Sử dụng năng lượng mặt trời để tiết kiệm điện trong sản xuất

Trong bối cảnh giá nhiên, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất điện tăng cao như hiện nay, việc sử dụng điện năng lượng mặt trời (ĐNLMT) rất cần thiết và có ý nghĩa. Ngoài mang lại lợi ích kinh tế, tiết kiệm chi phí tiền điện, còn góp phần giảm áp lực phụ tải lưới điện cho ngành Điện; đồng thời tạo ra nguồn năng lượng xanh, sạch, độc lập và bảo vệ môi trường.

Công trình điện mặt trời áp mái tại Công ty TNHH May mặc Hoàng Tùng.

Công ty TNHH May mặc Hoàng Tùng (xã Trung Chính, Nông Cống) hiện có 2 phân xưởng may với 200 công nhân. Sản phẩm của doanh nghiệp được xuất khẩu sang thị trường các nước như Mỹ, Nhật, với số lượng 500.000 sản phẩm/năm. Giám đốc Công ty Hoàng Bá Tùng cho biết: Với mục tiêu đáp ứng tiêu chí sản xuất xanh, sản xuất sạch, tiết kiệm năng lượng, giảm khí thải nhà kính, cuối năm 2020 công ty đã đầu tư 13 tỷ đồng lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, công suất 990 kWp tại 2 phân xưởng.

Từ khi lắp đặt, 2 phân xưởng may có thêm một lớp che chắn, chống nóng cho không gian bên trong nhà xưởng, tạo môi trường làm việc thoáng mát, bảo đảm sức khỏe cho người lao động, giảm áp lực lên hệ thống điện lưới quốc gia, nhất là vào những tháng cao điểm mùa hè. Việc lắp đặt này còn giúp doanh nghiệp luôn chủ động nguồn điện để duy trì sản xuất, không phụ thuộc nhiều khi ngành điện cắt điện luân phiên thực hiện giảm tải điện. Việc sử dụng ĐNLMT còn làm tăng thêm khả năng cạnh tranh hàng hóa khi áp dụng chứng chỉ xanh - một tiêu chuẩn sản xuất ngày càng được chú trọng bởi các khách hàng khó tính trên thế giới.

Tại phố Lê Lai, phường Đông Sơn (TP Thanh Hóa) cơ sở sản xuất nem chua của hộ gia đình ông Nguyễn Hữu Tuyên cũng lắp đặt hệ thống ĐNLMT áp mái. Dù bên trong ngôi nhà có khoảng 30 lao động làm nem nhưng không khí tỏa ra khá mát mẻ bởi nhiều tiện nghi như quạt, điều hòa, tủ lạnh...

Tấm pin NLMT diện tích 100m2 được gia đình ông Tuyên lắp đặt trên mái nhà. Ông Tuyên cho biết: "Qua tìm hiểu về hiệu quả của ĐNLMT, tháng 4/2024 tôi đã đầu tư hơn 200 triệu đồng để lắp đặt hệ thống điện mặt trời công suất 15KWp. Qua hơn 2 tháng đưa vào sử dụng đem lại hiệu quả rõ rệt. Khi chưa lắp đặt hệ thống ĐNLMT, mỗi tháng gia đình tôi phải bỏ ra khoản tiền điện 13 triệu đồng, nhưng nay giảm xuống còn gần 4 triệu đồng. Quan trọng hơn, từ khi sử dụng ĐNLMT cơ sở nem chua của gia đình không còn phải lo lắng khi bị cắt điện nữa".

ĐNLMT đang là một trong những nguồn năng lượng được các nước phát triển lựa chọn, khuyến khích và ưu tiên sử dụng rộng rãi. Bởi, ngoài ưu điểm là nguồn năng lượng có thể tái tạo và cũng là nguồn năng lượng vĩnh cửu không thể cạn kiệt, ĐNLMT còn tiết kiệm được nhiều chi phí và góp phần vào việc bảo vệ môi trường... Nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư vốn ban đầu để lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái và đã phát huy hiệu quả kinh tế cũng như góp phần giảm tải cho ngành Điện. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 600 khách hàng là doanh nghiệp, hộ gia đình lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, với tổng công suất 67.134,6kWp. Tổng sản lượng điện phát lên lưới của hệ thống điện mặt trời áp mái trung bình đạt 63,2 triệu kWh/năm, tương đương doanh thu khoảng 122,5 tỷ đồng.

Theo Công ty Điện lực Thanh Hóa, việc lắp đặt và đưa vào sử dụng hệ thống điện mặt trời áp mái đã giúp giảm tải từ 0,5% - 2,1% cho các đường dây 35kV, 22kV, 10kV và lưới điện hạ áp 0,4kV, góp phần giảm tải cho các trạm 110kV và các trạm biến áp phụ tải. Đồng thời, giúp các hộ gia đình, doanh nghiệp tiết kiệm được khoản chi phí lớn tiền điện khi sử dụng điện lưới quốc gia. Ngoài ra, ĐNLMT là nguồn năng lượng tái tạo xanh, sạch, độc lập và bảo vệ môi trường.

Link gốc