Ông Trần Viết Nguyên
|
PV: Ông có thể chia sẻ những kết quả nổi bật trong công tác tiết kiệm điện mà EVN đã triển khai trong thời gian qua?
Ông Trần Viết Nguyên: Phải khẳng định rằng, ý thức được tầm quan trọng của công tác tiết kiệm điện, từ nhiều năm nay, EVN đã luôn đi tiên phong và sử dụng nguồn lực đáng kể cho hoạt động này, góp phần quan trọng hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Chương trình mục tiêu quốc gia về quản lý nhu cầu điện (DSM)…
Các chương trình tiết kiệm điện đã được EVN và các đơn vị trực thuộc triển khai rộng rãi trên cả nước, trong tất cả các lĩnh vực như nông nghiệp (trồng thanh long, hoa cúc, nuôi tôm công nghiệp), trong công nghiệp, dịch vụ…, giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, qua đó tiết kiệm nguồn lực cho đất nước, chi phí cho khách hàng. Nhiều phong trào tiết kiệm điện đã được triển khai và nhân rộng như gia đình tiết kiệm điện, tiết kiệm điện trong trường học...
EVN cũng thường xuyên phối hợp chính quyền các địa phương, các đoàn thể vận động khách hàng lắp đặt điện mặt trời áp mái, tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải điện;... Đặc biệt, Tập đoàn còn tiên phong trong việc đầu tư lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời áp mái tại trụ sở các văn phòng/đơn vị trực thuộc và nhà điều hành các TBA từ 110kV trở lên, vận động CBCNV ngành Điện lắp đặt điện mặt trời áp mái, để khách hàng thấy được lợi ích và làm theo.
PV: Thưa ông, trong bối cảnh khó khăn về nguồn điện như hiện nay, việc tiết kiệm điện có ý nghĩa như thế nào?
Ông Trần Viết Nguyên: Theo tính toán cung cầu, tình trạng thiếu điện có thể xảy ra trong giai đoạn 2021 - 2024 với mức thiếu hụt cao nhất 13,3 tỷ kWh năm 2023, đồng thời phải huy động các nguồn điện chạy dầu với sản lượng từ 1,5 - 11 tỷ kWh/năm. Cao điểm là năm 2023, tổng sản lượng điện chạy dầu và sản lượng điện thiếu hụt toàn hệ thống dự kiến lên tới 24,2 tỷ kWh. Chính vì vậy, một trong những giải pháp trọng tâm được Chính phủ đặt ra nhằm đảm bảo an ninh năng lượng trong giai đoạn 2020-2025, là quản lý tốt hơn về “sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả phía nhu cầu (DSM)”.
Trên thực tế, tiềm năng tiết kiệm điện trong các lĩnh vực vẫn còn rất lớn. Nếu mỗi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp… ý thức sử dụng điện tiết kiệm, ưu tiên sử dụng điện ở giờ thấp điểm, thì hiệu quả mang lại cho đất nước, ngành Điện cũng như chính khách hàng là rất lớn. Tôi lấy một ví dụ, năm 2019, Việt Nam có gần 5.400 doanh nghiệp trọng điểm, sử dụng 82,5 tỷ kWh, tương ứng khoảng 36% sản lượng điện thương phẩm toàn quốc. Nếu các đơn vị này tiết kiệm ít nhất 2% sản lượng điện sử dụng, hiệu quả mang lại cũng rất lớn…
|
Tính đến 31/12/2019:
- Toàn quốc phát triển được 22.895 dự án ĐMTAM với tổng công suất gần đặt 400MWp, điện năng phát lên lưới đạt 122,3 triệu kWh. Trong đó có 776 dự án do các đơn vị trực thuộc EVN lắp đặt tại trụ sở.
- Hơn 3.000 khách hàng đã ký kết thỏa thuận với các đơn vị điện lực tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải điện phi thương mại (DR).
|
|
PV: Trong năm 2020, EVN sẽ có những giải pháp gì để thực hiện hiệu quả công tác tiết kiệm điện?
Ông Trần Viết Nguyên: Năm 2020, việc cung ứng điện gặp nhiều thách thức, đặc biệt là trong mùa khô. Chính vì vậy, tiết kiệm điện được EVN xác định là một trong những giải pháp trọng tâm, nhằm đảm bảo điện an toàn, tin cậy. Theo đó, Tập đoàn đã giao chỉ tiêu tiết kiệm điện (2% tổng sản lượng điện thương phẩm) cho các Tổng công ty điện lực; đồng thời, giám sát chặt chẽ kết quả thực hiện theo từng tháng, có chấm điểm chỉ tiêu hiệu quả.
Tập đoàn cũng tiếp tục tập trung vào những chương trình tiết kiệm điện đã mang lại hiệu quả cao trong thời gian qua. Ngoài ra, Tập đoàn cũng tiếp tục tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động khách hàng tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR); lắp đặt điện mặt trời áp mái; vận động CBCNV ngành Điện ở khu vực Trung bộ và Nam Bộ gương mẫu đi đầu trong việc lắp đặt điện mặt trời áp mái…
PV: Để mục tiêu tiết kiệm điện đạt hiệu quả cao, EVN sẽ có sự đổi mới như thế nào trong công tác tuyên truyền, vận động, thưa ông?
Ông Trần Viết Nguyên: Phải nói rằng, mặc dù EVN và các đơn vị đã rất nỗ lực, nhưng công tác tuyên truyền tiết kiệm điện vẫn còn có những hạn chế nhất định. Nội dụng vẫn còn trùng lặp; chưa có nhiều sản phẩm/tài liệu tuyên truyền đặc sắc, dễ tiếp cận, dễ hiểu… Chính vì vậy, dù nhận thức của người dân và doanh nghiệp về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tuy có chuyển biến, nhưng vẫn còn hạn chế trong triển khai thực tế.
Để khắc phục tình trạng này, thời gian tới, ngoài phối hợp tuyên truyền với các trường học, chính quyền, tổ chức đoàn thể xã hội, EVN và các đơn vị sẽ tập trung truyền thông qua mạng xã hội như zalo, facebook, youtube... Tập đoàn cũng sẽ xây dựng nội dung, sản phẩm truyền thông ấn tượng hơn để khách hàng dễ tiếp cận, dễ nhớ và dễ thực hiện như video clip, infographic... Năm 2020, EVN cũng đang nghiên cứu tổ chức Cuộc thi sáng tạo sản phẩm truyền thông tiết kiệm điện trên quy mô toàn quốc, nhằm huy động trí tuệ cộng đồng để đổi mới công tác truyền thông về tiết kiệm điện.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Một số chương trình tiết kiệm điện nổi bật EVN đã thực hiện:
- Hỗ trợ 5 triệu đèn compact giai đoạn 2007-2010: Giúp chuyển đổi thị trường chiếu sáng sinh hoạt từ sử dụng đèn sợi đốt sang đèn compact;
- Hỗ trợ phát triển thị trường bình nước nóng năng lượng mặt trời.
- Thí điểm thành công 2 mô hình tiết kiệm điện trong nuôi tôm công nghiệp được Bộ Công Thương công nhận sáng kiến tiết kiệm điện trong nuôi tôm và được giải Nhất cuộc thi “Sáng kiến vì cộng đồng” 2018.
+ Thay con lăn gối đỡ bằng con lăn ma sát trượt của giàn quạt xục khí ô xy, tiết kiệm 15% điện năng.
+ Thay con lăn và đồng trục mô tơ với giàn quạt xục khí ô xy, tiết kiệm tới 38,7% điện năng.
- 11 năm liên tục đồng hành cùng chiến dịch Giờ trái đất...
|