Thay bóng đèn sợi đốt bằng đèn LED, doanh nghiệp thu về 30 triệu USD từ bán tín chỉ carbon

Nguyên nhân dẫn tới phát thải tại các doanh nghiệp sản xuất, các cách thức doanh nghiệp có thể thực hiện để giảm phát thải và những câu chuyện thành công trong việc giảm phát thải… là những nội dung thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp tại Talkshow Chuyển đổi số ngành gỗ do Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA) tổ chức mới đây.

Talkshow được tổ chức trong khuôn khổ Dự án “Hệ sinh thái năng suất vì việc làm bền vững cho doanh nghiệp ngành gỗ tại Việt Nam” do HAWA tổ chức với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam chuyển đổi số trong sản xuất, nhận thức và bước đầu thực hành giảm thải carbon cũng như nâng cao năng lực về quản trị carbon trong các nhà máy.

Theo các chuyên gia, vấn đề chuyển đổi số, giảm phát thải carbon đang ngày càng nhận được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp. Điều này không chỉ giúp hạn chế sự nóng lên của trái đất mà còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, đáp ứng các quy định của Chính phủ về kiểm kê khí nhà kính, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu vào các thị trường phát triển như Mỹ, EU, Nhật Bản... sẽ phải đáp ứng các yêu cầu về môi trường ngày càng khắt khe của nước nhập khẩu.

Các chuyên gia chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi số với các doanh nghiệp.

Chia sẻ tại talkshow, ông Lê Duy Khánh, Đại diện Công ty CP Tập đoàn DAT đã chỉ ra 3 dạng phát thải carbon tại các doanh nghiệp. Thứ nhất là phát thải trực tiếp thông qua việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch như dầu, than cho hoạt động sản xuất. Thứ hai là phát thải gián tiếp thông qua việc sử dụng năng lượng điện. Bởi 46% năng lượng điện tại Việt Nam đến từ các nhà máy nhiệt điện than, 15% từ các nhà máy nhiệt điện dầu; phần còn lại là thủy điện và các nguồn năng lượng khác.

Dạng phát thải thứ ba là ngoài việc sử dụng điện và nhiên liệu hóa thạch, doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu đến từ những công ty có phát thải, hoặc sản phẩm của doanh nghiệp sau khi đến tay người tiêu dùng có tạo ra phát thải.

Ông Khánh tính toán, một doanh nghiệp sản xuất sử dụng khoảng 100.000 số điện một tháng sẽ tương đương lượng điện tiêu thụ hàng năm là khoảng 1,2 triệu kWh điện. Với hệ số phát thải CO2 Việt Nam năm 2023 là 0,6766 tCO2/MWh, lượng CO2 phát thải của doanh nghiệp đó sẽ ở mức 811 tấn CO2. Đây là con số đáng kể cho thấy sự cần thiết phải giảm phát thải đối với các doanh nghiệp sản xuất.

Vậy làm cách nào để doanh nghiệp có thể giảm phát thải? Ông Khánh cho biết, việc trước tiên doanh nghiệp cần thực hiện là thay đổi hành vi của người lao động trong công ty. Ví dụ như sử dụng nước tiết kiệm cũng sẽ giúp giảm một lượng phát thải đáng kể từ nguồn năng lượng sử dụng trong việc cấp nước, xử lý nước…

Bên cạnh đó là giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, cụ thể là sử dụng các thiết bị tối ưu hơn, có tính năng mới hơn hay thay thế máy móc cũ bằng máy móc mới với hiệu suất cao hơn.

Ông Khánh dẫn chứng, năm 2023 một doanh nghiệp ở Việt Nam đã bán được tín chỉ carbon ra thế giới bằng cách phối hợp với Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam để đổi khoảng 6 triệu bóng đèn LED 9W lấy bóng đèn sợi đốt 60W của người dân, chủ yếu ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Mỗi năm dự án này có thể tiết kiệm được khoảng 900.000 MWh điện, tương đương với giảm phát thải 6.000 tấn CO2. Vòng đời của dự án là 10 năm và có thể giúp cho mỗi gia đình tiết kiệm khoảng 1 triệu đồng mỗi năm. Doanh nghiệp này đã chi ra 12 triệu USD để thực hiện dự án này, nhưng đổi lại doanh nghiệp đã bán được tín chỉ carbon với mức giá 5 USD/ tín chỉ và thu về khoảng 30 triệu USD sau 10 năm.

Ngoài việc sử dụng dây chuyền công nghệ mới để tiết kiệm năng lượng, một giải pháp khác có thể thực hiện là thu hồi carbon đối với những doanh nghiệp sản xuất và phát thải carbon trực tiếp. Tại Nhà máy bia Sài Gòn - Hà Nội có hệ thống thu hồi lượng CO2 sinh ra trong quá trình sản xuất bia và sử dụng khí CO2 này bơm vào bia để tạo bọt. Việc này đã giúp công ty tiết kiệm được chi phí mua khí CO2, thậm chí còn có dư để bán cho các nhà máy khác.

Đối với các doanh nghiệp ngành gỗ, trồng rừng cũng là một cách hiệu quả để giảm phát thải carbon. Ước tính, với lượng điện tiêu thụ điện ở mức 100.000 số điện/tháng, doanh nghiệp có thể trồng 360.000 cây xanh, tương đương 72 ha rừng để đạt trung hòa carbon.

Ngoài các giải pháp nêu trên, doanh nghiệp cũng có thể giảm phát thải bằng cách sử dụng năng lượng tái tạo, gồm điện gió, điện mặt trời, sử dụng biomass thay cho dầu DO, dầu diesel... Chính phủ đã ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếp, tức là mua điện từ các trang trại điện mặt trời, điện gió để sử dụng trong các nhà máy thông qua lưới điện của Nhà nước.

Ngoài ra, DN có thể tận dụng khoảng không trên mái để lắp đặt hệ thống điện mặt trời và sử dụng trực tiếp cho nhà máy. Hiện tại Chính phủ đang rất khuyến khích mô hình điện mặt trời áp mái tự sản tự tiêu.

Công ty CP Tập đoàn DAT triển khai thành công một dự án trong năm 2023 tại khu công nghiệp Tam Phước, Đồng Nai với công suất 3,7MW, giúp nhà máy đạt được khoảng 80% nhu cầu tiêu thụ từ nguồn năng lượng mặt trời tái tạo và đã vận hành thương mại vào cuối năm 2023.

Link gốc


  • 12/06/2024 04:06
  • Theo: haiquanonline.com.vn
  • 485