"Đừng để văn hoá doanh nghiệp trở thành rào cản cho quá trình chuyển đổi số"

Đó là khẳng định của Thạc sỹ Nguyễn Thị Huệ, giảng viên Đại học FPT khi trao đổi với vanhoa.evn.com.vn xung quanh chủ đề văn hóa doanh quan trọng như thế nào trong quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp?

Thạc sỹ Nguyễn Thị Huệ, giảng viên Đại học FPT.

PV: Là người từng tham gia giảng dạy về văn hoá doanh nghiệp (VHDN) cho nhiều đơn vị cũng như nghiên cứu về lĩnh vực này, xin chị cho biết VHDN có sức ảnh hưởng như thế nào đến quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp đó?

Thạc sỹ Nguyễn Thị Huệ: Vài năm trở lại đây, chuyển đổi số là cụm từ được nhắc tới nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Hiểu một cách đơn giản, chuyển đổi số là sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của một doanh nghiệp, tận dụng công nghệ để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp các giá trị mới cho khách hàng của doanh nghiệp đó cũng như tăng tốc hoạt động kinh doanh.

Chuyển đổi số cũng là một sự thay đổi về văn hóa của các doanh nghiệp, đòi hỏi các doanh nghiệp phải liên tục thay đổi, thử nghiệm cái mới và thoải mái chấp nhận các thất bại.

Điều này cũng phần nào cho thấy “sức nặng” của văn hóa doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số. Nếu không xây dựng được văn hoá doanh nghiệp chuyển đổi số thì doanh nghiệp đó sẽ thất bại trong lộ trình này. Bởi, trong quá trình chuyển đổi số, xây dựng văn hoá số giúp doanh nghiệp tạo ra nguồn nhân lực với tư duy đột phá sáng tạo, tạo ra các sáng kiến số đổi mới với khả năng thích ứng linh hoạt với thay đổi, đồng thời, sẵn sàng tiếp thu các phản hồi để biến chúng thành cơ hội mới, từ đó đưa doanh nghiệp bước lên vị thế cao hơn trên thị trường. Do đó, trong lộ trình chuyển đổi số của mình, các doanh nghiệp phải lưu ý để VHDN không trở thành rào cản mà phải mang tính thúc đẩy.

PV: Vậy theo chị, đâu là những rào cản mà các doanh nghiệp cần bước qua để xây dựng văn hoá đáp ứng quá trình chuyển đổi số?

Thạc sỹ Nguyễn Thị Huệ: Tôi cho rằng, chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi cách sống, cách làm việc dựa trên công nghệ số, không phải chỉ là ứng dụng công nghệ thông tin. Chính vì vậy, vai trò của người đứng đầu, lãnh đạo doanh nghiệp rất quan trọng trong quá trình định hướng, quyết định, là người chịu trách nhiệm với chuyển đổi số của một cơ quan, doanh nghiệp và cũng quyết định rất lớn đến việc xây dựng VHDN trong quá trình chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, tư duy “ngại thay đổi” chính là rào cản lớn nhất cho sự chuyển đổi số của doanh nghiệp. Những câu chuyện thành công về chuyển đổi số cho thấy, người đi tiên phong trong chuyển đổi số là những người sẵn sàng thay đổi, sẵn sàng từ bỏ các mô hình kinh doanh truyền thống để thiết lập mô hình kinh doanh mới, sáng tạo lại các chuỗi cung ứng và quy trình ra quyết định, loại bỏ những công đoạn trung gian, rườm rà, hình thức.

Đổi mới tổ chức trên nền tảng văn hóa sáng tạo sẽ là bước đi mở đường cho kinh tế số. Ngoài ra, một số thói quen “cố hữu” trong văn hóa doanh nghiệp có thể sẽ trở thành lực cản lớn cho mọi nỗ lực chuyển đổi số có thể kể đến như: Thói quen “ra lệnh”; thói quen “không phản hồi”; thói quen “đại khái”; thói quen “nước đến chân mới nhảy”... Những thói quen này đều cần phải được loại bỏ trong quá  trình các doanh nghiệp xây dựng văn hoá số.

PV: Những yếu tố nào giúp xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số, thưa chị?

Thạc sỹ Nguyễn Thị Huệ: Muốn xây dựng văn hoá số, các doanh nghiệp cần chú trọng một số yếu tố như xây dựng tính đổi mới, sáng tạo; xây dựng tư duy mở, xây dựng môi trường làm việc hợp tác, linh hoạt và hình thành tác phong tư duy số.

Cụ thể, đổi mới sáng tạo là yêu cầu bắt buộc trong cuộc cạnh tranh chuyển đổi số. Mỗi ngày trôi qua là những xu hướng mới, công nghệ mới, con người mới xuất hiện. Tư duy đổi mới sẽ giúp cho lãnh đạo lẫn cả nhân viên sẽ bắt kịp nhịp độ chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay. 

Để xây dựng tư duy đó, doanh nghiệp có thể thường xuyên tổ chức các cuộc thi sáng tạo, khuyến khích nhân viên đề xuất ý tưởng mới. Người lãnh đạo là người tiên phong, và cũng phải là người chịu lắng nghe những đề xuất, ủng hộ những sáng kiến mới mẻ của nhân viên.

