Vận hành công trình bền vững trong mùa dịch

Ứng dụng kỹ thuật tiết kiệm năng lượng giúp các khách sạn 5 sao tiết giảm hàng trăm ngàn USD chi phí mỗi năm.

Theo ông Phạm Huy Tuấn, Chủ tịch Hội Kỹ sư trưởng Hà Nội, hoạt động quản lý vận hành công trình ở Việt Nam nhìn chung vẫn còn thiếu hụt cả về chất lượng lẫn số lượng, cũng như rào cản về hành lang pháp lý. Do đó, cùng sự phát triển mạnh mẽ của bất động sản, công tác quản lý vận hành trong các công trình xây dựng tiếp tục phải đối mặt với những thách thức mới trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Vận hành công trình xanh đang là xu thế toàn cầu. Ảnh: Realtimes.

Cụ thể, công tác vận hành các tòa nhà, khách sạn phải chịu sức ép về chi phí trong khi phải tăng cường các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh. Mặt khác, những sự kiện về thiên tai, dịch bệnh cũng đang đặt ra yêu cầu cần phải xem xét và tái cơ cấu hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng giảm thiểu tác động tới môi trường. Vận hành công trình cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó.

“Quy trình công việc trở nên phức tạp với yêu cầu cao hơn nhưng lại thiếu hụt về tài chính do hoạt động kinh tế đình trệ khiến hoạt động vận hành, quản lý các công trình bất động sản, từ văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại cho tới chung cư, khu đô thị, khu phức hợp”, ông Tuấn cho biết.

Tuy nhiên, Covid-19 cũng là cơ hội để nhìn nhận và đánh giá lại công tác quản lý, vận hành công trình bất động sản, từ đó đưa ra các biện pháp để nâng cao hiệu quả, tiết giảm chi phí. Đặc biệt, xu thế chuyển đổi số được thúc đẩy bởi đại dịch có thể trở thành giải pháp tối ưu cho việc quản lý tập trung, xây dựng kế hoạch làm việc và tăng cường chất lượng dịch vụ.

Tiết kiệm năng lượng trong vận hành công trình

Đánh giá về hoạt động vận hành công trình, ông Nguyễn Văn Chính, Giám đốc kỹ thuật khách sạn JW Marriott cho biết, một lượng lớn chi phí đến từ việc sử dụng năng lượng, đặc biệt tại các công trình cao cấp như khách sạn, khu phức hợp, khu văn phòng 5 sao.

Thực tế cho thấy tại nhiều công trình, năng lượng đang được sử dụng một cách bất hợp lý, gây ra gánh nặng về tài chính, nhất là trong thời điểm hoạt động dịch vụ bị ngưng trệ. Theo đó, ứng dụng kỹ thuật tiết kiệm năng lượng như trang thiết bị hiệu suất cao, tận dụng năng lượng tự nhiên, cơ chế thu hồi năng lượng sẽ giúp tiết kiệm được đáng kể chi phí vận hành, với chi phí lắp đặt, chuyển đổi không quá cao.

Theo thống kê của Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP. HCM, thực hiện các quy trình về nâng cao hiệu quả năng lượng sẽ làm chi phí đầu tư ban đầu tăng khoảng 3%, trong khi cắt giảm chi phí vận hành lên tới 14 – 36%.

Thực tế, khách sạn Deawoo Hà Nội đã tiết kiệm được 250.000USD mỗi năm trong giai đoạn 1998 – 2000, với các thiết bị, máy móc hiệu suất cao vẫn "chạy tốt" sau hơn 20 năm sử dụng. Khách sạn Sheraton và JW Marriott cũng tinh giảm được lần lượt 250.000USD và 350.000USD mỗi năm sau khi ứng dụng các kỹ thuật tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng.

Các chuyên gia cũng nhận định, xu hướng công trình xanh, tiết kiệm năng lượng đang trở thành điều tất yếu của nền kinh tế nói chung cũng như bất động sản và xây dựng nói riêng, bắt buộc các đơn vị, tổ chức và doanh nghiệp phải tuân theo nếu không muốn bị đào thải ra khỏi thị trường.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đồi sang công trình xanh tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều cản trở, khó khăn do sự thiếu hụt về chia sẻ thông tin cũng như kinh nghiệm và kiến thức của đội ngũ vận hành công trình.

“Tâm lý của chủ công trình là không tin tưởng, còn tâm lý của người vận hành là không dám thử, sợ sai. Hiện tượng này xảy ra do cả chủ công trình và người vận hành đều không nắm được những thông tin cần thiết liên quan đến kỹ thuật tiết kiệm năng lượng”, ông Chính nhận xét.

Mặt khác, nhiều đơn vị vận hành và chủ đầu tư công trình vẫn giữ suy nghĩ “làm theo kiểu cũ vẫn tốt”, từ đó ngại thay đổi, chậm chạp và thiếu cởi mở trong việc áp dụng quy trình, công nghệ mới dù có hiện đại, hiệu quả hơn hẳn so với quy trình và công nghệ cũ, lạc hậu.

Theo ông Chính, để các biện pháp kỹ thuật tiết kiệm năng lượng được sử dụng rộng rãi, cơ quan nhà nước cần ban hành những cơ chế bắt buộc, quy định về định mức năng lượng riêng cho từng loại hình bất động sản cũng như khí hậu và vùng miền.

Mặt khác, cơ quan chức năng có thể phối hợp với tổ chức, doanh nghiệp để xây dựng cổng thông tin cởi mở về giải pháp kỹ thuật vận hành năng lượng, quỹ hỗ trợ tiết kiệm năng lượng, đơn vị cho thuê trang thiết bị, tư vấn giải pháp.

Các trang thiết bị, nguyên vật liệu tiết giảm năng lượng cần có cơ chế ưu đãi về thuế, cùng với việc tăng cường hiệu quả hoạt động kiểm toán năng lượng để tạo động lực giúp chủ công trình ứng dụng rộng rãi các phương án bền vững hơn trong vận hành.

Link gốc


  • 10/12/2020 09:24
  • Nguồn: theleader.vn
  • 1417