Ngành Điện Việt Nam giai đoạn 1975 – 1994

1. Thành lập Công ty Điện lực miền Trung

Ngày 7/10/1975, Công ty Điện lực miền Trung (nay là Công ty Điện lực 3) được thành lập. Sau khi được giải phóng, các cơ sở điện lực khu vực miền Trung hầu hết đều nhỏ bé, manh mún, không có lưới truyền tải cao thế, toàn miền chỉ có 150 máy phát diezel phân tán ở các đô thị, tổng công suất đặt là 74 MW. Công ty Điện lực miền Trung ra đời là điều kiện đảm bảo cho sự thống nhất trong công tác quản lý điều hành; đồng thời củng cố, phát triển sản xuất kinh doanh điện trong toàn khu vực miền Trung: Công ty Điện lực miền Trung sau đó đổi tên thành Công ty Điện lực 3. Hiện Công ty Điện lực 3 (PC3) là doanh nghiệp thành viên thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hoạt động đa ngành nghề trong đó ngành nghề chính là sản xuất, kinh doanh điện năng với địa bàn hoạt động tại 13 tỉnh, thành phố miền Trung, Tây Nguyên.

2. Thành lập Công ty Điện lực miền Nam

Ngày 7/8/1976, Bộ trưởng Bộ Điện và Than ra Quyết định số 1592/QĐ-TCCB.3 về việc đổi tên Tổng cục Điện lực (thành lập ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng) thành Công ty Điện lực miền Nam. Ngày 9/5/1981, Công ty Điện lực miền Nam đổi tên thành Công ty Điện lực 2 theo Quyết định số 15/TTCBB.3 của Bộ trưởng Bộ Điện lực. Ngày 7/4/1993, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 147-TTg chuyển Công ty Điện lực 2 trực thuộc Bộ Năng lượng. Từ ngày 1/4/1995, Công ty Điện lực 2 được  thành lập lại, trực thuộc Tổng công ty Điện lực Việt Nam (nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam).

3. Tuyến đường dây 220 kV đầu tiên được xây dựng

Tháng 3/1979, tuyến đường dây 220 kV Hà Đông – Hòa Bình được khởi công xây dựng và đến tháng 5/1981 đưa vào vận hành. Đây là đường dây truyền tải 220 kV đầu tiên ở miền Bắc, nâng cao năng lực truyền tải, cung cấp điện và tạo cơ sở kỹ thuật cho việc xây dựng đường dây siêu cao áp 500 kV Bắc-Nam sau này.

4. Xây dựng công trình Thuỷ điện Hòa Bình lớn nhất đầu tiên ở Việt Nam

Nguồn ảnh: Trần Nguyên Hợi

Ngày 6/11/1979, hàng vạn CBCNV Việt Nam và 186 chuyên gia Liên Xô đã cùng tham gia Lễ khởi công công trình Thủy điện Hòa Bình. Thời điểm đó, đây là công trình thủy điện lớn nhất Việt Nam do Liên Xô giúp xây dựng với 8 tổ máy có tổng công suất 1.920 MW. Sau hơn 3 năm, đúng 9h00 ngày 12/1/1983, Lễ ngăn sông đợt 1 được tổ chức trọng thể với sự có mặt của Thủ tướng Phạm Văn Đồng và các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Ngày 9/1/1986, ngăn sông Đà đợt 2. Ngày 30/12/1988, tổ máy 1 (240 MW) đã phát điện, hòa lưới điện quốc gia. Sau đó, mỗi năm hoàn thành và đưa từ 1-2 tổ máy vào vận hành. Ngày 20/12/1994, công trình Thủy điện Hòa Bình đã được khánh thành. Việc hoàn thành Thủy điện Hòa Bình đánh dấu một bước phát triển mới của ngành năng lượng và sự nghiệp CNH - HĐH đất nước.

