Tiết kiệm điện và làm ra tiền nhờ... lắp điện mặt trời trên mái nhà

Các dự án điện mặt trời trên mái nhà thực hiện theo cơ chế mua bán điện mới của Chính phủ đang tạo sức hấp dẫn cho nhiều nhà đầu tư tham gia, để vừa sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, vừa làm ra tiền.

Ông Bùi Trung Kiên

Theo ông Bùi Trung Kiên - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh (EVNHCMC), các dự án điện mặt trời áp mái (ĐMTAM) đang thực hiện cơ chế mua bán điện theo chiều giao và chiều nhận riêng biệt của công tơ điện đo đếm hai chiều, có giá mua mới là 1.943 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế GTGT, tương đương với 8,38 UScents/kWh). Giá mua này được áp dụng cho hệ thống có công suất không quá 1 MW, đấu nối trực tiếp hoặc gián tiếp vào lưới điện có cấp điện áp từ 35 kV trở xuống và có xác nhận chỉ số công tơ trong giai đoạn từ ngày 1/7/2019 đến 31/12/2020, áp dụng trong 20 năm kể từ ngày vận hành.

Với thời gian xây dựng không quá 2 - 3 tháng, công trình khi đưa vào sử dụng sẽ nâng cao hiệu quả đầu tư và có thể hoàn vốn khoảng 5-6 năm. Việc lắp hệ thống cũng giúp tiết kiệm chi phí tiền điện, nhờ giảm bớt sử dụng từ nguồn điện lưới. Ngoài ra, các tấm pin mặt trời giúp làm mát tòa nhà, giảm công suất sử dụng máy lạnh. Lâu dài, chủ đầu tư có thêm nguồn thu bổ sung từ tiền bán sản lượng ĐMT dư phát ngược lên lưới.

PV: Thưa ông Bùi Trung Kiên, thẩm quyền ký kết hợp đồng mua bán điện và trả tiền mua ĐMTAM như thế nào? Thủ tục làm hồ sơ đề nghị bán điện từ dự án và công tác lắp đặt công tơ đo đếm 2 chiều cho dự án ĐMTAM có phức tạp không?

Ông Bùi Trung Kiên: Tổng công ty ủy quyền cho Công ty Điện lực (CTĐL) từng khu vực ký kết hợp đồng với các chủ đầu tư, tiến hành theo dõi, kiểm soát chỉ số và thanh toán tiền đầy đủ theo quy định, đồng thời sẽ kiểm soát chặt chẽ công suất lắp đặt của các dự án ĐMTAM đấu nối vào lưới điện nhằm đảm bảo tránh tình trạng gây quá tải đường dây, máy biến áp. Thủ tục rất đơn giản: Sau khi lắp đặt hệ thống, chủ đầu tư liên hệ Tổng đài CSKH của EVNHCMC theo số 1900.54.54.54 để kiểm tra miễn phí điều kiện hòa lưới, lắp đặt điện kế 2 chiều và ký hợp đồng mua bán điện mặt trời.

Đối với chủ đầu tư đã có hợp đồng mua điện tại địa điểm lắp đặt, đơn vị thay thế công tơ đo đếm 1 chiều hiện hữu bằng công tơ đo đếm 2 chiều và ký kết ngay. Trường hợp phải chuyển đổi điểm đấu nối với lưới điện hạ áp từ 1 pha sang 3 pha để đấu nối dự án, chủ đầu tư chịu trách nhiệm nâng cấp dây dẫn sau công tơ, ngành Điện chịu trách nhiệm nâng cấp dây dẫn từ công tơ đến điểm đấu nối. Khách hàng đề nghị cấp điện mới thì đơn vị lắp đặt công tơ đo đếm 2 chiều, ký hợp đồng mua điện từ dự án của chủ đầu tư đồng thời với hợp đồng bán điện sử dụng tại địa điểm lắp đặt.

Sau khi lắp đặt hệ thống, chủ đầu tư liên hệ Tổng đài CSKH của EVNHCMC để kiểm tra miễn phí điều kiện hòa lưới.

PV: Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển điện mặt trời tại TP.HCM ?

Ông Bùi Trung Kiên: TP.HCM có lượng bức xạ lớn, trung bình khoảng 1.581 kWh/m2/năm, cao nhất là 6,3 kWh/m2/ngày vào tháng 2 và thấp nhất là 3,3 kWh/m2/ngày vào tháng 7. Số giờ nắng trung bình trong tháng dao động từ 100-300 giờ, liên tục trong suốt cả năm và không bị gián đoạn. Mùa khô, số giờ nắng lên tới 300 giờ, còn mùa mưa, số giờ nắng khoảng 150 giờ nên tiềm năng phát triển và ứng dụng năng lượng mặt trời rất lớn, đặc biệt là ĐMTAM. Qua khảo sát của EVNHCMC, tiềm năng lắp đặt ĐMTAM của một số nhóm như sau: (1) hành chính sự nghiệp (bao gồm cả giáo dục, y tế, giao thông): 153,95 MWp; (2) sản xuất: 1.471,77 MWp; (3) thương mại: 145,88 MWp. Nếu có các cơ chế chính sách phù hợp thì ĐMTAM phát triển rất nhanh trong thời gian tới.

Hiện thành phố đã thực hiện 6.407 công trình ĐMTAM với công suất là 81,97 MWp. 3 tháng đầu năm nay đã có 856 công trình đưa tổng sản lượng ĐMTAM phát ngược lên lưới điện trong 3 tháng đầu năm 2020 là 9,11 triệu kWh và có 5,67 tỷ đồng được thanh toán.

PV: Với tiềm năng như vậy, EVNHCMC đã có những động thái gì để khuyến khích phát triển ĐMTAM?

Ông Bùi Trung Kiên: EVNHCMC liên kết chặt chẽ với các nhà cung cấp, đầu tư điện mặt trời và ngân hàng..., phối hợp đề xuất cơ chế, chương trình giảm giá, nâng thời gian bảo hành, chính sách ưu đãi về lãi suất, đầu tư trước trả tiền sau,… để khuyến khích khách hàng tham gia và cam kết luôn đồng hành, hỗ trợ nhằm phục vụ được tốt nhất.

Thông qua Sở Công Thương, kiến nghị thành phố có các cơ chế mở: Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về sử dụng ĐMTAM, khuyến khích các cơ quan, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp tự đầu tư hoặc kêu gọi xã hội hóa, đồng thời đưa việc lắp đặt ĐMTAM vào yêu cầu bắt buộc trong quy chuẩn xây dựng các tòa nhà có mái lớn (chung cư, trụ sở, trung tâm thương mại, khách sạn,...), tiếp tục cùng các tổ chức tài chính quốc tế đề xuất các khoản hỗ trợ, viện trợ không hoàn lại và chế độ ưu đãi dành cho CBCNVC…

Link bài gốc


  • 17/04/2020 10:31
  • Nguồn: thanhnien.vn
  • 2182