Thành phố Thái Bình: Chung tay tiết kiệm điện

Nhu cầu sử dụng điện trên địa bàn thành phố Thái Bình ngày một tăng. Nhằm nâng cao nhận thức sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng chung tay sử dụng tiết kiệm điện (TKĐ).

Từ nhiều năm nay, việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả đã trở thành thói quen của 4 thành viên trong gia đình chị Vũ Thị Hường, tổ 1, phường Trần Lãm (thành phố Thái Bình). Chị Hường chia sẻ: Trong thời điểm vật giá tăng cao, điện thiếu nghiêm trọng, việc TKĐ ở mỗi hộ gia đình không chỉ giảm “gánh nặng’’ chi tiêu thường xuyên, mà còn hạn chế thiếu nguồn điện, góp phần bảo vệ môi trường. Mỗi hộ gia đình nâng cao ý thức TKĐ, thì cả nước sẽ tiết kiệm được một lượng lớn điện cũng như tiền điện. Chính vì vậy, các thiết bị sử dụng điện trong gia đình tôi đều được sử dụng tiết kiệm ở mức tối đa. Cả nhà đều có thói quen sử dụng điện tiết kiệm, với nguyên tắc “đi tắt, về bật” và “tắt khi không sử dụng”. 

Hệ thống điện mặt trời áp mái của gia đình ông Trần Thiết Giáp, phường Kỳ Bá (thành phố Thái Bình).

Còn theo chị Nguyễn Thị Thảo, tổ 9, phường Kỳ Bá (thành phố) thì TKĐ chính là tiết kiệm tiền. Ngoài tắt các thiết bị điện sinh hoạt khi không sử dụng, gia đình tôi còn thay tất cả các bóng đèn sợi đốt bằng đèn compact và sử dụng máy nước nóng năng lượng mặt trời đã hơn 3 năm nay. Hơn nữa, khi mua các thiết bị điện sinh hoạt, gia đình tôi luôn chọn các thiết bị ít hao tốn điện năng. Do biết TKĐ đúng cách nên so với trước đây mỗi tháng gia đình tôi tiết kiệm được khoảng 100.000 đồng tiền điện. 

Bà Nguyễn Thị An, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố cho biết: Những năm qua, Hội đã phối hợp với ngành điện tuyên truyền tới các hộ gia đình hội viên sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả. Thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn tuyên truyền, hướng dẫn cách sử dụng điện tiết kiệm, đơn giản, hiệu quả như rút dây nguồn các thiết bị điện khi không sử dụng, không mở cửa tủ lạnh thường xuyên, không cho vật dụng nóng vào tủ lạnh; sử dụng các sản phẩm đèn led thay thế các thiết bị chiếu sáng trước đây, bình đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời, pin năng lượng mặt trời; vệ sinh máy điều hòa nhiệt độ; thay thế các thiết bị điện có hiệu suất thấp bằng các thiết bị có hiệu suất cao; là ủi quần áo một lần cho cả nhà, hạn chế sử dụng điện trong giờ cao điểm, tắt các thiết bị điện khi không cần thiết… Với những việc làm tưởng như đơn giản hàng ngày đó nhưng đã giúp chị em tiết kiệm được một khoản tiền không hề nhỏ mỗi tháng, góp phần vào công tác TKĐ cho gia đình và xã hội.

Cùng với việc chung tay TKĐ, những năm qua, các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn thành phố tích cực lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời, giúp tiết kiệm chi phí tiền điện, bảo vệ môi trường. Hiện trên địa bàn thành phố có 91 khách hàng là doanh nghiệp, hộ gia đình lắp điện mặt trời áp mái đấu nối vào hệ thống điện. 

Nhà ông Trần Thiết Giáp, tổ 12 phường Kỳ Bá (thành phố Thái Bình) 3 năm nay đã không còn lo về việc phải TKĐ tối đa để giảm chi phí bởi gia đình ông đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái. Tận dụng tối đa diện tích mặt bằng mái nhà, ông Giáp đã tiến hành lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái với chi phí đầu tư 140 triệu đồng. Trong khi sử dụng, nhất là vào buổi tối nếu hệ thống không đủ ánh sáng sản sinh điện năng thì sẽ sử dụng điện từ ngành điện. Trước đây khi chưa lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, gia đình tôi phải chi trả điện sinh hoạt trên 12 triệu đồng/tháng. Khi lắp đặt hệ thống này rồi, gia đình tôi phải trả tiền điện khoảng 7 triệu đồng/tháng. Tôi cảm thấy việc sử dụng hệ thống này rất hiệu quả, tiết kiệm. 

Năm 2020, ông Nguyễn Văn Dương, tổ 23, phường Trần Lãm (thành phố Thái Bình) mạnh dạn đầu tư lắp đặt điện mặt trời áp mái Tổng kinh phí lắp đặt gần 80 triệu đồng. Hiện tại, gia đình ông Dương có 4 thành viên. Các thiết bị sử dụng điện mà gia đình thường dùng là điều hoà, tủ lạnh, bình nóng lạnh, tivi,…Trước khi lắp đặt điện mặt trời áp mái, hàng tháng, gia đình ông trả tiền điện trên 1 triệu đồng. Còn bây giờ, gia đình ông không chỉ tiết kiệm được tiền điện mà còn thu về khoảng 200.000 đồng/tháng nhờ phần điện dư phát trên lưới điện được công-tơ đo đếm 2 chiều bán lại cho ngành điện.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều hộ gia đình sử dụng điện lãng phí, nhất là một số cơ quan, đơn hành chính còn sử dụng lãng phí một nguồn điện năng lớn, ảnh hưởng đến ngân sách trong bối cảnh Nhà nước đang từng bước cắt giảm chi thường xuyên... Vì vậy, cần sự chung tay của mỗi người dân trong việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

Link gốc


  • 01/01/2024 06:58
  • Theo Báo Thái Bình
  • 2436