Tập đoàn Vũ Phong giới thiệu các giải pháp phát triển năng lượng tái tạo

Hội thảo được tổ chức ngày 10/9 theo hình thức trực tuyến (webinar) với sự tham dự của hơn 300 chuyên gia, chủ đầu tư dự án năng lượng tái tạo, nhằm chia sẻ và thảo luận các giải pháp vận hành bảo dưỡng, quản lý tài sản cho nhà máy điện mặt trời, điện gió tại Việt Nam hiện nay.

Đông đảo các chuyên gia, chủ đầu tư và các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đã tham gia hội thảo.

Tại hội thảo, đại diện Tập đoàn Vũ Phong đã giới thiệu các hoạt động trong điều hành, quản lý và bảo trì nhà máy, bảo trì hệ thống điện mặt trời; các giải pháp quản lý tài sản kỹ thuật, quản lý tài chính và thương mại cho các dự án năng lượng tái tạo mà đơn vị này đang tiến hành.

Đặc biệt, đại diện đơn vị này đã giới thiệu "sản phẩm robot vệ sinh pin mặt trời" do Tập đoàn này nghiên cứu và phát triển với mã VPT-RB1200-S1, nhằm phục vụ công tác vận hành và bảo dưỡng (O&M) cho các dự án điện mặt trời. 

Theo đại diện Vũ Phong, sản phẩm robot này có nhiều ưu điểm nổi bật như lau sạch hơn, hiệu quả hơn, dễ dàng hơn, linh hoạt hơn, tối ưu nhân công, an toàn hơn và khả năng nâng cấp cao hơn, đồng thời giúp tiết kiệm 40% chi phí hàng năm so với chỉ sử dụng nhân công trong vòng 5 năm đầu và tiết kiệm lên đến 70% sau 26-30 năm.

Webinar cũng chia sẻ về giải pháp quản lý tài sản (AM - Asset Managament) cho nhà máy điện gió với Trung tâm giám sát từ xa (Remote Monitoring Center - RMC) cùng 3 gói dịch vụ Asset Monitor, Asset Guide, Asset Pilot mà Vũ Phong Tech-Vũ Phong Energy Group hợp tác cùng tập đoàn STEAG Energy Services GmbH (SES - Cộng hòa Liên bang Đức) cung cấp.

Theo ông Phạm Nam Phong - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vũ Phong, trong thời gian qua, thông qua sự hợp tác và chuyển giao công nghệ với những doanh nghiệp đứng đầu ngành như Bouygues, AC renewable… cùng hơn 2 năm quản lý vận hành thực tế, các kỹ sư của Vũ Phong đã tối ưu quy trình, xây dựng được bảng thống kê, gồm hàng trăm lỗi thường phát sinh trong vận hành nhà máy điện mặt trời và phương án cùng quy trình khắc phục nhằm tối ưu hiệu quả hoạt động của nhà máy.

Năm 2020, công tác O&M do Vũ Phong thực hiện đã giúp nhà máy điện mặt trời công suất 250 MWp tại Ninh Thuận vận hành với độ sẵn sàng đạt gần 100%.

Cũng theo ông Phong, thời gian tới, Tập đoàn sẽ xây dựng nhà máy sản xuất các robot chuyên dụng cho việc bảo dưỡng, vệ sinh điện mặt trời. Ngoài robot, tập đoàn này còn cung cấp các giải pháp về vận hành, bảo dưỡng sản phẩm năng lượng tái tạo…


  • 13/09/2021 01:21
  • Hải Yến
  • 1483