Văn hóa doanh nghiệp trong chuyển đổi số: Cần loại bỏ những thói quen... “không số”

Đó là quan điểm của Thạc sỹ Nguyễn Thị Huệ, giảng viên Đại học FPT khi trao đổi với phóng viên Tạp chí Điện lực xung quanh chủ đề văn hóa doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng như thế nào trong quá trình chuyển đổi số.

PV: Thưa bà, văn hoá doanh nghiệp có sức ảnh hưởng như thế nào đến quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp?

Thạc sỹ Nguyễn Thị Huệ: Công ty tư vấn nhân sự Capgemini (Pháp) đã từng đánh giá “sức nặng” của văn hóa doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số bằng một cuộc khảo sát đối với các giám đốc điều hành và nhân viên từ khắp nơi trên thế giới. 62% trong số những người được hỏi nhấn mạnh văn hóa doanh nghiệp là khó khăn chính mà các công ty gặp phải trong quá trình chuyển đổi số.

Điều này là do văn hóa doanh nghiệp phản ánh tinh thần, cách suy nghĩ và hành động, mục tiêu phát triển của công ty. Do đó, với một sự thay đổi lớn như chuyển đổi số thì cần phải có một môi trường tích cực hướng tới đổi mới để “bén rễ” và phát triển. Nếu quá trình chuyển đổi số diễn ra khi văn hóa doanh nghiệp chưa kịp thay đổi để phù hợp thì bất kỳ một nỗ lực cải cách quy trình hay công nghệ nào cũng có ít cơ hội để thành công, do không có được sự hưởng ứng và tham gia tích cực của các thành viên trong tổ chức.

Điều này cũng phần nào cho thấy “sức nặng” của văn hóa doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số. Do đó, trong lộ trình chuyển đổi số của mình, các doanh nghiệp phải lưu ý thay đổi, phát triển VHDN để loại bỏ những thói quen cũ, không còn phù hợp, thiếu tính thúc đẩy trong thời đại công nghệ 4.0 như hiện nay.

Th.s Nguyễn Thị Huệ

PV: Vậy theo bà, người lao động ở doanh nghiệp thường có những thói quen không tốt nào có thể trở thành lực cản đối với quá trình chuyển đổi số? 

Thạc sỹ Nguyễn Thị Huệ: Một số thói quen “cố hữu” trong văn hóa doanh nghiệp có thể sẽ trở thành lực cản lớn cho mọi nỗ lực chuyển đổi số có thể kể đến như: (1) Thói quen “ngại thay đổi”: “Chuyển đổi số quá phức tạp”, “Tôi không muốn mất nhiều thời gian để làm quen với công nghệ mới”, “Tôi ngại thay đổi cách làm việc”,... đó là một trong vô số những lý do mà nhân viên đưa ra để biện hộ cho thói quen “ngại thay đổi” của mình. Và nó cũng chính là rào cản lớn nhất ngăn chặn doanh nghiệp tiến gần hơn đến chuyển đổi số doanh nghiệp.

(2) Thói quen “không phản hồi”: Trong khi chuyển đổi số đòi hỏi việc xử lý thông tin nhanh chóng, ngay tức thì, thì tại một số doanh nghiệp nhiều lãnh đạo khi nhận thông tin hoặc email của nhân viên mà không có sự phản hồi khiến thông tin bị trôi đi và cấp dưới “ngại” nhắc nhở. 

(3) Thói quen “đại khái”: Chuyển đổi số đòi hỏi sự rành mạch và bằng chứng cụ thể song nhân viên lại thường có những báo cáo chung chung trong các buổi họp như “đang”, “vẫn”, “tốt”… nhưng không có con số cụ thể để chứng minh, làm rõ khiến lãnh đạo khó hình dung được tình hình thực tế của doanh nghiệp để đưa ra định hướng và chiến lược chính xác. 

(4) Thói quen “nước đến chân mới nhảy”: Luôn phải “chạy nước rút”, đến kỳ báo cáo phải làm ngày đêm là cách làm thường thấy ở nhiều doanh nghiệp. Chuyển đổi số đòi hỏi tính liên tục, dữ liệu đầu vào có ngay khi phát sinh và không thể truy hồi nên không thể “dồn việc”…

Những thói quen này đều cần phải được loại bỏ trong quá trình các doanh nghiệp xây dựng văn hoá số.

PV: Vậy để loại bỏ những rào cản trên, trong quá trình chuyển đổi số các doanh nghiệp cần lưu ý điều gì, thưa bà?

Thạc sỹ Nguyễn Thị Huệ: Muốn xây dựng văn hoá doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số (hay còn gọi là nền văn hoá số) và tránh những rào cản đã nêu trên, các doanh nghiệp cần chú trọng một số yếu tố như xây dựng tính đổi mới, sáng tạo; xây dựng tư duy mở; xây dựng môi trường làm việc hợp tác; linh hoạt và hình thành tác phong tư duy số.