5. Thực hiện Tổng sơ đồ phát triển điện năng giai đoạn 1 (1981-1985)

Lần đầu tiên, Việt Nam xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển điện lực. Trong giai đoạn này, ngành Điện đã khẩn trương xây dựng, hoàn thành những công trình lớn có tầm cỡ chiến lược quốc gia như: Nhiệt điện Phả Lại, Thủy điện Hòa Bình, củng cố các nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình, Thái Nguyên, khai thác hết công suất Thủy điện Thác Bà… Về lưới điện, đã đưa các đường dây 220 kV Thanh Hóa –Vinh, Phả Lại - Hà Đông, trạm 110 kV, 220 kV Hà Đông mang tải sớm trước thời hạn, thi công xây dựng trạm 110 kV Yên Phụ. Nhiều trạm trung gian và đường dây phân phối được lắp đặt, vận hành. Nhìn chung, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế song về tổng thể, Tổng sơ đồ 1 đã đạt được kết quả nổi bật là: Đưa được công trình nhiệt điện Phả Lại và các công trình lưới điện vào đúng tiến độ, đáp ứng được nhu cầu về điện giai đoạn 1981-1985. Lần lượt các giai đoạn sau đó, ngành Điện liên tục thực hiện các Tổng sơ đồ (Quy hoạch) điện II, III, IV, V. Hiện, Quy hoạch điện VI (giai đoạn 2006-2015, định hướng tới 2025) đang được triển khai thực hiện. Trong đó, EVN đầu tư góp vốn 42 dự án nguồn với tổng công suất 22.748 MW/59.463 MW (chiếm 38,3% tổng công suất đặt mới của cả nước). Thực hiện đầu tư lưới 500 kV gồm 13.200 MVA trạm biến áp và 3.178 km đường dây; lưới 220 kV gồm 39.063 MVA trạm biến áp và 9.592 km đường dây; lưới 110 kV gồm 41.315 MVA trạm biến áp và 12.659 km đường dây.  Hiện nay, EVN và các bộ ngành liên quan đang chuẩn bị tiếp tục xây dựng Quy hoạch điện VII.

6. Xây dựng đường dây siêu cao áp 500 kV

Ảnh: Ngọc Hà (TTXVN)

Ngày 5/4/1992, đường dây siêu cao áp 500 kV Bắc - Nam (mạch 1) dài 1.487 km được khởi công xây dựng và ngày 27/5/1994 đã khánh thành, đóng điện vận hành. Sự kiện này đánh dấu bước trưởng thành mang tính đột phá của Điện lực Việt Nam. Hệ thống điện quốc gia Việt Nam từ đây được hình thành trên cơ sở liên kết lưới điện các khu vực Bắc – Trung – Nam thông qua trục “xương sống” là đường dây 500 kV. Ngày 23/10/2005, đường dây 500 kV Bắc – Nam mạch 2 tiếp tục được hoàn thành và đưa vào vận hành, đảm bảo hệ thống truyền tải siêu cao áp 500 kV hai mạch song song truyền tải điện 2 chiều Nam – Bắc, liên kết vững chắc, vận hành an toàn, tin cậy. Nếu đường dây 500 kV mạch 1 thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực và trình độ trí tuệ của những người làm điện thì thành công của công trình ĐZ 500 kV mạch 2 tiếp tục khẳng định “thương hiệu Việt” trong chế tạo thiết bị, thiết kế và thi công đường dây siêu cao áp.

7. Thành lập Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia

Ngày 11/4/1994, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Thái Phụng Nê ký Quyết định số 180/NL/TCCB-LĐ về việc thành lập Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0), với nhiệm vụ: Chỉ huy, điều hành hệ thống sản xuất, truyền tải, phân phối điện năng trong hệ thống điện quốc gia theo phân cấp quản lý điều độ, nhằm đạt kết quả tối ưu về kỹ thuật và kinh tế, đảm bảo hệ thống điện quốc gia vận hành an toàn, liên tục, tin cậy.


  • 24/12/2014 06:15
  • EVNEIC (tổng hợp)
  • 42515


Gửi nhận xét