CMIS và những thay đổi về chất trong kinh doanh điện

Hơn 15 năm qua, hệ thống thông tin quản lý khách hàng (CMIS) do Công ty Viễn thông Điện lực và CNTT (EVNICT) phát triển qua đã liên tục được nâng cấp tính năng, đáp ứng toàn bộ nghiệp vụ và yêu cầu đổi mới trong lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ khách hàng của EVN.

 

Phần mềm dùng chung duy nhất, sớm nhất

Theo ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng Ban Kinh doanh EVN, hệ thống CMIS có vai trò tích cực trong việc điều hành, triển khai công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng ngành Điện. Cùng với các hệ thống CNTT khác, CMIS góp phần tạo ra những thay đổi vượt bậc về chất lượng kinh doanh và dịch vụ khách hàng.

Thế nhưng, ít ai biết, việc lập trình, phát triển CMIS không phải thu được thành công trong một sớm một chiều. Ông Phạm Ngọc Hiển - Phó Giám đốc EVNICT cho biết, từ năm 2002, EVN đã sớm định hướng nghiên cứu phát triển một phần mềm duy nhất, thống nhất phục vụ kinh doanh chung của Tập đoàn. Thời điểm đó, hình hài ban đầu của hệ thống thông tin quản lý khách hàng còn rất mơ hồ, bởi trước đó, EVN chưa có một phần mềm dùng chung nào đủ sức quy tụ và thống nhất toàn bộ các nghiệp vụ bán lẻ điện tại 5 tổng công ty điện lực.

Trước đó, EVN đã mời các chuyên gia nước ngoài về tư vấn, hỗ trợ. Sau cân nhắc kỹ về tính khả thi và chiến lược phát triển lâu dài, EVN quyết định giao EVNICT tự phát triển giải pháp, bởi phải tự “viết” được CMIS thì sau này, EVN và EVNICT mới có thể tiếp tục phát triển các tính năng mới, phù hợp với yêu cầu đổi mới liên tục trong lĩnh vực kinh doanh và DVKH.

Sau khoảng 2 năm nghiên cứu và triển khai thí điểm, tháng 2/2004, CMIS được EVNICT lập trình hoàn thiện phiên bản 1.0. Đây là một trong những phần mềm dùng chung đầu tiên do đội ngũ IT của EVN tự phát triển, và là phần mềm duy nhất đáp ứng các nghiệp vụ trong lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ khách hàng của EVN. Sự ảnh hưởng của CMIS không chỉ thể thể hiện ở độ “phủ sóng” tới 100% đơn vị điện lực, mà còn thể hiện việc tác động tới nghiệp vụ kinh doanh, thay đổi hoàn toàn phương thức phục vụ khách hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ điện năng.

Đại diện EVNICT nhận danh hiệu Sao Khuê 2016 cho hệ thống quản lý hóa đơn điện tử - một hợp phần của CMIS

Tạo sức bật mới

Công việc của đội ngũ IT chưa bao giờ là dễ dàng, bởi “ngành Điện đi trước một bước”, nhưng CNTT còn phải đi trước thêm một bước để phục vụ sự phát triển của ngành Điện. Đội ngũ IT luôn phải cập nhật công nghệ hiện đại thay đổi từng ngày, phục vụ nghiệp vụ kinh doanh đặc thù của EVN. Chính vì vậy, những lần nâng cấp CMIS ít nhiều “làm khó” đội ngũ IT, bởi các module tính năng mới không phải cứ lập trình xong là có thể lập tức vận hành trơn tru. Ông Phạm Ngọc Hiển chia sẻ, EVNICT phải phối hợp chặt chẽ với các công ty điện lực để tổ chức triển khai thí điểm, hiệu chỉnh kịp thời trước khi triển khai các phiên bản mới trên diện rộng.

Năm 2009, CMIS được EVNICT nâng cấp thành công phiên bản 2.0, đánh dấu bước hoàn thiện công nghệ để EVN chuyển từ giai đoạn cung cấp điện năng sang cung cấp các dịch vụ điện theo hướng lấy khách hàng làm trung tâm. CMIS 2.0 là công cụ hỗ trợ để EVN triển khai chuyển đổi từ phát hành hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử cho 100% khách hàng; đa dạng hình thức thanh toán tiền điện; hỗ trợ thông tin chăm sóc khách hàng tại các trung tâm CSKH ngành Điện...

Trước những yêu cầu mới của dịch vụ điện trong thời CMCN 4.0, CMIS phiên bản 3.0 được chính thức triển khai diện rộng từ năm 2018, góp phần hỗ trợ EVN phục vụ trực tuyến cấp độ cao nhất, tiến tới điện tử hóa các giao dịch dịch vụ điện… CMIS 3.0 còn được ghi nhận bởi tính đột phá trong việc lưu trữ, tính toán, xử lý dữ liệu theo mô hình tập trung tại cấp tổng công ty; và được kết nối, tích hợp dữ liệu với nhiều hệ thống, phần mềm dùng chung khác của EVN. EVNICT cũng tối ưu hiệu suất hoạt động, tăng cường an ninh thông tin cho hệ thống CMIS, đảm bảo phục vụ các yêu cầu dịch vụ điện của 27 triệu khách hàng một cách hiệu quả, tin cậy nhất.

Những con số ấn tượng của CMIS 3.0:

- 14 phân hệ nghiệp vụ

- Hơn 300 tính năng/ chức năng

- Hơn 250 biểu báo cáo

- 107 công ty điện lực và 623 điện lực triển khai ứng dụng CMIS.

Một số phân hệ chức năng chính của CMIS 3.0:

-        Cấp điện

-        Quản lý thực hiện hợp đồng mua bán điện

-        Quản lý thiết bị đo đếm

-        Ghi chỉ số và lập hoá đơn điện tử

-        Quản lý thu và theo dõi nợ

-        Quản lý và tính toán tổn thất

-        Báo cáo tổng hợp và báo cáo kinh doanh

-        Kiểm tra giám sát mua bán điện

-        Dịch vụ bán lẻ điện năng và tổ chức trung gian thu hộ

-        Quản lý thiết bị hiện trường

-        Quản lý khách hàng lắp điện mặt trời mái nhà…


  • 09/07/2019 03:53
  • Theo TCĐL chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 18562