Vượt qua những tình huống rối ren chốn văn phòng

Đồng nghiệp phiền phức hay khách hàng khó tính chưa chắc là những vấn đề nan giải nhất khi đi làm. Thực tế, bạn còn có thể rơi vào tình thế rối ren hơn nhiều.

Bước vào môi trường công sở đồng nghĩa với việc bạn được tiếp xúc với đa dạng công việc và kiểu người khác nhau. Đây cũng chính là khởi nguồn của vô số tình huống oái oăm bạn có thể gặp phải ở môi trường mới. Nếu không tinh tế trong ứng xử, bạn dễ dàng để lại ấn tượng xấu trong mắt sếp và đồng nghiệp.

Dưới đây, The Washington Post chỉ ra 5 tình huống khó xử nơi công sở cùng với mẹo xử lý tương ứng mà không bị xem là lỗ mãng hay thiếu chuyên nghiệp.

Báo tin xấu với sếp

Thông thường, ít ai muốn mình là người thông báo những điều không mấy tích cực cho người khác. Khi đó, bạn rất dễ đưa mình lẫn đối phương vào cảnh lúng túng, thậm chí choáng váng.

Trong trường hợp bạn phải chịu trách nhiệm thông báo về tình hình công việc không suôn sẻ, hãy cố gắng là người đầu tiên nói thay vì để người khác “rỉ tai” với quản lý hay sếp lớn.

Tiếp đó, bạn nên đảm bảo thời điểm nói chuyện là phù hợp và thuận tiện đôi bên. Thông báo tin xấu khi ai đó bận rộn hoặc bị phân tâm hiếm khi có được kết quả tốt.

Một khi lấy được sự chú ý của cấp trên, bạn hãy thẳng thắn và trực tiếp trình bày vấn đề với họ.

Nếu phải thừa nhận một sai lầm nào đó, bạn cũng đừng quá lo lắng hay sợ hãi. Hãy làm điều này từ sớm vì nó sẽ giúp bạn cùng sếp giải quyết sai lầm dễ dàng hơn. Thêm vào đó, sếp có khả năng tin tưởng và tín nhiệm bạn hơn vì sự nhanh nhẹn và trung thực của bạn.

Đảm nhận dự án lớn khi chưa hoàn toàn tự tin về năng lực của bản thân

Bạn có thể cảm thấy vui mừng vì được sếp chỉ định chịu trách nhiệm cho một dự án quan trọng. Tuy nhiên, khi thực sự bắt tay vào làm việc, bạn bắt đầu có ý nghĩ muốn “bỏ của chạy lấy người”.

Bạn khoan hãy hoảng loạn. Trước hết, hãy hít thở thật sâu, giữ lấy tinh thần vui mừng ban đầu đó và chọn những làm những đầu việc nhỏ trước tiên.

Bạn có thể chia dự án thành các mục công việc nhỏ và dễ quản lý hơn. Sau đó, bạn hãy tiến hành tìm hiểu và kiểm tra những tài nguyên để có hướng giải quyết hiệu quả nhất.

Một khi bạn hoàn thành đầu việc nhỏ nào, hãy đánh giá lại kết quả đồng thời hỏi ý kiến từ đồng đội và quản lý để có được chỉnh sửa hợp lý. Áp dụng cách xử lý này dần dà sẽ giúp bạn quen với các dự án lớn và ngày càng thành tạo hơn trong nghiệp vụ cá nhân.

Trình bày với sếp nguyện vọng thuyên chuyển bộ phận

Dù có ý định chuyển sang công việc hay bộ phận hoàn toàn mới, bạn vẫn mong chúng thuộc công ty hiện tại vì đãi ngộ hay văn hóa làm việc tốt. Song, bạn không biết cách mở lời với sếp như thế nào cho tinh tế và chuyên nghiệp.

Trong trường hợp này, bạn nên yêu cầu gặp mặt trực tiếp sếp hay người chịu trách nhiệm hướng dẫn bạn ở vị trí hiện tại để thảo luận chi tiết hơn.

Bạn hãy bắt đầu cuộc trò chuyện bằng cách bày tỏ lòng biết ơn với thời gian và tâm huyết họ đã bỏ ra để chỉ bảo và dẫn dắt bạn. Theo đó, bạn mới tiếp tục trình bày với họ mong muốn được làm ở một bộ phận khác.

Bạn đừng quên hỏi xin sự trợ giúp thuyên chuyển từ họ và cam kết làm việc tận tâm ở công việc mới. Ngoài ra, bạn hãy chắc chắn mình bàn giao công việc và đào tạo người thay thế ổn thỏa trước khi quyết định rời đi.

Yêu cầu đồng nghiệp ngừng làm phiền

Giữ hòa khí với đồng nghiệp là điều thiết yếu ở chốn công sở. Thêm vào đó, phát triển tình bạn tốt đẹp với họ sẽ khiến cuộc sống văn phòng trở nên dễ chịu và suôn sẻ hơn nhiều.

Song, đồng nghiệp buôn chuyện và nói chuyện quá nhiều khiến bạn không thoải mái và tiến độ công việc bị chậm lại.

Để giải quyết, bạn nên trình bày thẳng thắn với đồng nghiệp nhưng theo cách lịch sự nhất có thể. Bạn có thể nói rằng: “Tôi rất muốn tiếp tục trò chuyện với anh. Tuy nhiên, hiện tại tôi cần tập trung hoàn thành công việc”.

Nếu thực sự muốn trao đổi thêm, bạn hãy đề xuất một thời điểm gặp mặt khác thuận tiện hơn như giờ nghỉ trưa hay khi tan làm.

Một mẹo hay khác giúp bạn phó đồng nghiệp đam mê tám chuyện là hãy nhanh chóng ngắt lời họ và nói về khó khăn trong công việc bạn đang đảm nhiệm.

Chẳng hạn, bạn có thể bộc bạch: “Này, trước khi chúng ta bắt đầu nói chuyện, tôi muốn kể anh nghe là dạo gần đây tôi gặp vấn đề A khó nhằn lắm”. Sau đó, bạn hãy uyển chuyển đưa lời xin lỗi và hẹn nói chuyện vào dịp khác.

Trở thành sếp của đồng nghiệp

Nếu được sếp yêu cầu theo dõi và chỉ bảo một người nào đó cùng bộ phận, khả năng cao bạn đang được cất nhắc thăng chức. Song, đây cũng là một vấn đề khó xử khi đồng nghiệp bạn phải giám sát có thể là người bạn từng chia sẻ mọi thứ kể cả bất mãn với cấp trên.

Cách xử lý tốt nhất cho bạn trong tình huống này là chấp nhận thực tế và cố gắng hòa nhập với vị trí mới.

Tiếp đó, bạn hãy làm quen với những đồng nghiệp cùng cấp bậc. Họ có thể chỉ cho bạn những mẹo hay ho trong công việc cũng như điều hòa mối quan hệ với các đồng nghiệp “cũ”.

Link gốc


  • 13/12/2022 10:46
  • Nguồn: zingnews.vn
  • 3580