Đây là ngôi trường đầu tiên sử dụng nguồn điện mặt trời áp mái trên địa bàn huyện Côn Đảo. Hệ thống điện mặt trời áp mái (ĐMTAM) được lắp đặt tại trường có tổng công suất 12 kWp, gồm 36 tấm pin năng lượng mặt trời, tổng kinh phí thực hiện hơn 360 triệu đồng.
Hệ thống sản xuất khoảng 50 kWh/ngày, giúp nhà trường tiết kiệm chi phí sử dụng điện. Ngoài ra, phần điện dư có thể bán lại cho ngành Điện, tăng nguồn kinh phí để sử dụng cho các hoạt động của nhà trường.
Hệ thống điện mặt trời áp mái tại Trường tiểu học Cao Văn Ngọc (huyện Côn Đảo). Ảnh: Huy P.
|
Cô Phạm Phương Mai - Hiệu trưởng Trường tiểu học Cao Văn Ngọc cho biết, hệ thống điện mặt trời không những bảo vệ môi trường mà còn tiết kiệm chi phí tiền điện cho nhà trường. Đồng thời là một mô hình trực quan sinh động về tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo để học sinh tham quan học tập.
Cô giáo Huỳnh Thị An - giáo viên chủ nhiệm lớp 2.1 chia sẻ, từ ngày có hệ thống điện mặt trời áp mái, nguồn điện được đảm bảo tốt hơn, tạo điều kiện thuận lợi phục vụ công tác dạy và học của cô trò nhà trường.
Giờ học của cô và trò Trường tiểu học Cao Văn Ngọc (huyện Côn Đảo) trở nên sinh động hơn với việc sử dụng các thiết bị phụ trợ hiện đại, nhờ nguồn điện mặt trời áp mái. Ảnh: Huy P.
|
Huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) là một huyện đảo nằm xa đất liền, chưa có điện lưới quốc gia, nguồn điện hiện được cấp 100% từ các nhà máy điện diesel và điện mặt trời.
Theo ông Đoàn Văn Tranh, Giám đốc Điện lực Côn Đảo, trong bối cảnh nhu cầu sử dụng điện trên địa bàn huyện ngày càng tăng, việc khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời, đặc biệt là các dự án điện mặt trời áp mái là một trong những giải pháp giúp tiết kiệm chi phí tiền điện, giảm áp lực nguồn cung điện và bảo vệ môi trường.
Việc đưa vào hoạt động hệ thống điện mặt trời áp mái cho trường học nơi đảo xa góp phần đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân huyện đảo sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.