Trang tin công nghệ điện trực tuyến Mỹ Electrek.co (EC) trung tuần tháng 10 cập nhật nguồn tin cho biết, AT tuyên bố thiết bị hay hệ thống năng lượng gió không cánh quạt (Bladeless wind energy unit), gọi tắt BWEU lắp trên mái nhà mới của họ có thể cung cấp điện năng tương đương với 16 tấm quang điện mặt trời. Đây là nghiên cứu của AT chung với Phòng thí nghiệm Quốc gia Sandia ở Albuquerque và ĐH Công nghệ Texas.
BWEU dễ dàng lắp đặt ở rìa của một tòa nhà, có thể tạo ra tăng thêm 50% năng lượng với chi phí tương tự như năng lượng mặt trời trên mái nhà. Rất hợp cho các tòa nhà có mái bằng như nhà kho và trung tâm phân phối, cơ sở sản xuất, cao ốc văn phòng, chung cư và cửa hàng bán lẻ lớn. Hệ thống chỉ chiếm khoảng 10% không gian so với sử dụng quang điện mặt trời và có thể tạo ra năng lượng liên tục suốt ngày đêm.
Hệ thống năng lượng gió không cánh quạt mới BWEU của AT. Nguồn: EC
|
AT giải thích về cách hoạt động của BWEU như sau: Cấu trúc BWEU gần như “bất động” nên không gây ồn như tua bin gió thông thường, vì vậy không gây nguy hiểm với chim hay động vật sống gần đó. Công nghệ tận dụng khí động học tương tự như cánh gió trên xe đua để thu nhận và khuếch đại luồng không khí của từng tòa nhà. Hệ thống bao gồm 20-40 chi tiết được lắp đặt đối diện với hướng gió chính.
BWEU được thiết kế để hoạt động liên tục với hệ thống điện hiện có của tòa nhà, sự kết hợp giữa giải pháp gió của BWEU với năng lượng mặt trời trên mái nhà có thể tạo ra tới 100% nhu cầu năng lượng tại chỗ của tòa nhà, đồng thời giảm thiểu nhu cầu lưu trữ năng lượng. Nó cũng có thể được ghép nối với năng lượng mặt trời hiện có, vì vậy không cần thiết phải tháo rời các tấm quang điện mặt trời có sẵn.
Theo giám đốc điều hành của Aeromine Technologies, David Asarnow thì hệ thống BWEU sẽ làm tăng thêm giá trị cho thị trường sản xuất điện mặt trời mái nhà đang phát triển, giúp các doanh nghiệp đạt mục tiêu phát triển bền vững, giảm thiểu hạn chế của tua bin gió. Tập đoàn hóa chất BASF đang dùng thử BWEU tại một nhà máy ở bang Michigan sau khi công nghệ được cấp bằng sáng chế.
Còn theo đánh giá của EC, nếu BASF đang thử nghiệm sản phẩm trên, thì điều đó báo hiệu tiềm năng. Nếu thành công, nó có thể mở rộng và lắp đặt trên các tòa nhà thương mại vì theo tổ chức Architecture 2030, các tòa nhà do con người xây dựng chiếm gần 50% tổng lượng khí thải carbon toàn cầu, nguồn thải phát sinh từ hoạt động của các tòa nhà, hoạt động xây dựng và vật liệu xây dựng… Vì vậy mọi công nghệ tiên tiến sản để xuất điện không phát thải sẽ đóng góp đáng kể cho nỗ lực bảo vệ môi trường, nhất là trong bối cảnh nhân loại đang nỗ lực để hướng tới mục tiêu net zero (phát thải ròng bằng 0) vào năm 2050.