Tư duy mở giúp cho doanh nghiệp có cái nhìn xa trông rộng hơn, nắm bắt được những xu hướng hiện hành - yếu tố cốt lõi của chuyển đổi số. Mở rộng tầm nhìn thoát khỏi các giới hạn truyền thống để tập trung làm tăng thêm mọi giá trị một cách nhiều nhất ở mức có thể, sẵn sàng học hỏi và thay đổi, cũng như chấp nhận thất bại một cách đúng đắn. Đây là điểm khác biệt nổi bật so với văn hoá truyền thống.

Trong một thế giới phẳng và kết nối, tư duy hướng ngoại, chia sẻ các lợi ích để cùng có lợi chính là cách giúp doanh nghiệp linh hoạt và thích nghi với mọi thay đổi. Kinh tế chia sẻ chính là một mô hình điển hình cho thời đại số.

Bên cạnh đó, chuyển đổi số lẽ dĩ nhiên phải gắn với tư duy số. Không những số hóa quy trình, thao tác mà còn phải số hóa cả tư duy. Một trong những lợi ích của việc chuyển đổi số là khả năng theo dõi và phân tích dữ liệu. Việc này cho phép các doanh nghiệp sử dụng những dữ liệu để tối ưu hóa các chiến lược và sách lược kinh doanh nhằm mang lại kết quả tốt hơn. Bên cạnh đó, việc quyết định mọi việc dựa trên dữ liệu còn giúp doanh nghiệp hiểu hơn nhu cầu khách hàng, từ đó tạo ra những phản hồi và cải thiện kịp thời, phù hợp, linh hoạt hơn.

Ngoài ra, văn hóa chuyển đổi số đòi hỏi sự linh hoạt và nhạy bén. Điều này buộc các quy trình, bước giải quyết công việc phải trôi chảy, nhanh chóng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần linh hoạt trong việc tiếp thu những ý kiến, phản hồi. Hơn hết, doanh nghiệp chỉ có thể tồn tại trong dòng chảy mãnh liệt của chuyển đổi số chỉ khi thực sự linh hoạt và kịp thời thích nghi với thay đổi và những điều mới mẻ.

PV: Đối với riêng EVN, chị có lưu ý gì khi xây dựng văn hoá doanh nghiệp cho quá trình chuyển đổi số?

Thạc sỹ Nguyễn Thị Huệ: Đối với doanh nghiệp có đặc thù kinh tế kỹ thuật riêng như EVN, để thiết lập được một “nền” văn hóa phục vụ cho chuyển đổi số thành công theo tôi, cần tập trung vào những vấn đề trọng tâm sau:

Trước tiên là vấn đề con người. Việc chuyển đổi số của EVN cần phải gắn liền “chuyển đổi” được con người. EVN cần phải định hướng cho cán bộ công nhân viên hiểu được nguyên nhân tại sao họ phải trải qua chuyển đổi số, chuyển đổi sẽ giúp cho bản thân tự hoàn thiện nâng cao trình độ và giúp doanh nghiệp nâng cao được hiệu quả sản xuất kinh doanh, xây dựng những giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, từng cán bộ nhân viên phải sẵn sàng cho việc hòa nhập với phương pháp làm việc mới, coi đây là một tất yếu trong xu thế số hóa ngày nay, nếu không thực hiện bản thân họ sẽ bị tụt hậu và bị bỏ lại phía sau.

Thứ hai, cần phải xây dựng văn hóa học hỏi, đây là một yếu tố rất quan trọng là cốt lõi của của bất kỳ chuyển đổi nào. Qua học hỏi chúng ta sẽ thích ứng với các phương pháp, chính sách làm việc mới thay đổi hệ thống quan điểm, hành vi hằn sâu theo văn hóa cũ. Phải bỏ được thói quen “ngại thay đổi”, “đại khái” cho xong việc hoặc “không phản hồi” coi việc thay đổi là việc của người khác… 

Thứ ba, trong quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp phục vụ chuyển đổi số thì vai trò của lãnh đạo và những người đứng đầu có vai trò hết sức quan trọng. Theo tôi được biết, lãnh đạo EVN là những người rất tiên phong và đóng vai trò cốt lõi trong chuyển đổi số. Điều cần làm là các cấp lãnh đạo, quản lý cần tạo lực đẩy cho toàn thể người lao động, cần mạnh dạn đổi mới, hướng nhân viên, người lao động đến với những phương pháp, cách làm việc hiệu quả và quan trọng nhất là phải làm thay đổi được nhận thức, thay đổi tư duy lối mòn trong thực tiễn lao động.

Tóm lại, muốn chuyển đổi số thành công phải xây dựng được văn hóa doanh nghiệp, tức là phải thắng được suy nghĩ, cách làm cũ không còn phù hợp. Với sự đồng lòng quyết tâm của tập thể lãnh đạo EVN, tôi tin rằng công cuộc chuyển đổi số chắc chắn sẽ thành công, văn hóa doanh nghiệp ngày càng được củng cố, thúc đẩy hiệu quả sản xuất kinh doanh của tập đoàn.

PV: Xin trân trọng cảm ơn chị!


  • 24/01/2022 10:06
  • Đình Ngà (thực hiện)
  • 1963