Nghề “Đi trước về sau”

Câu nói ấy thật không sai đối với chị Trương Thị Kim Loan ở Đội Rơle - Công ty Thí nghiệm điện, Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội. “Công việc của chúng tôi chủ yếu diễn ra vào ban đêm, từ 2h đến sáng, vì thời gian này mới tiến hành cắt điện để đấu nối các mạch và thử vận hành hệ thống rơ le mới.

Chị Trương Thị Kim Loan

Hồi ấy, điều kiện ánh sáng về đêm không được đầy đủ và hiện đại như ngày nay, chúng tôi chỉ có chiếc đèn pin chạy bằng 2 cục pin Con Thỏ để làm việc. Nhiều đêm chúng tôi ăn uống không theo giờ giấc, cứ làm đến khi nào hết công đoạn hoặc mệt quá nghỉ tay thì tiện thể tranh thủ ăn lót dạ cho đỡ đói” - chị Loan kể lại.

Với tình yêu nghề, đặc biệt và luôn biết tìm động lực từ nghề, chị Loan đã vượt qua mọi vất vả, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đồng thời tích cực tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, góp phần thúc đẩy phong trào đoàn thể ở Công ty phát triển, được anh chị em đồng nghiệp quý mến.

Sau khi tốt nghiệp Trường Công nhân Kỹ thuật điện Sóc Sơn, năm 1986, chị Loan xin vào làm việc tại Tổ Rơ le (nay là Đội Rơ le), Công ty Thí nghiệm điện - Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội (EVNHANOI) với công việc thí nghiệm phần nhị thứ trong lưới điện trên địa bàn Thủ đô.

“Công việc thí nghiệm, đấu mạch đòi hỏi sự tỷ mỷ, cẩn thận, không được xảy ra sơ xuất. Những ngày đầu, tôi gặp không ít bỡ ngỡ, nhưng nhờ các cô các chú trong Tổ hướng dẫn, chỉ bảo, tôi nhanh chóng thích ứng với công việc và càng cảm thấy gắn bó với công việc” - chị Loan cho biết.

Năm 1988, Tổ Rơle của chị được giao nhiệm vụ thi công lắp đặt toàn bộ mạch bảo vệ điều khiển trạm 110 kV (E10-Văn Điển), sau đó là đấu nối cải tạo một số trạm như E11 và E13… Nhờ những lần tôi luyện trực tiếp trên công trường, dưới sự dìu dắt của các anh chị đi trước, trình độ tay nghề của cô gái trẻ Trương Thị Kim Loan ngày một vững chắc.

Đến năm 1990, khi Tổ chức SIDA Thụy Điển tài trợ nâng cấp các trạm trung gian Giám thành trạm 110 kV, chị đã cùng đồng nghiệp trong Tổ Rơle tập trung nghiên cứu và cài đặt, đưa vào vận hành tốt hệ thống rơle bảo vệ kỹ thuật số. Đây cũng là khoảng thời gian chị lao mình vào công việc với tất cả tình yêu nghề và sự nhiệt huyết của tuổi trẻ.

Công việc mệt nhọc, lại chủ yếu diễn ra trong đêm tối đã tạo ra không ít khó khăn, thử thách đối với chị nói riêng, chị em phụ nữ nói chung. Tuy nhiên, vì tình yêu nghề, vì dòng điện sáng cho người dân Thủ đô, chị cùng đồng nghiệp vẫn ngày ngày miệt mài bên những dụng cụ chuyên môn và công việc thí nghiệm phần nhị thứ của mình. Chị thổ lộ, cứ mỗi lần hoàn thành công việc ở một trạm, chị lại như được tiếp thêm sức mạnh để hướng đến các trạm tiếp theo.

“Năm 1998, chúng tôi chỉ mất 2 ngày khi đấu mạch cải tạo toàn bộ mạch nhị thứ E1.1- 110 - kỹ thuật số ở huyện Đông Anh, một khối lượng công việc khổng lồ mà nếu thiếu sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị, thành viên thì có khi cả tuần không xong”. Chị Loan kể về một thành công ngoài mong đợi của toàn Tổ, và coi đó là động lực lớn lao từ chính công việc mang lại cho chị và các đồng nghiệp trong quá trình làm nghề mấy mươi năm của mình.

Năm 2010, Hà Nội bước vào khoảng thời gian đặc biệt với nhiều sự kiện trọng đại kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Đông Đô – Hà Nội. Sự bận rộn ấy được thể hiện trước tiên đối với ngành Điện nói chung và với những người làm công tác thí nghiệm như chị nói riêng. Chị Loan kể, dịp này, thời gian làm việc trong ngày của chị nhiều hơn, làm việc không có ngày nghỉ cuối tuần. Nhiều hôm, chị đi làm đến tận tối hôm sau mới về nhà. “Mình đi công tác nhiều, đôi khi việc gia đình, con cái phải nhờ ông xã đảm đương. Nhờ anh ấy là người trong ngành, thậm chí từng cùng công việc thí nghiệm nên cảm thông và tạo điều kiện cho mình hơn”.

Chị Loan thấy mình may mắn khi người bạn đời hiểu, thông cảm và biết chia sẻ những lo toan với chị. Làm người phụ nữ, có lẽ không ai muốn bản thân tối ngày vùi mình vào công việc, nên khi có điều kiện, chị luôn thu xếp công việc gia đình, dành thời gian dạy dỗ con cái, vun đắp mái ấm, mang lại niềm tin vững chắc cho những người thân.

Thời gian qua, chị đã tích cực tham gia vào công tác kiểm tra sơ bộ, thí nghiệm định kỳ, thí nghiệm sau đại tu, xử lý sự cố, thí nghiệm trước và sau lắp đặt thiết bị điện lưới điện Hà Nội, tham gia thi công mạch nhị thứ, các công trình sửa chữa lớn, nâng công suất các trạm biến áp trên địa bàn Thành phố Hà Nội…, Đồng thời, chị còn phát huy các sáng kiến cải tiến kỹ thuật, góp phần tăng năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc, như bổ sung bộ báo tín hiệu cho trạm 110 kV Nghĩa Đô…

Nói về công việc của Đội Rơle hiện nay, chị Loan cho biết, Đội chủ yếu làm thí nghiệm định kì, xử lý  sự cố, đấu nối, điều chỉnh hệ thống, cải tạo nâng cấp các trạm điện 110 kV. Bên cạnh đó, Đội còn lắp đặt hệ thống bảo vệ các trạm, tổ chức trực và giải quyết sự cố đảm bảo an toàn lưới điện từ đó giúp giảm thiểu tình trạng quá tải cho hệ thống lưới điện Hà Nội. Trong chuỗi công việc ấy, chị Loan vui mừng cho biết sẽ luôn đồng hành cùng anh chị em đồng nghiệp trong đội, cho dù công việc có nhiều khó khăn vất vả. Và nếu quay ngược thời gian, chị vẫn sẽ lựa chọn công việc đã và đang gắn bó suốt 30 năm qua, nghề mà chị luôn tìm thấy nguồn động lực lớn lao thôi thúc - nghề thí nghiệm phần nhị thứ trong lưới điện EVN HANOI.


  • 09/09/2016 02:59
  • Nguồn bài và ảnh: Ấn phẩm Phụ nữ ngành Điện - Tạp chí Công Thương
  • 1310