Thông tư 25/2020/TT-BCT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 13/11/2020 và thay thế Thông tư 09/2012/TT-BCT ngày 20/4/2012.
Theo đó, Thông tư quy định về: xây dựng danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm hàng năm; xây dựng kế hoạch và báo cáo thực hiện kế hoạch hàng năm, 5 năm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm; xây dựng kế hoạch và báo cáo tình hình sử dụng năng lượng hàng năm của cơ quan, đơn vị có mức tiêu thụ điện hàng năm từ 100.000 kWh trở lên; trình tự, thủ tục thực hiện và nội dung báo cáo kiểm toán năng lượng.
Thông tư được áp dụng đối với: cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm; cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước hoặc một phần ngân sách nhà nước; tổ chức kiểm toán năng lượng; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Thông tư này không áp dụng đối với cơ quan, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Đối với đơn vị trung gian vận chuyển, mua bán, phân phối năng lượng thì không tính sản lượng mua bán, phân phối năng lượng trong sản lượng năng lượng tiêu thụ của đơn vị.
Theo quy định mới, cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm có trách nhiệm 3 năm một lần thực hiện việc kiểm toán năng lượng bắt buộc
|
Cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm là cơ sở sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, đơn vị vận tải có tổng mức tiêu thụ năng lượng trong 1 năm quy đổi ra tấn dầu tương đương từ 1.000 tấn trở lên (1.000 TOE); các công trình xây dựng được dùng làm trụ sở, văn phòng làm việc, nhà ở; cơ sở giáo dục, y tế, vui chơi giải trí, thể dục, thể thao; khách sạn, siêu thị, nhà hàng, cửa hàng có tổng mức tiêu thụ năng lượng trong 1 năm quy đổi ra tấn dầu tương đương từ 500 TOE.
Theo đó, quy định về thực hiện kiểm toán năng lượng đối với cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm như sau:
Cơ sở có trách nhiệm 3 năm một lần thực hiện việc kiểm toán năng lượng bắt buộc. Các bước thực hiện kiểm toán năng lượng và nội dung Báo cáo kiểm toán năng lượng của cơ sở quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư 25/2020/TT-BCT.
Kết quả kiểm toán năng lượng là báo cáo kiểm toán năng lượng bao gồm số liệu khảo sát, đo lường, thu thập số liệu về tình hình sử dụng năng lượng của cơ sở, phân tích, tính toán và đánh giá hiệu quả sử dụng năng lượng, đánh giá tiềm năng tiết kiệm năng lượng, đề xuất các giải pháp tiết kiệm năng lượng, phân tích hiệu quả đầu tư cho các giải pháp tiết kiệm năng lượng đề xuất để cơ sở lựa chọn triển khai áp dụng.
Trong thời hạn 30 ngày sau khi thực hiện kiểm toán năng lượng, cơ sở có trách nhiệm gửi báo cáo kiểm toán năng lượng bằng văn bản đến Sở Công Thương sở tại.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ khi nhận được báo cáo kiểm toán năng lượng, Sở Công Thương có trách nhiệm tiếp nhận, thông qua hoặc có ý kiến góp ý, yêu cầu hiệu chỉnh, bổ sung theo nội dung quy định tại Phụ lục 4 Thông tư 25/2020/TT-BCT. Cơ sở có trách nhiệm hoàn thiện báo cáo kiểm toán năng lượng và gửi lại bằng văn bản cho Sở Công Thương trong thời hạn 60 ngày sau khi nhận được ý kiến góp ý, yêu cầu hiệu chỉnh, bổ sung của Sở Công Thương.
Đối với các cơ sở mới có tên trong danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian 1 năm kể từ ngày ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, cơ sở có trách nhiệm hoàn thành lập báo cáo kiểm toán năng lượng và gửi về Sở Công Thương.
Link gốc