Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La - Hoàng Trọng Nam
|
Chịu kỷ luật, thưởng lại to
Ông Nam là mẫu người của công việc. Hồi còn ở Điện lực Sơn La, ông đã nổi tiếng là vị giám đốc dám làm, dám chịu. MBA 110 kV Mộc Châu bị hỏng, theo chu trình sửa chữa thì phải mất hàng tháng, nghĩa là phải cắt điện cả một khu công nghiệp chế biến chè, sữa - công ăn việc làm nuôi sống biết bao nhiêu con người. Ông nóng ruột liều mình cùng các kỹ sư của Điện lực Sơn La mày mò, nghiên cứu tự sửa. Kết quả sau 2 ngày là xong.
Cho máy vận hành an toàn, cấp điện ổn định rồi ông "cắp cặp" về Hà Nội “chịu án”. Theo quy trình thì đây thuộc loại "tội nặng", mặc dù mọi người rất đồng cảm với cách xử lý của ông, nhưng đều ái ngại lo cho ông khó tránh khỏi kỷ luật.
Sau khi nghe ông trình bày từ “chủ quan đến khách quan” rồi lại “nhân tình, thế thái” đủ cả, ông Đỗ Văn Lộc - Giám đốc Công ty Điện lực 1 bấy giờ quyết: Vẫn phải “tặng” chú một án kỷ luật khiển trách toàn Điện lực, nhưng sẽ thưởng bộ phận sửa chữa máy 80 triệu đồng (năm 2000, tám mươi triệu to lắm). Trên dưới vui vẻ mời nhau ăn cơm trưa. Ông Lộc đã nghỉ hưu từ lâu, nhưng ông Nam vẫn luôn ấn tượng tính cách “anh hai” của ông Lộc. Nay, chịu trọng trách lớn ở công trình trọng điểm quốc gia, ông Nam cũng vẫn giữ phong cách ấy. Nhà ở TP. Sơn La, nhưng ông vào ngay trong công trường ở, ăn tập thể cùng với anh em.
Có bận, đi công tác lâu ngày, về thẳng công trường, tối khuya mới về nhà, lúc này chỉ còn mảnh giấy vợ ghi để bên cạnh lồng bàn đậy cơm: “Anh cứ hồn nhiên ngủ, có sức mai còn lên công trường sớm”. Biết tính ông như vậy, vợ ông không giận mà còn tạo điều kiện để ông hoàn thành công việc.
Thử khô, thử ướt
Thủy điện Sơn La, một công trình hoành tráng, sản phẩm của ý chí quyết tâm, sáng tạo của cả một tập thể trong thời gian dài, cả Ban quản lý đều làm việc theo tinh thần dám làm, dám chịu góp phần quyết định đưa công trình về đích trước 3 năm.
Tôi chứng kiến một chiếc cần cẩu thả roto nặng cả ngàn tấn của tổ máy số 1. Nếu theo phương án của chuyên gia nước ngoài phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp, không đảm bảo tiến độ, mà ngay cả thiết bị tại công trường cũng không đáp ứng được. Ban quản lý với tinh thần phải làm chủ các công nghệ hiện đại, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp đơn giản hơn để đưa tổ máy số 1 với roto nặng hàng ngàn tấn xuống gọn lỗ tổ máy, chỉ chừa có 8 mm khoảng cách, đúng tiến độ thời gian.
Vận chuyển thiết bị siêu trường, siêu trọng nặng 280 tấn từ cảng Hải Phòng lên là công việc rất khó khăn. Vào khoảng tháng 3/2011, thiết bị được vận chuyển từ đường sông lên, sau đó đưa lên Mường La bằng hồ tích nước của Thủy điện Hòa Bình. Nếu như hồ thủy điện tích được nhiều nước, thiết bị sẽ được cấp ở bến Mường La, cách địa điểm thi công vài km. Nếu nước kiệt, sẽ phải xuống ở bến Tả Hộc, cách công trường 50 km. Thời điểm này, hệ thống tỉnh lộ, huyện lộ ở Mường La chỉ có tải trọng ở mức trung bình kém. 50 km vận chuyển này phải qua gần 20 cây cầu lớn - nhỏ bắc qua sông mà tải trọng cầu lớn nhất cũng chỉ 30 tấn. Nên để vận chuyển được những lô hàng “siêu trường, siêu trọng” này sẽ phải mất thêm thời gian hàng năm trời để gia cố lại cầu đường.
Bài toán đau đầu ấy đã được Ban quản lý “dám làm, dám chịu” tìm ra phương án: Đó là sử dụng phương thức vận chuyển Trailer bằng hệ thống giảm tải trọng, thiết bị được đưa lên hệ thống “đệm nước” dài trăm mét, được đỡ bằng hàng trăm lốp xe lớn. Cách này nhằm chia nhỏ tải trọng khiến áp lực lên mặt cầu, nơi thiết bị đi qua không bị ảnh hưởng. Tùy thuộc vào địa hình hay “sức khỏe” của mỗi cây cầu, “độ dài” của thiết bị được nối thêm, có những đoạn, xe chuyên dụng lên tới 120 bánh xe, trông như một con rết khổng lồ, phải sử dụng hai đầu kéo mỗi khi lên dốc. Bà con các dân tộc Sơn La được chứng kiến cảnh kéo dọc đoạn đường 50 km vô cùng háo hức. Còn anh em trong Ban quản lý thì nín thở theo dõi cho đến khi thiết bị siêu trường, siêu trọng này về đến công trường.
Sáng kiến “có một không hai”
Một trong những nhân tố làm lên điều kỳ diệu để công trình về đích sớm 3 năm, ông Thái Phụng Nê - Đặc phái viên của Thủ tướng, Phó Ban chỉ đạo nhà nước dự án Thủy điện Sơn La, Lai Châu - đã đề cập tới một đề xuất đáng giá “có một không hai” của Ban quản lý dự án. Theo quy trình sẽ là khi xây dựng đập lên đỉnh cao 228 m mới bắt đầu lắp cẩu, thử các cửa van có trọng lực 17.000 tấn xem có kín, khít không. Sau đó Hội đồng nghiệm thu nhà nước mới cho tích nước mất khoảng 9 tháng, thử hết các cửa van mất 11 tháng, lắp cần cẩu mất 3 tháng.
Vậy theo quy trình thông thường sẽ mất 23 tháng. Nhưng Ban quản lý và ông Thái Phụng Nê đã cho áp dụng sáng kiến của kỹ sư Nguyễn Bá Tân - Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 1 - lắp một cẩu “chân què”, để tiến hành thử khô các cửa van sự cố cửa xả sâu của công trình xả lũ vận hành và cửa van sửa chữa, lưới chắn rác của cửa nhận nước nhà máy khi các công trình này còn đang xây dựng dở dang ở cao độ thấp, tức xây đến đâu cho thử luôn tới đó, làm cuốn chiếu 2 trong 1. Nhờ có giải pháp này, việc tích nước hồ chứa để chạy các tổ máy được tiến hành đúng tiến độ.
Đến hôm nay, công trình về đích sớm 3 năm, làm lợi cho tổ quốc nhiều tỷ kWh điện. Niềm tin của đồng bào cả nước đã được tập thể Ban lãnh đạo ở đây thực hiện trọn vẹn. Chia tay, bữa cơm công trường, ông Nam nói đạm bạc nhưng cũng đủ cá đánh ở hồ lên, gà chạy rông ngoài đồi, rau sạch tự trồng, rượu táo mèo tự ngâm, nụ cười tươi của ông Nam sao mà hợp với cảnh công trường đến thế!