Bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Ảnh: Thành Trung. |
PV: Thưa bà, tại sao Bộ Công Thương lại lựa chọn thông điệp của Giờ trái đất năm nay là "Tiết kiệm năng lượng, bảo vệ trái đất"?
Bà Nguyễn Thị Lâm Giang: Các hoạt động sản xuất và sử dụng năng lượng là nguyên nhân chính của phát thải nhà kính, là tác nhân dẫn đến biến đổi khí hậu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của con người nói riêng, đến môi trường tự nhiên và trái đất nói chung.
Việc tiết kiệm năng lượng là mũi tên trúng hai đích, vừa giúp nâng cao hiệu quả của cuộc sống, của nền kinh tế, vừa góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ trái đất. Đây chính là lý do Bộ Công Thương lựa chọn thông điệp Giờ trái đất năm nay nhằm một lần nữa kêu gọi mỗi cá nhân, tổ chức hãy tiết kiệm năng lượng, bảo vệ trái đất bằng những cách làm thiết thực, cụ thể.
Với thông điệp này, Bộ Công Thương cũng muốn tập trung hơn nữa cho những giải pháp tiết kiệm năng lượng trong doanh nghiệp, cộng đồng, cũng như phổ biến những công nghệ mới đến với các hộ dân, doanh nghiệp và các tổ chức.
PV: Xin bà cho biết cụ thể việc tập trung vào những giải pháp tiết kiệm năng lượng đối với doanh nghiệp, cộng đồng?
Bà Nguyễn Thị Lâm Giang: Trong tháng 3 này, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng phổ biến các biện pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả tại các doanh nghiệp, các hộ gia đình. Đồng thời, kết nối với các nhà máy thực hiện sáng kiến tiết kiệm điện trong sản xuất và tổ chức các buổi tọa đàm với chủ đề "Giải pháp năng lượng xanh cho tương lai".
Theo số liệu của cơ quan chức năng, mặc dù đã có nhiều nỗ lực, Việt Nam vẫn là một trong những nước có mức độ sử dụng điện và năng lượng trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cao hàng đầu so với các nước trong khu vực, nhu cầu sử dụng điện và năng lượng mỗi năm tăng đến 10%, cao hơn tốc độ tăng trưởng của GDP.
Chi phí năng lượng trong giá thành sản phẩm cũng cao hơn các nước có cùng trình độ công nghệ, thực tế này ảnh hưởng rất lớn đến tính hiệu quả của nền kinh tế nói chung, của các cơ sở sản xuất kinh doanh và kinh tế các hộ gia đình nói riêng. Nếu chúng ta sử dụng điện và năng lượng tiết kiệm, hiệu quả hơn thì hiệu quả sản xuất kinh doanh sẽ tăng và gánh nặng về chi phí điện năng cho mỗi gia đình sẽ giảm.
PV: Bà đánh giá thế nào về hiệu quả của chiến dịch Giờ trái đất tại Việt Nam?
Bà Nguyễn Thị Lâm Giang: Năm nay là năm thứ 11 Việt Nam tham gia chiến dịch. Năm 2009, năm đầu tiên Việt Nam tham gia, chúng ta chỉ có 6 thành phố: Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Hội An, Huế, và Nha Trang, nhưng đến nay đồng loạt 63 tỉnh, thành của Việt Nam đã hưởng ứng chiến dịch.
Cùng với đó, các thông điệp Giờ trái đất qua các năm cũng đã lan tỏa được ý nghĩa của chương trình, cộng đồng giờ đã ý thức hơn trong vấn đề bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, hướng tới thay đổi hành vi, bắt đầu cho lối sống xanh vì một thế giới tươi đẹp hơn cho bản thân mỗi người và cho thế hệ tương lai.
PV: Xin cảm ơn bà!