quyết định 13 là rất khó, đặc biệt nếu so sánh với các dự án thực hiện theo Quyết định 11 có thời gian hơn 2 năm để triển khai. Quyết định 13 được ban hành trong thời gian Covid-19 tái phát tại Việt Nam, trong thời gian này, cả nước thực hiện giãn cách xã hội, khiến công tác chuẩn bị xây dựng, huy động vốn và thực hiện các thủ tục pháp lý của dự án bị đình trệ
Bên cạnh đó, Quyết định 13 được ban hành trong thời gian Covid-19 tái phát tại Việt Nam, trong thời gian này, cả nước thực hiện giãn cách xã hội, khiến công tác chuẩn bị xây dựng, huy động vốn và thực hiện các thủ tục pháp lý của dự án bị đình trệ.
Một khó khăn nữa là các cơn bão và lũ lụt liên tiếp trong thời gian cuối tháng 9 đến tháng 11 ở miền Trung khiến tiến độ thực hiện các dự án điện mặt trời bị ảnh hưởng. Việc tiến độ dự án đình trệ dẫn tới ngân hàng và các quỹ đầu tư chần chừ trong việc giải ngân, khiến nhiều dự án không kịp mốc 31/12/2020.
Thị trường điện gió của Việt Nam thời gian gần đây cũng đang phát triển mạnh - Ảnh: Thành Trung. |
PV: Đã có những phản ánh về việc giá đầu vào của các loại nguyên vật liệu, chi phí máy móc thiết bị cho lắp đặt nhà máy điện năng lượng tái tạo tăng đột biến. Thực hư việc này ra sao?
Ông Nguyễn Minh Tuấn: Dịch Covid-19, lũ lụt và hỏa hoạn ở một số nhà máy sản xuất panel tại Trung Quốc cũng khiến các nguồn cung cấp nguyên liệu cho các dự án điện mặt trời, vốn phụ thuộc chủ yếu vào các nhà cung cấp Trung Quốc (panel, thiết bị điện, inverters) trở nên khan hiếm.
Bên cạnh đó, việc Trung Quốc và Ấn Độ phê duyệt giá điện mặt trời trong năm 2020 dẫn đến cuộc đua của các nhà đầu tư vào điện mặt trời ở các nước này, đẩy giá nguyên liệu lên cao.
Hiện tại, thị trường panel gần như không có panel để cung cấp. Điều này khiến các nhà đầu tư thực hiện dự án tại Việt Nam gặp rủi ro và làm gia tăng chi phí đầu tư. Nếu không có việc gia hạn Quyết định 13/2020 thì người hưởng lợi ở đây sẽ là các nhà cung cấp nước ngoài, không phải là các nhà đầu tư trong nước.
Đối với thị trường cung cấp thiết bị cho điện gió, tình hình tương tự cũng đang xảy ra khi các nhà cung cấp turbine trên thế giới đang “cháy” hàng và không thể cam kết việc cung cấp turbines cho thị trường Việt Nam.
Mặc dù Quyết định 39 ra đời năm 2018, nhưng hơn 2 năm là thời gian quá ngắn đối với chu trình phát triển của điện gió, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến đo gió, đánh giá tác động môi trường.
Bên cạnh đó, thời gian thi công kéo dài do các dự án điện gió phần lớn thực hiện ngoài khơi và ven biển, nơi bị ảnh hưởng của yếu tố thời tiết có tác động không nhỏ đến việc thi công.
Bởi vậy, động thái Bộ Công Thương gần đây có Tờ trình số 8159/BCT-ĐL về việc gia hạn giá FIT đến năm 2023, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất tích cực để hỗ trợ các nhà đầu tư.
Link gốc