Chuyển đổi công nghệ để Việt Nam phát triển năng lượng bền vững

Công nghệ trí tuệ nhân tạo, bộ biến tần, công nghệ lưu trữ mới,... là những giải pháp được các chuyên gia gợi ý sử dụng để Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, tại diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2022.

Diễn đàn nhằm thúc đẩy sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng giai đoạn mới góp phần bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng, cung cấp thông tin về xu hướng phát triển công nghệ mới tại các quốc gia; đưa ra những khuyến nghị về nghiên cứu, chuyển giao và làm chủ công nghệ khí Việt Nam, tiếp nhận công nghệ cho chuyển dịch năng lượng toàn cầu. Đặc biệt là giải pháp công nghệ cho tiết kiệm năng lượng, góp phần đáp ứng tốt các cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26) và theo tinh thần của Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ.

Diễn đàn công nghệ và năng lượng Việt Nam năm 2022.

Diễn đàn thu hút sự tham dự của trên 600 đại biểu trong nước và quốc tế, trong đó khoảng 300 đại biểu tham dự trực tiếp và hơn 300 đại biểu tham dự trực tuyến với nhiều đại sứ quán các nước như: Pháp, Úc, Israel, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Séc, Thái Lan, Đan Mạch...

Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam năm 2021 đã nêu, nước ta có nhiều tiềm năng chuyển đổi xanh để trở thành một nền kinh tế có mức phát thải carbon ròng bằng không vào năm 2050 như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26). Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050.

Theo kịch bản tính toán để đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050, tổng đầu tư cần tăng gấp 3 lần. Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho rằng, phải mở rộng công nghệ thúc đẩy giải pháp toàn cầu sử dụng tiết kiệm năng lượng. Các công nghệ được tập trung từ góc độ sản xuất điện năng (sử dụng khí thu hồi, tăng hệ số khai thác, tận dụng nguồn năng lượng sạch), chuyển tải phân phối (sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, IoT, BigData để giảm cường độ tiêu thụ, để tận dụng khu vực năng lượng tiềm năng), hay chuyển đổi năng lượng (công nghệ làm mát, giải pháp tuần hoàn)...

Năng lượng tái tạo được kỳ vọng sẽ đóng góp 15 - 20% trong tổng cung năng lượng của Việt Nam vào năm 2030. Để đạt được những mục tiêu này, trước hết xây dựng hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và năng lượng tái tạo. 

Chia sẻ về vấn đề này, TS Phạm Văn Long, Đại học Quốc gia Yokohama, Nhật Bản cho rằng, Việt Nam có thể tiếp nhận nhiều giải pháp công nghệ của Nhật Bản. Trong đó công nghệ điện tử công suất có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như biến tần mới nhằn giảm tiêu thụ năng lượng điện. Phát triển công nghệ bộ biến đổi DC-AC cho hiệu suất trên 99. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phát triển các công nghệ điện tử công suất mới, công nghệ xe điện, công nghệ hydrozen. Các cơ quan chức năng phải xây dựng một lộ trình phát triển về công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực để giải quyết bài toán của doanh nghiệp.

Về tầm nhìn đến năm 2045, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh cần nâng cao trình khoa học công nghệ, các doanh nghiệp có thể xây dựng chiến lược xanh để sử dụng nguồn năng lượng hiệu quả hướng tới phát triển bền vững.

Tại diễn đàn, các chuyên gia cũng gợi ý giải pháp hỗ trợ chuyển đổi năng lượng sóng biển, xây dựng hệ thống kiểm soát năng lượng toà nhà thông minh dựa trên dữ liệu lớn (BigData), sử dụng điện toán đám mây, giám sát quản lý năng lượng theo hướng bền vững. Các công nghệ ứng dụng trong nông- lâm- ngư nghiệp như chiếu sáng thông minh, làm mát hỗn hợp hay tuần hoàn khép kín thu hồi nguồn nhiệt, khí dư thừa để phát điện.


  • 19/09/2022 10:24
  • H.Linh
  • 1619