PV: Nhiều người dân đang thắc mắc về mức tiêu thụ điện cũng như tiền điện trong tháng 4 vừa qua tăng cao. Ông nhìn nhận gì về vấn đề này?
PGS.TS Nguyễn Việt Dũng: Trước hết, phải khẳng định lượng điện tiêu thụ tăng cao vốn xảy ra hằng năm, khi thời tiết ở miền Bắc chuyển từ mùa xuân sang mùa hè và đối với Nam Bộ là mùa khô.
Chúng tôi đã từng thực hiện các dự án nghiên cứu với Tổ chức Bơm nhiệt trữ nhiệt Nhật Bản - Tập đoàn Mitsubishi UFJ & Morgan Stanley và Chương trình mục tiêu Quốc gia về sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng giai đoạn 2010-2015 của Bộ Công Thương. Kết quả nghiên cứu cho thấy, lượng điện tiêu thụ của các hộ gia đình trong 6 tháng mùa nóng (từ tháng 4 tới tháng 9 hằng năm) thường tăng trong khoảng 30% - 80% so với 6 tháng còn lại, cá biệt có trường hợp tăng 150%.
Yếu tố này kết hợp với việc giá bán lẻ điện bình quân vừa được Nhà nước điều chỉnh tăng từ 20/3/2019, nên thấy số tiền điện phải thanh toán sẽ cao hơn tháng trước. Còn gia đình tôi không bất ngờ khi nhận hóa đơn điện tháng vừa qua, vì đã hiểu rõ quy luật sử dụng điện trong các tháng nắng nóng.
Ngoài ra, tôi còn thử lấy các số liệu về mức sử dụng điện của gia đình trong năm 2018 nhân với biểu giá điện mới, thì thấy tiền điện theo giá mới đúng là tăng chỉ dao động trong khoảng 8,3 – 8,4%. Do đó, vấn đề chi phí điện tăng lên nhiều chủ yếu là do chính chúng ta đã sử dụng nhiều điện hơn.
PV: Khi giải thích những lý do chính khiến lượng tiêu thụ điện tăng mạnh, EVN có nêu một nguyên nhân từ các thiết bị làm lạnh, giải nhiệt như điều hòa. Từ góc độ của một chuyên gia về nhiệt lạnh, ông nghĩ sao về giải thích này?
PGS.TS Nguyễn Việt Dũng: Tôi hoàn toàn nhất trí với giải thích này. Như tôi đã nói, mức độ tiêu thụ điện trong các hộ gia đình vào những tháng mùa hè cao hơn các tháng khác từ 30%-80%. Trong đó, máy điều hòa không khí (ĐHKK) chiếm từ 28% - 64% lượng điện tiêu thụ.
Phải khẳng định ĐHKK là thiết bị tiêu tốn rất nhiều điện. Ví dụ, 1 gia đình chỉ sử dụng hết 200 kWh/tháng nếu không có loại thiết bị này. Nhưng nếu có ĐHKK, mức tiêu thụ điện cả tháng có thể từ 278 kWh đến 555 kWh (tương ứng với lượng điện cho ĐHKK chiếm 28% - 64% tổng lượng điện trong tháng).
Ngoài ra, còn có tủ lạnh chiếm từ 6% - 22% điện tiêu thụ mỗi tháng. Phần còn lại là các thiết bị khác như tivi, đèn chiếu sáng, quạt, thiết bị bếp,…
Tôi muốn chia sẻ thêm, nhóm nghiên cứu của chúng tôi đã thí nghiệm đo mức tiêu thụ điện của tủ lạnh liên tục trong 12 tháng tại các hộ gia đình. Kết quả tiêu thụ điện của tủ lạnh trong các tháng mùa nóng tăng thêm trung bình 23% do nhiệt độ môi trường tăng và tần suất mở cửa tủ lấy đá, nước uống tăng cao hơn mùa khác 1,5-2 lần.
PV: Vậy ông có lời khuyên nào để có thể tiết kiệm điện trong mùa hè, nhất là khi sử dụng điều hòa?
PGS.TS Nguyễn Việt Dũng: Trước hết, nên chú ý về các thiết bị được dán nhãn năng lượng. Nếu nhãn có càng nhiều sao, thì hiệu suất sử dụng năng lượng của thiết bị đó càng cao, càng tốt.
Thêm nữa, người dân cần sử dụng điều hòa hợp lý. Một sai lầm phổ biến ở người sử dụng là thường cài đặt nhiệt độ điều hòa rất thấp, dưới 24 độ C, vì muốn làm mát nhanh, hoặc muốn cảm giác lạnh sâu. Việc này không chỉ tốn điện mà còn tạo độ chênh lệch lớn về nhiệt độ trong phòng và ngoài trời khi nắng nóng, dễ gây nguy hiểm cho người già, trẻ em, đặc biệt người có tiền sử bệnh tim mạch, cao huyết áp, hoặc bệnh đường hô hấp. Do đó, nên để điều hòa từ 26 độ C trở lên và dùng thêm quạt đảo gió. Cứ hạ thấp nhiệt độ phòng 1 độ, thì điện năng tiêu thụ của ĐHKK sẽ tăng lên 1,5- 3%.
Ngoài ra, nếu chỉ tắt điều hòa bằng thiết bị điều khiển mà không cắt aptomat, vẫn sẽ tiêu tốn 8-20 W/h, tương đương 1 bóng đèn. Tính cả năm, con số này không hề nhỏ. Rất nhiều thiết bị khác cũng như vậy. Do đó, nếu không dùng các thiết bị điện trong thời gian dài, nên tắt hẳn nguồn điện cho thiết bị đó.
Việc sử dụng điện tiết kiệm có rất nhiều lợi ích, vừa tiết kiệm chi phí cho gia đình, vừa đóng góp cho việc đảm bảo an ninh năng lượng và góp phần bảo vệ môi trường.
PV: Xin cảm ơn ông!