Chuyển đổi năng lượng hướng tới công bằng và phát triển bền vững

Đó là chủ đề hội thảo khoa học quốc tế do Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp với Viện FES, Cộng hòa Liên bang Đức tổ chức mới đây.

Tham dự sự kiện có nhiều tổ chức quốc tế về khí hậu và năng lượng, cùng với nhiều nhà khoa học đến từ Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên & Môi trường, các trường Đại học.

Hội thảo khoa học quốc tế “Chuyển đổi năng lượng hướng tới công bằng và Phát triển bền vững”.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, để hiện thực hóa Chiến lược Phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, thời gian qua Việt Nam đã ưu tiên đầu tư và sử dụng năng lượng tái tạo, đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo.

Với quan điểm phát triển xanh, bền vững, nguồn năng lượng tái tạo, trong đó năng lượng gió, mặt trời trong những thập kỷ tới sẽ là nguồn năng lượng cơ bản của hệ thống năng lượng, hệ thống điện và góp phần trọng yếu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Nhiều doanh nghiệp, người dân đang mong muốn được tham gia đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, do vậy ngoài yếu tố phát triển kinh tế nó còn giúp bảo vệ cuộc sống và sinh kế của nhiều người dân Việt Nam.

Đầu tư phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam có thể còn làm giảm sự lệ thuộc vào nhập khẩu than, cùng với giảm sản xuất điện than từ đó giúp bảo vệ môi trường tạo điều kiện phát triển bền vững.

Trong vài thập niên trở lại đây, phát triển năng lượng tái tạo là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước và được cụ thể hóa tại các nghị quyết của Bộ Chính trị và các quyết định của Thủ tướng. Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược Phát triển năng lượng tái tạo và các cơ chế khuyến khích phát triển các dự án năng lượng tái tạo. 

Tại Hội nghị COP26 năm 2021 diễn ra tại Vương quốc Anh, Việt Nam đã khẳng định và cam kết mạnh mẽ đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và tham gia Tuyên bố Toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch là định hướng quan trọng của Việt Nam hướng tới nền kinh tế carbon thấp, tăng trưởng xanh trong những thập kỷ tới. 

“Chủ trương phát triển năng lượng tái tạo là cần ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hoá thạch. Ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện; khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn đi đôi với công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn”, PGS.TS Phạm Minh Sơn nhấn mạnh.

Tại hội thảo bà Julia Behrens, Giám đốc Dự án Khí hậu và Năng Lượng châu Á nhấn mạnh: "Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu. Chuyển đổi năng lượng cần có sự tham gia và hỗ trợ của tất cả các bên liên quan! Chúng tôi cam kết hỗ trợ và đồng hành cùng đất nước Việt Nam trong quá trình dịch chuyển này, và hôm nay tôi rất mong muốn được lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học đến từ Việt Nam".

Hội thảo tập trung vào 4 vấn đề chính: Công bằng khí hậu; Chính sách kinh tế xanh mới; Chuyển đổi công bằng hướng tới phát triển bền vững và Thực trạng, thuận lợi, khó khăn trong phát triển năng lượng tái tạo.


  • 24/11/2022 09:21
  • H.Linh
  • 2758