Cần chính sách cụ thể cho phát triển điện gió ngoài khơi

Điện gió Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển, tuy nhiên, việc đầu tư vào lĩnh vực này còn nhiều khó khăn, vướng mắc nên nhà đầu tư điện gió rất cần cơ chế đặc thù để khuyến khích phát triển.

Chưa có quy định cụ thể

Năng lượng gió là một trong những loại năng lượng tái tạo đóng vai trò quan trọng trong phát triển tổ hợp năng lượng của Việt Nam nhằm giảm phát thải cacbon, giảm lượng khí thải ô nhiễm độc hại và giảm tiêu thụ nước trong lĩnh vực năng lượng. Điện gió ngoài khơi cần cơ chế đặc thù để phát triển

Tuy nhiên, quá trình phát triển các trang trại điện gió còn nhiều thách thức và rào cản cần có giải pháp cụ thể để giải quyết, đặc biệt là những dự án với quy mô lớn như điện gió ngoài khơi rất cần cơ chế đặc thù để khuyến khích phát triển.

Chia sẻ rõ hơn về những khó khăn trên và đề xuất các giải pháp quản lý rủi ro nhằm thúc đẩy các dự án trang trại điện gió ngoài khơi phát triển, TS. Nguyễn Xuân Huy - Chuyên gia năng lượng của Trường Đại học Bách Khoa- Đại học quốc gia Tp. HCM cho biết, thực tế cho thấy hàng loạt dự án điện gió gần bờ, cách bờ từ 10-15 km ở Việt Nam đã được phê duyệt và đang triển khai xây dựng. Nhưng để thực hiện phát triển dự án điện gió ngoài khơi phải thi công ở mực nước sâu và xa bờ hơn khá phức tạp với chi phí triển khai rất lớn.

Ảnh minh họa.

Ngoài ra, việc đánh giá các rủi ro định lượng như tốc độ gió, cắt giảm công suất, rủi ro kết nối lưới điện, thay đổi bất thường trong dự báo thời tiết và rủi ro về tài chính cũng chưa có chính sách ưu đãi nào được đề cập đến.

Đáng chú ý, trong thời gian xây dựng, dự án gặp phải tình huống bất ngờ do thay đổi đột ngột về chính sách và các quy định hiện hành là một trong những rào cản ảnh hưởng lớn nhất cho các nhà đầu tư. Chưa kể, hiện tại dự án điện gió ngoài khơi còn đang gặp vướng vì những quy định chưa rõ ràng về mức tính giá mua điện thương mại.

"Chẳng hạn đối với các dự án điện gió trên biển, giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.223 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương 9,8 Uscents/kW). Tuy nhiên, giá FIT này đang áp dụng chung cho một biểu giá bán đối với điện gió gần bờ và ngoài khơi. Hiện chưa có quy định riêng về mức giá bán cho điện gió ngoài khơi. Bởi vì chưa có quy định khoảng cách xa bờ là bao nhiêu trong các văn bản cụ thể để có thể phân biệt giữa dự án điện gió gần bờ và ngoài khơi. Điều này sẽ khiến các nhà đầu tư điện gió ngoài khơi chịu nhiều thiệt thòi" -  TS. Huy khẳng định.

Cần chính sách đặc thù

Trước những khó khăn trên, các doanh nghiệp phát triển điện gió cũng kiến nghị, cần có chính sách rõ ràng cho điện gió ngoài khơi. Vì đến nay, Chính phủ cũng có các văn bản khuôn khổ pháp lý quan trọng cần thiết để phê duyệt phát triển các dự điện gió gần bờ, song chưa có chính sách phát triển dành cho dự án điện gió xa bờ.

Mặc dù có những lo ngại về đánh giá tác động môi trường biển chưa được nghiên cứu đầy đủ, nhưng Chính phủ đã ủng hộ cho việc phát triển điện gió trên biển, điển hình là cho phép khảo sát và nghiên cứu tính khả thi các dự án trang trại gió Thăng Long Wind và La Gàn ở khu vực ngoài khơi tại mũi Kê Gà, Bình Thuận.

Ngoài những bất cập về pháp lý, các nhà đầu tư cho rằng, họ vẫn gặp nhiều thách thức phát triển các trang trại điện gió ngoài khơi, dẫn đến sự chậm trễ lớn trong việc triển khai nội địa hóa trong công cuộc phát triển nền công nghệ phụ trợ. Các rủi ro về chi phí xây dựng và nhu cầu về thiết bị hàng hải chuyên dụng vận chuyển đã cản trở tiến độ thực hiện, cho dù ngành công nghiệp dầu khí của Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn trong hơn 30 năm để phát triển các công trình trên biển, cũng như xây dựng các giàn khoan dầu khí ngoài khơi.

Để năng lượng gió ngoài khơi có thể khơi thông phát triển cần có những giải pháp hiệu quả, TS Huy cho rằng, Nhà nước cần có cơ chế đặc thù để áp dụng cho mục tiêu phát triển trang trại điện gió ngoài khơi. Bởi năng lượng điện gió mang tính lợi ích bền vững, vừa góp phần đảm bảo an ninh năng lượng vừa nâng cao trách nhiệm, quyền hạn của công dân trong thông điệp khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Tuy nhiên để khuyến khích nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này, Chính phủ cần có những quy định rõ ràng, phân biệt khu vực biển gần bờ và ngoài khơi để có chính sách phát triển điện gió phù hợp với thực tiễn. Về lâu dài, rủi ro xây dựng công trình trên biển chắc chắn có thể giảm theo sự tiến bộ khoa học công nghệ; nhưng rủi ro về chính sách và quy định vẫn có liên quan đối với các nhà đầu tư nếu các nhà hoạch định chính sách không giải quyết những vấn đề này một cách thỏa đáng.

Ngoài ra, nhằm đảm bảo lĩnh vực năng lượng tái tạo tăng trưởng bền vững, chính sách và sự ổn định các quy định phải ở mức độ phù hợp cao, trong đó các giải pháp quản lý rủi ro cần được thảo luận và cân đối để phát triển. Về tài chính, có thể cùng hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế uy tín như Ngân hàng Thế giới (World Bank) để đưa ra các biện pháp bảo đảm rủi ro về tài chính ở một mức độ an toàn nào đó trong chính sách.

Như vậy điện gió ngoài khơi không chỉ cần những chính sách cụ thể với tầm nhìn dài hạn mà còn cần các Bộ, ban ngành quan tâm, tác động hấp dẫn các khoản đầu tư để điện gió ngoài khơi được khơi thông phát triển.

Link gốc


  • 27/05/2021 08:49
  • Nguồn: enternews.vn
  • 1201