Nữ công nhân đang tiến hành thao tác, kiểm tra thiết bị ngoài trời - Ảnh: CTV
|
Nghề kỹ thuật
Chị Lê Thị Phúc là kiểm định viên Tổ Hiệu chỉnh - Kiểm định công tơ thuộc Đội Thí nghiệm – Đo lường, Công ty Điện lực Đà Nẵng. Công việc của chị mang đậm tính kỹ thuật, thường chỉ dành cho nam giới. Vậy mà các chị ví von nghề của mình giống như một “Bác sỹ”, mà chiếc công tơ chính là “Bệnh nhân”.
34 năm cầm kìm, tuốc – nơ - vít “chữa bệnh”, đôi bàn tay chị đã chai sần theo năm tháng. Song chị luôn có niềm đam mê với công việc. Chị làm việc một cách thầm lặng, tỉ mỉ, kiên trì, tận tụy, theo dõi, đo đạc, kiểm tra các thông số kỹ thuật, tập trung mọi khả năng, trí tuệ, tay nghề của mình, sửa chữa những hư hỏng của thiết bị, tiết kiệm chi phí cho đơn vị và khách hàng.
Giống như chị Phúc, không ít chị em trong Tổ, không sợ cực, không sợ xấu, không mặc cảm khi làm nghề dành cho nam giới. Các chị luôn yêu nghề, gắn bó, yêu thương đồng nghiệp, vì lợi ích của khách hàng, sẵn sàng làm thêm giờ, đặc biệt vào những ngày cuối tuần trong những đợt cao điểm, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất – kinh doanh.
Sự chan hòa, gắn bó của đồng nghiệp và những quan tâm động viên khích lệ của lãnh đạo luôn là động lực lớn lao để chị em phấn đấu góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất – kinh doanh của Công ty – Chị Lê Thị Phúc, Công ty Điện lực Đà Nẵng
Cần có sự bố trí công việc hợp lý, tạo điều kiện cho chị em phát huy năng lực cá nhân trong công việc. Đồng thời, nêu cao tinh thần bình đẳng giới để đồng nghiệp và người dân nhìn nhận tích cực về phụ nữ lao động trong ngành Điện, tạo cơ hội phát triển cho chị em - Chị Hà Bích Ngọc, Điện lực TP Yên Bái
|
Làm việc như nam giới
Chị Hà Bích Ngọc là công nhân Trạm quản lý điện khu vực km 4, thuộc Điện lực Yên Bái, đã gắn bó với ngành Điện gần 20 năm. Công việc của chị là quản lý vận hành đường dây và trạm biến áp.
Năm 2008, Điện lực TP Yên Bái đã thực hiện trả lương theo hình thức khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động. Trong khi khối lượng công việc nhiều, Trạm có 23 người thì có 9 nữ công nhân viên, nhưng cũng làm việc như nam giới. Mỗi người đều phải đảm bảo các chỉ tiêu được giao gồm: Sản lượng điện thương phẩm, tỷ lệ tổn thất, giá bán bình quân, suất sự cố, chỉ tiêu độ tin cậy lưới điện, ghi chỉ số công tơ, thu tiền điện… Chị cho biết, công việc hằng ngày cực nhọc, có khi còn vất vả hơn cả vận động viên do phải trèo cao, rải dây, sửa chữa, phát chặt cây trong hành lang an toàn lưới điện... Nhiệm vụ đâu có phân biệt nam hay nữ, vậy là các chị cũng “treo mình” chẳng kém gì các đấng mày râu.
Thu nhập hằng tháng của mỗi người phụ thuộc vào kết quả hoàn thành các chỉ tiêu giao khoán. Do áp lực công việc, chị hầu như không có ngày nghỉ, công việc nhà và chăm lo con cái phải trông cậy hết vào chồng. Nhớ lại 10 năm trước, lần ấy chị đang trực thì chồng gọi điện báo con bị sốt cao, anh Trạm trưởng thông cảm trực thay ca cho chị về.. Nửa đêm, chị mới đưa được con đi bệnh viện, nhưng chờ mãi mới có bác sỹ đến khám. Rất may, bác sĩ khám cho cháu bé đã nhận ngay ra chị là người ngành Điện và đã có lần đến sửa điện cho bệnh viện, nên rất tận tình chữa trị cho cháu tai qua nạn khỏi.
Vượt qua định kiến
Chị Mai Lương Vân, Phó ban Kinh doanh Tổng công ty Điện lực miền Nam chia sẻ, chị em phụ nữ nói chung thường ít có tư duy tổng hợp, mà hay đi sâu vào tiểu tiết. Làm việc trực tiếp ngoài hiện trường như giám sát thiết kế, kỹ thuật hay làm việc tại tại kho bãi, trực vận hành, hay cả những đơn vị phụ trợ tiếp xúc với chất độc hại…của ngành Điện…chị em thường hay có những định kiến nên thiếu tự tin, không mạnh dạn đưa ra quan điểm cá nhân của mình. Thậm chí, ý kiến được cho là đúng, hay có những ý tưởng mới, rất hay, chị em cũng phải phát biểu một cách tế nhị, có tranh luận cũng phải nhẹ nhàng, khéo léo mới mong thuyết phục được.
Chị Vân đã có thâm niên công tác 20 năm trong ngành Điện. Bản thân chị luôn không ngừng phấn đấu, vượt qua mọi định kiến. Hiện nay, không chỉ làm nhiệm vụ quản lý, mà chị còn tích cực góp nhiều ý tưởng mới áp dụng trong quản lý. Bây giờ, chị đã hoàn toàn từ bỏ được tâm lý, mình là phụ nữ, tiếng nói của mình sẽ không được chú trọng...
Theo chị, ngành Điện là ngành nặng nhọc, độc hại và không kém phần nguy hiểm, vì vậy, đa số cán bộ, công nhân là nam giới. Chính vì lẽ đó, lãnh đạo các đơn vị cần tôn trọng, hỗ trợ chị em phụ nữ vượt qua được tính rụt rè, tự ti vốn có ở phụ nữ Á Đông. Phụ nữ thường chăm chỉ, tỉ mỷ và có trách nhiệm cao trong công việc, do đó, chỉ cần chị em cảm thấy tự tin thì công việc sẽ đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, bản thân chị em cũng phải nỗ lực cao trong học tập, rèn luyện, đáp ứng tốt với những yêu cầu đặc thù của Ngành.