Tiết kiệm điện qua "lăng kính" của người dân

Sử dụng điện tiết kiệm là giải pháp tích cực để bảo vệ môi trường, đồng thời giảm chi phí sinh hoạt trong gia đình. Dưới đây là cái nhìn đa chiều của người dân về vấn đề tiết kiệm điện.

Chị Phạm Thị Ngọc Bích (Kinh doanh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội):

Tiết kiệm điện là cách tiết kiệm chi phí sinh hoạt hữu hiệu nhất 

Hiện nay, điều kiện sống của người dân được nâng cao, nhu cầu tiêu dùng điện phục vụ đời sống sinh hoạt ngày càng lớn, dẫn đến chi phí tiền điện tăng. Vì thế, cần quan tâm đến tiết kiệm điện, trước hết là để giảm chi phí sinh hoạt trong gia đình.

Vì gia đình ít người, nên tôi chọn mua tủ lạnh dung tích nhỏ và không mở cửa tủ lạnh liên tục; thay thế các bóng đèn trong nhà bằng đèn LED hay đèn compact; mua đồ điện có dán nhãn tiết kiệm năng lượng, tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, đặt chế độ hẹn giờ… Đặc biệt, tôi chỉ bật máy điều hòa khi thời tiết quá nóng và để nhiệt độ 27 độ C.

Tôi nghĩ, quan trọng chính là ý thức của mỗi cá nhân, bởi tiết kiệm điện chính là tiết kiệm tiền túi của mình, cũng là bảo vệ môi trường, vì một trái đất xanh.

 

Anh Trương Khải Minh (Giảng viên đại học, quận Đống Đa, Hà Nội):

Cần đưa giáo dục tiết kiệm điện vào trong nhà trường 

Bản thân tôi chứng kiến nhiều gia đình sử dụng điện lãng phí, rồi ra sức biện minh “tôi có tiền, tôi trả”. Việc thay đổi thói quen sử dụng điện của mỗi gia đình là điều không dễ dàng.

Theo tôi, việc giáo dục những kiến thức về tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng cần được đưa vào trong khung chương trình giáo dục từ các bậc học phổ thông, giúp sớm tạo dựng ý thức từ trên ghế nhà trường.

 

 

 

 

 

Bà Phạm Nhung Huyền (cán bộ hưu trí, quận Tây Hồ, Hà Nội):

Tiết kiệm điện giúp “hâm nóng” tình cảm gia đình

Trước đây, sau bữa cơm tối, các thành viên trong gia đình tôi “ai về phòng nấy”, mỗi phòng đều sử dụng tivi, điều hòa, đèn...

Tôi thấy việc đó vừa gây lãng phí điện khi sử dụng nhiều thiết bị điện cùng một mục đích, đồng thời gây “xao nhãng” tình cảm gia đình.

Sau đó, tôi đề nghị mọi người nếu ai không có việc cần kíp buộc phải về phòng riêng làm, sau khi ăn cơm sẽ ở lại trong phòng khách, vừa xem tivi vừa nói chuyện. Trong mấy ngày đầu thực hiện, mọi người còn chưa quen, còn có ý kiến phàn nàn bất tiện.

Dần dà, mọi người cảm thấy thích thú, vui vẻ. Tôi cảm nhận được sự đoàn tụ, ấm cúng trong những thời điểm cả nhà cùng sinh hoạt chung, vừa "hâm nóng" được tình cảm gia đình mà lại tiết kiệm điện.

 

Anh Vũ Đình Thắng (Nhân viên văn phòng, quận Hà Đông, Hà Nội):

Sử dụng điện theo nguyên tắc “4 đúng”

Gia đình tôi có 3 thế hệ cùng sống chung, số lượng người đông nên sản lượng tiêu thụ điện khá lớn, nhất là vào những tháng hè, sử dụng nhiều nên có tháng lên tới hơn 2 triệu đồng tiền điện.

Sau khi theo dõi những thông tin trên báo, đài, hay tham gia các buổi tuyên truyền ở xã, tôi đã được bổ sung thêm kiến thức về tiết kiệm điện.

Mới đây, khi xây nhà mới, tôi đã thiết kế nhà có giếng trời thoáng, lấy được ánh sáng và gió; mua sắm các thiết bị có dán nhãn năng lượng để tiết kiệm điện. Tôi cũng thay máy nước nóng sử dụng điện bằng máy sử dụng năng lượng mặt trời. Ngoài ra, tôi cũng thường xuyên nhắc nhở các thành viên trong gia đình tuân thủ nguyên tắc “ra tắt, vào mở”. Nhờ đó, tiền điện của gia đình đã giảm rõ rệt.

Cần sử dụng các thiết bị điện theo nguyên tắc “4 đúng”: Đúng lúc, đúng chỗ, đúng cách, đúng yêu cầu. Đây là cách thức sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả nhất.


  • 11/07/2019 02:43
  • Huy P.
  • 2559