Cụ thể, đổi mới sáng tạo là yêu cầu bắt buộc trong cuộc cạnh tranh chuyển đổi số. Tư duy đổi mới sẽ giúp cho cả lãnh đạo lẫn nhân viên sẽ bắt kịp nhịp độ chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay. Bên cạnh đó, tư duy mở giúp cho doanh nghiệp có cái nhìn xa trông rộng hơn, nắm bắt được những xu hướng hiện hành - yếu tố cốt lõi của chuyển đổi số. Mở rộng tầm nhìn thoát khỏi các giới hạn truyền thống để tập trung làm tăng thêm mọi giá trị một cách nhiều nhất ở mức có thể, sẵn sàng học hỏi và thay đổi, cũng như chấp nhận thất bại một cách đúng đắn. Đây là điểm khác biệt nổi bật so với văn hoá truyền thống.

Bên cạnh đó, chuyển đổi số lẽ dĩ nhiên phải gắn với tư duy số. Không những số hóa quy trình, thao tác mà còn phải số hóa cả tư duy. Một trong những lợi ích của việc chuyển đổi số là khả năng theo dõi và phân tích dữ liệu. Việc này cho phép các doanh nghiệp sử dụng những dữ liệu để tối ưu hóa các chiến lược và sách lược kinh doanh nhằm mang lại kết quả tốt hơn. 

Ngoài ra, văn hóa chuyển đổi số đòi hỏi sự linh hoạt và nhạy bén. Điều này buộc các quy trình, bước giải quyết công việc phải trôi chảy, nhanh chóng. Hơn hết, doanh nghiệp chỉ có thể tồn tại trong dòng chảy mãnh liệt của chuyển đổi số khi thực sự linh hoạt, kịp thời thích nghi với thay đổi và những điều mới mẻ.

PV: Đối với một doanh nghiệp có đặc thù của ngành kinh tế - kỹ thuật như EVN, bà có lưu ý gì khi xây dựng văn hoá doanh nghiệp cho quá trình chuyển đổi số?

Thạc sỹ Nguyễn Thị Huệ: Đối với doanh nghiệp có đặc thù kinh tế - kỹ thuật riêng như EVN, để thiết lập được một “nền” văn hóa phục vụ cho chuyển đổi số thành công theo tôi, cần tập trung vào những vấn đề trọng tâm sau:

Trước tiên là vấn đề con người. Việc chuyển đổi số của EVN cần phải gắn liền “chuyển đổi” được con người. EVN cần phải định hướng cho cán bộ công nhân viên hiểu được nguyên nhân tại sao họ phải trải qua chuyển đổi số, chuyển đổi sẽ giúp cho bản thân tự hoàn thiện nâng cao trình độ và giúp doanh nghiệp nâng cao được hiệu quả sản xuất kinh doanh, xây dựng những giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, từng cán bộ nhân viên phải sẵn sàng cho việc hòa nhập với phương pháp làm việc mới, coi đây là một tất yếu trong xu thế số hóa ngày nay, nếu không thực hiện bản thân họ sẽ bị tụt hậu và bị bỏ lại phía sau.

Thứ hai, cần phải xây dựng văn hóa học hỏi, đây là một yếu tố rất quan trọng là cốt lõi của bất kỳ chuyển đổi nào. Qua học hỏi chúng ta sẽ thích ứng với các phương pháp, chính sách làm việc mới thay đổi hệ thống quan điểm, hành vi hằn sâu theo văn hóa cũ. Phải bỏ được thói quen “ngại thay đổi”, “đại khái” cho xong việc hoặc “không phản hồi” coi việc thay đổi là việc của người khác… 

Thứ ba, trong quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp phục vụ chuyển đổi số thì vai trò của lãnh đạo và những người đứng đầu hết sức quan trọng. Theo tôi được biết, lãnh đạo EVN là những người rất tiên phong và đóng vai trò cốt lõi trong chuyển đổi số. Điều cần làm là các cấp lãnh đạo, quản lý cần tạo lực đẩy cho toàn thể người lao động, cần mạnh dạn đổi mới, hướng nhân viên, người lao động đến với những phương pháp, cách làm việc hiệu quả và quan trọng nhất là phải làm thay đổi được nhận thức, thay đổi tư duy lối mòn trong thực tiễn lao động.

Tóm lại, muốn chuyển đổi số thành công phải xây dựng được văn hóa doanh nghiệp, tức là phải thắng được suy nghĩ, cách làm cũ không còn phù hợp. Với sự đồng lòng quyết tâm của tập thể lãnh đạo EVN, tôi tin rằng công cuộc chuyển đổi số chắc chắn sẽ thành công, văn hóa doanh nghiệp ngày càng được củng cố, thúc đẩy hiệu quả sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bà! 


  • 06/10/2022 02:59
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực
  • 2264