Giám đốc PC Phú Yên - Thái Minh Châu |
PV: Thưa ông, đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã có bao nhiêu dự án điện mặt trời và điện mặt trời mái nhà?
Ông Thái Minh Châu: Phú Yên là địa phương có nhiều lợi thế về bức xạ mặt trời cũng như lượng gió, tốc độ gió để phát triển nguồn điện mặt mặt trời, điện gió. Hiện trên toàn tỉnh có 6 dự án điện mặt trời với tổng công suất trên 463MWp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung quy hoạch phát triển điện lực. Trong đó có 5 dự án với tổng công suất hơn 413MWp đã vận hành phát điện; 1 dự án công suất 50MWp đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư.
Bên cạnh đó, trên lưới điện trung hạ áp từ 0,4kV đến 22kV toàn tỉnh hiện có 389 khách hàng đã lắp đặt đưa vào vận hành, sử dụng hệ thống điện mặt trời mái nhà với công suất lắp đặt 13,2MWp; 92 khách hàng đã thỏa thuận nhưng chưa đấu nối vận hành, tổng công suất đăng ký 92MWp. Dự kiến, tổng công suất đăng ký đấu nối đưa vào vận hành trước ngày 31/12/2020 có thể lên đến 130MWp.
PV: Với nhu cầu đầu tư điện mặt trời mái nhà trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng, liệu lưới điện có bị quá tải không, thưa ông?
Ông Thái Minh Châu: Để khuyến khích các nhà đầu tư phát triển điện mặt trời mái nhà, PC Phú Yên đã rà soát hiện trạng nguồn và lưới điện; mức mang tải hiện tại và công suất có thể đấu nối vào lưới điện cho từng trạm biến áp, đường dây. Cụ thể, lưới điện Phú Yên hiện có 8 xuất tuyến 22kV đang bị quá tải, chủ yếu trên địa bàn huyện Sơn Hòa và Sông Hinh; 56 xuất tuyến 22kV còn khả năng giải tỏa được khoảng 350MWp công suất; 2.341 trạm biến áp hạ áp còn có thể đấu nối giải tỏa công suất điện mặt trời mái nhà…
Đối với các dự án lớn có quy mô công suất từ 50MW trở lên yêu cầu hệ thống lưới điện truyền tải 110kV và 220kV, thậm chí là 500kV, ngành Điện đang tính toán và có kế hoạch bổ sung vào các lộ trình đầu tư xây dựng lưới điện đồng bộ với các dự án, đảm bảo lưới điện truyền tải đủ mạnh để giải tỏa được hết công suất của các nhà máy điện mặt trời, nhà máy điện gió lớn trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó là nhu cầu phát triển các dự án điện mặt trời mái nhà với quy mô công suất dưới 1MWp, chủ yếu tận dụng trên mái các công trình xây dựng, trang trại, nhà ở của người dân sẽ được ngành Điện ưu tiên, sắp xếp để giải tỏa công suất, tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai dự án.
Một dự án điện mặt trời được triển khai trên địa bàn huyện Sơn Hòa. Ảnh: Ngô Xuân. |
PV: Cụ thể PC Phú Yên làm gì để hỗ trợ tốt nhất cho nhà đầu tư, thưa ông?
Ông Thái Minh Châu: Trước tiên, đối với các dự án điện mặt trời mái nhà công suất nhỏ dưới 100kWp, đầu tư trên mái các công trình nhà ở sẽ được ưu tiên giải tỏa 100%. Đây là lượng công suất nhỏ, chủ yếu sử dụng tại chỗ, phù hợp với chính sách điện mặt trời mái nhà do Chính phủ khuyến khích nhằm giảm lượng điện tiêu thụ trên lưới điện của khách hàng.
Bên cạnh đó, hiện có một số dự án điện mặt trời của các trang trại trồng trọt, chăn nuôi có quy mô công suất dưới 1MWp. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng điện của các trang trại này rất ít nên hầu hết sản lượng điện sản xuất ra đều được truyền tải lên lưới. Đối với các dự án này thì ngành Điện sẽ căn cứ vào khả năng truyền tải của lưới điện cũng như các trạm biến áp 110kV trên địa bàn để giải tỏa tối đa công suất theo khả năng hấp thụ được của lưới điện. Nếu các nhà đầu tư lựa chọn các địa điểm phù hợp thì lưới điện Phú Yên vẫn có để thu hút được công suất lên đến hàng trăm MWp.
PV: Theo Quyết định 13/2020 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, mức giá khuyến khích mua điện mặt trời chỉ được áp dụng cho các dự án vận hành thương mại trước 31/12/2020. Điều này có gây khó khăn cho việc đầu tư, nâng cấp lưới điện đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư không, thưa ông?
Ông Thái Minh Châu: Theo Quyết định 13/2020, mức giá ưu đãi đối với điện mặt trời mái nhà sẽ kết thúc vào ngày 31/12/2020, tức là chỉ còn hơn 4 tháng nữa. Với một thời gian ngắn như vậy thì việc cải tạo đường dây, trạm biến áp để thu hút thêm các dự án mới cũng là một thách thức đối với ngành Điện. Việc nâng cấp, cải tạo lưới điện không thể vượt quá công suất của các trạm biến áp 110kV khu vực. Nếu khu vực máy biến áp đã đầy tải, muốn lắp đặt thêm hoặc nâng cấp phải phù hợp với quy hoạch do Bộ Công Thương phê duyệt. Điều này cần nhiều thời gian và nhiều thủ tục điều chỉnh. Do vậy, trước mắt, chúng tôi tập trung cải tạo, nâng cấp các đường dây 22kV còn có khả năng đấu nối. Riêng với những dự án vướng vào các trạm biến áp 110kV thì phải phù hợp với quy hoạch điện và tiến độ đầu tư các trạm biến áp này.
PV: Xin cảm ơn ông!