Page 34 - Cẩm nang Chăm sóc sức khỏe ban đầu cho CBCNV trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam
P. 34
lại ăn no quá, nhiều chất quá không phù hợp với nhu cầu tiêu hao năng lượng, thừa
năng lượng, tích trữ trong cơ thể sẽ gây nên những bệnh lý dinh dưỡng nghiêm
trọng về thừa cân, béo phì, xơ vữa động mạch, huyết áp cao…
Vì vậy, dinh dưỡng đối với con người vừa mang ý nghĩa sức khỏe vừa mang
ý nghĩa xã hội, kinh tế và an ninh quốc phòng bảo vệ đất nước…
2.1.3. Mối liên quan giữa dinh dưỡng, sức khỏe và bệnh tật
Ăn uống là một trong các bản năng quan trọng nhất của con người, nhưng
đến thế kỷ XVIII loài người vẫn chưa hiểu được mình cần gì ở thức ăn. Danh y
Hypocrat vẫn quan niệm các thức ăn đều chứa một chất cần cho sự sống giống
nhau và chỉ khác nhau về màu sắc, mùi vị, ít hay nhiều nước. Sau này, nhờ các
phát hiện của dinh dưỡng học, người ta lần lượt biết rằng, trong thức ăn có chứa
các thành phần dinh dưỡng cần thiết đối với cơ thể, đó là các chất protein, lipid,
glucid, các vitamin và các khoáng chất. Thiếu một trong các chất này trong khẩu
phần ăn có thể gây ra nhiều bệnh tật thậm chí chết người, như bệnh Scorbut do
thiếu vitamin C, bệnh tê phù Beriberi do thiếu vitamin B 1, bệnh viêm da Pellagra
do thiếu vitamin PP…Người ta gọi đó là các bệnh thiếu dinh dưỡng đặc hiệu.
Hiện nay, ở các nước nghèo vẫn còn nổi lên các vấn để sức khỏe do thiếu
dinh dưỡng như thiếu protein- năng lượng, thiếu vitamin A và bệnh khô mắt, thiếu
máu dinh dưỡng do thiếu sắt, bệnh bướu cổ do thiếu iod…
Đói và các bệnh thiếu dinh dưỡng hiển nhiên là đặc điểm của các nước
nghèo. Nhưng trái lại sự dư thừa về dinh dưỡng cũng là nguyên nhân gây ra bệnh
tật và các vấn đề về sức khỏe như tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, bệnh ung
thư, bệnh đái tháo đường… và đặc biệt là bệnh béo phì hiện nay chiếm tới 20 đến
40 % số dân trưởng thành ở nhiều nước phát triển, đó là một nguy cơ quan trọng
của nhiều bệnh khác.
Như vậy, cả thiếu và thừa dinh dưỡng đều có thể gây bệnh. Một chế độ ăn
cân đối, hợp lý là cần thiết để con người sống khỏe mạnh và thọ lâu.
2.1.4. Dinh dưỡng, đáp ứng miễn dịch và các bệnh nhiễm khuẩn
Mối quan hệ giữa tình trạng dinh dưỡng của một cá thể với các bệnh nhiễm
khuẩn theo 2 chiều: thiếu dinh dưỡng làm giảm sức đề kháng của cơ thể, ngược
lại nhiễm khuẩn làm trầm trọng thêm tình trạng suy dinh dưỡng sẵn có.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của tình trạng dinh dưỡng đối với tiến triển các bệnh
nhiễm khuẩn không giống nhau. Có những bệnh ảnh hưởng này rất lớn như bệnh
lao, tiêu chảy do nhiễm khuẩn, tả, ho gà, nhiễm khuẩn hô hấp, sởi, nhiễm nấm
Candidose… Có những bệnh ảnh hưởng ở mức độ trung bình như bạch hầu, nhiễm
tụ cầu, liên cầu, cúm… Ngược lại, có những bệnh thì rất ít bị ảnh hưởng như đậu
mùa, bại liệt, sốt rét, thương hàn, uốn ván…
16