Tôi đã “được” phê bình như thế nào?

Người xưa có câu: “Ai khen ta mà khen đúng là bạn ta, ai chê ta mà chê đúng là thầy ta, ai khen ta mà khen sai là kẻ thù của ta”. Câu chuyện “bị phê bình và ứng xử với phê bình” đâu phải bây giờ mới có. Tôi xin chia sẻ về câu chuyện “được” phê bình đáng nhớ mà bản thân đã trải nghiệm sau đây.

Tôi là một công nhân trực trạm 500 kV. Sáng nào, thấy cái cách “lão” đội trưởng tỉ mẫn kiểm tra từng quai mũ bảo hộ hay các sợi dây đeo an toàn trước khi vào ca trực là chúng tôi “không chịu nổi”. Tôi hay bực mình nói với “lão”:

Lời phê bình, góp ý từ cấp trên, đồng nghiệp sẽ là động lực để chúng ta hoàn thiện hơn trong công việc - Ảnh minh họa.

- Sáng nào tụi em cũng đeo vào người, thử tại chân trụ như quy trình. Rồi đến kỳ hạn đội mình đều gửi đi kiểm tra. Anh kiểm tra kỹ là tốt, nhưng em nghĩ chẳng cần đâu.

Lão liền lườm và nói:

- Thế chiều hay tối qua có cậu nào lấy đồ đi xử lý sự cố làm đổ, rớt kìm, búa hay vật tư… vào đống dây an toàn. Hoặc sau đợt kiểm tra, anh em leo lên, leo xuống vướng móc bung chỉ… đi làm về mệt quá, quên bẵng không báo thì sao?  Nếu không kiểm tra trước, đến vị trí công tác xa cả chục cây số, cậu mới phát hiện hỏng thì… quay về lấy à?

Nghe vậy tôi… đứng hình. Biết mình sai, nhưng vẫn ấm ức.

“Lão” còn có thói quen đem chuyện sai sót về phiếu công tác, lệnh công tác… của anh em ra giữa cuộc họp phân tích, “giảng đạo”. Nhớ bữa đi làm vệ sinh tiếp điểm cầu dao ở trạm B. Thay mấy bộ tiếp điểm xong, tôi vừa định mở một pha tiếp địa lưu động để thử tiếp xúc cho nhanh thì… “lão” vỗ vai và cái giọng ồm ồm vang lên sau lưng:

- Làm vậy là sai đó em! Em làm chỉ huy trực tiếp thì phải luôn đảm bảo cho nhóm công tác nằm trong vùng bảo vệ của hai bộ tiếp địa 02 đầu. Muốn tháo, em cũng không được tự ý, phải hỏi ý kiến của trực chính, phải làm 01 bộ tiếp địa khác phía trên bộ muốn tháo. Phải báo cáo điều này cho các anh trưởng trạm và phụ trách kỹ thuật của phòng kỹ thuật nữa đó.

Tôi tức lắm, muốn cãi lại, ngặt nỗi ,“ lão” nói đúng.

Suốt mười mấy năm làm việc cùng với “lão”, tôi không biết đã nhận bao nhiêu lời phê bình từ nhẹ nhàng, ân cần đến chói tai, nghiêm khắc. Đã nhiều lần tôi hậm hực, hay có lúc “điên lên”, làm một trận “lời qua tiếng lại”, nhưng lại thua vì lý lẽ của tôi còn “cùn”. Thế nên, để lý lẽ của mình sắc bén hơn, tôi hình thành thói quen xem kỹ các phương án thi công, biện pháp an toàn trước, rà soát lại quy trình, quy phạm, quy định và để ý… cách “lão” xử lý tình huống, cách “lão” chăm chút dụng cụ để mà “học lỏm”, dắt túi những kinh nghiệm làm nghề. Về nhà, tôi và các anh em khác trong đội còn thường xuyên đọc các quy trình, quy phạm, tập làm đi, làm lại phần mềm trắc nghiệm về công tác an toàn.

Đợt kiểm tra an toàn năm nay, điểm của tôi vọt lên cao nhì đội, nhưng vẫn… thua “lão”. Nghe kết quả, “lão” khen tôi đầy tính phê bình: “Cậu còn phải cố nhiều lắm! Tôi đang chờ cậu vượt tôi đây”. Rồi cuối tháng 10, “lão” nhận quyết định về hưu theo chế độ. Lúc ấy, tôi chợt nhận ra tôi học hỏi được ở “lão” rất nhiều. Những lời phê bình của “lão” như “liều thuốc” giúp chúng tôi dễ thuộc quy trình, quy định và cũng dễ áp dụng vào thực tế hơn! Ngày cuối cùng “lão” đi làm, tôi mon men lại gần chào tạm biệt và quyết tâm sẽ phải “phê bình” lại “lão” - cái việc mà trước nay, chỉ có “lão” làm với tôi. Tôi lấy hết can đảm nói:

- Mọi việc, đội trưởng đều làm tốt, nhưng sức khỏe của đội trưởng là tài sản vô giá, mà anh có một khuyết điểm lớn là mải công việc quá, không chịu giữ gìn sức khỏe.

Nghe tôi phê bình, “lão” cười lớn:

- Cậu nhiễm thói phê bình của tôi rồi. Nhưng cứ gọi là “lão” như thường ngày đi, như thế, tôi thích hơn.

Người đội trưởng ấy đã khiến tôi ngẫm ra nhiều điều từ câu chuyện phê bình và cách ứng xử trước lời phê bình. Trong sinh hoạt hay trong công sở, phê bình theo nghĩa tích cực, là góp ý xây dựng, giáo dục răn đe để đối tượng được tiến bộ, không nên gọi là “bị” mà phải nói là “được”. Đã “được phê bình,” thái độ tiếp thu, ứng xử cũng phải đúng mực, không nên để bụng rồi tìm cách nói xấu lại đối tượng. Một động tác biết ơn bằng ánh mắt, bằng cái bắt tay thật chặt, chứng tỏ bạn là người phục thiện, biết ơn người đã mạnh dạn chỉ cho ta cái sai, hướng ta đến với Chân - Thiện – Mỹ.

Với văn hóa giao tiếp trong ngành Điện cũng vậy. Đối tượng khen - chê của chúng ta có khi còn là khách hàng sử dụng điện. Đã có những lời phê bình “nảy lửa”, như muốn “ăn tươi nuốt sống” đối tượng phục vụ, từ anh công nhân đi “tạm ngưng cung cấp” vì khách hàng không trả tiền điện, đến chị nhân viên trực tổng đài… đều không ít lần được nghe lời phê bình! Ấy vậy mà chúng ta đã biết cách ứng xử trọn nghĩa, vẹn tình để “thắp sáng niềm tin” cho khách hàng suốt bao nhiêu năm qua.

Để phê bình đúng với tinh thần là “được” phê bình thì người phê bình cũng phải chọn cách phê bình sao cho người được phê bình dễ tiếp thu, chấp nhận. Có như vậy, việc phê bình mới mang lại hiệu quả.


  • 24/12/2018 02:36
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực, chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 1798