Sử dụng thiết bị điện đúng cách để tiết kiệm điện

Tình hình nắng nóng gay gắt những ngày trung tuần tháng 5 và đang đà tiếp diễn những ngày này khiến nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng cao. Để tiết kiệm điện trong mùa nắng nóng, người dân cần phải biết sử dụng thiết bị điện đúng cách. Dưới đây là trao đổi của ông Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng ban Kinh doanh - Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVNHANOI) về vấn đề này.

PV: Đợt nắng nóng vừa qua đã làm gia tăng nhu cầu sử dụng điện của người dân. Ông có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?

Ông Nguyễn Xuân Thắng: Thời gian qua (từ ngày 15 đến 18-5), thời tiết nắng nóng gay gắt diện rộng duy trì liên tục ở mức 39-40 độ C ở miền Bắc và miền Trung đã khiến sản lượng tiêu thụ điện tăng cao. Theo số liệu từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, lần đầu tiên trong lịch sử, công suất đầu nguồn của hệ thống điện toàn quốc đã vượt qua con số 36.000 MW. Cụ thể, vào khoảng 13h40 ngày 18-5, công suất hệ thống điện toàn quốc đã đạt tới 36.006 MW. Ngoài ra, sản lượng tiêu thụ điện ngày 18-5 của cả nước cũng ở mức cao kỷ lục là 756,9 triệu kWh. Tại Hà Nội, sản lượng điện tiêu thụ cũng đạt con số cao nhất từ đầu năm đến nay với mức 73,995 triệu kWh.

PV: Như vậy, việc sử dụng điện năng một cách an toàn, hợp lý và hiệu quả là rất cần thiết. Vậy, làm thế nào để người dân có thể sử dụng vừa tiết kiệm, vừa bảo đảm an toàn, thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Thắng: Điều này đúng nhưng thực sự không phải ai cũng biết. Đơn cử như thiết bị chiếu sáng, hiện nay không phải ai cũng hiểu việc thay bóng đèn sợi đốt bằng bóng đèn compact huỳnh quang hoặc đèn LED sẽ rất hữu ích trong việc tiết kiệm điện. Đây là một trong những giải pháp thông minh để tiết kiệm nguồn năng lượng. Vì ánh sáng sợi đốt hoạt động theo nguyên lý dùng nhiệt, khoảng 95% điện năng chuyển hóa thành nhiệt năng, chỉ còn 5% năng lượng điện tiêu thụ dùng để chiếu sáng, như vậy không tiết kiệm được điện. Trong khi đó, bóng đèn compact và đèn LED được biết đến là loại tiết kiệm năng lượng và kéo dài tuổi thọ hơn. 

Với ti vi, tủ lạnh, máy điều hòa, máy giặt… là các đồ vật được sử dụng thường xuyên và tiêu thụ nguồn năng lượng rất lớn. Do đó, để đạt hiệu suất cao khi dùng và tiết kiệm được điện năng cần hiểu rõ nguyên lý của nó. Ví dụ, với máy điều hòa, vào những ngày nhiệt độ ngoài trời cao hơn 40 độ C và nắng nóng gay gắt như hiện nay, rất nhiều gia đình sử dụng điều hòa nên có thể dẫn đến tình trạng quá tải. Chưa kể, nhiều gia đình có thói quen để nhiệt độ điều hòa ở mức thấp, trong thời gian dài sẽ dẫn đến điều hòa bị quá tải hoặc giảm tuổi thọ đáng kể. 

Nhân viên EVNHANOI hướng dẫn người dân sử dụng thiết bị điện hợp lý và hiệu quả

Ngoài ra, việc để mức nhiệt quá thấp cũng không tốt cho sức khỏe vì mức chênh lệch nhiệt độ quá cao trong phòng sử dụng điều hòa với nhiệt độ ngoài trời dễ dẫn đến tình trạng “sốc” nhiệt. Vì vậy, chúng ta chỉ nên để nhiệt độ điều hòa khoảng 25 độ C hoặc thấp hơn nhiệt độ ngoài trời 5-7 độ C. 

Cách tốt nhất là người dùng chỉ nên bật điều hòa ở mức 26 độ C để vừa tiết kiệm điện, vừa giảm thiểu nguy cơ quá tải cục bộ của lưới điện, đồng thời cũng hạn chế được tình trạng hóa đơn tiền điện tăng đột biến. Thêm vào đó, điều hòa cần đặt linh hoạt các chế độ để giúp giảm tải việc tiêu hao điện năng. Ví dụ, trời không quá nóng, độ ẩm cao nên để điều hòa ở chế độ khô; ngược lại, trời nắng nóng, độ ẩm thấp thì cần chuyển sang chế độ lạnh. Bên cạnh đó, các gia đình cần định kỳ vệ sinh, bảo trì máy và tắt máy điều hòa nếu rời khỏi phòng từ một giờ trở lên.

Với tủ lạnh, cần đặt ở vị trí khô thoáng, tránh xa các nguồn nhiệt như bếp, lò sưởi… Hai mặt bên và sau lưng tủ phải cách tường tối thiểu 10cm để bảo đảm không khí được lưu thông tự nhiên. Khi dùng chú ý không mở cửa tủ nhiều lần, thực hiện thao tác đóng và mở cửa tủ càng nhanh càng tốt. Không để thức ăn còn nóng vào trong tủ hoặc chứa nhiều thực phẩm quá mức quy định. Điều chỉnh nhiệt độ ở mức phù hợp, tốt nhất để độ lạnh ở vị trí trung bình. Thường xuyên vệ sinh và kiểm tra gioăng của tủ, không để tình trạng bị hở, gây lãng phí điện. 

Với máy giặt cũng vậy, sử dụng nước giặt với nhiệt độ bình thường, chỉ bật chế độ nước nóng khi thực sự cần thiết. Thực hiện giặt đồ khi đã đủ lượng quần áo theo tiêu chuẩn và thường xuyên vệ sinh, bảo dưỡng máy giặt. Một lưu ý nữa là, máy giặt cửa trên sẽ tiết kiệm điện hơn so với máy cửa ngang.

PV: Còn với những thói quen sử dụng điện trong sinh hoạt hằng ngày thì sao, thưa ông? 

Ông Nguyễn Xuân Thắng: Đây cũng là một vấn đề mọi người nên lưu tâm. Chúng ta nên thường xuyên tạo thói quen tắt hẳn nguồn điện khi không sử dụng với những thiết bị như ti vi, laptop, đầu thu truyền hình… Việc này sẽ giảm được một lượng điện năng đáng kể so với tắt bằng điều khiển. Thêm vào đó, nên chọn kích thước ti vi phù hợp với không gian sử dụng; tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên... Ở những hướng đón ánh nắng, có thể trồng cây như một bức chắn ánh nắng mặt trời và tạo không khí trong lành cho ngôi nhà. Khi trời quá nắng cần kéo rèm che để ngăn ánh nắng chiếu trực tiếp, không khí trong nhà sẽ mát mẻ hơn...

PV: Trân trọng cảm ơn ông!


  • 30/05/2019 02:00
  • Nguồn: hanoimoi.com.vn
  • 3718