Theo ông các các cơ hội và thách thức trong chuyển dịch năng lượng bền vững tại Việt Nam là gì? Tiết kiệm năng lượng có vai trò thế nào trong quá trình này?
Ông Sven Ernedal: Đầu tiên có thể khẳng định rằng Việt Nam có tiềm năng to lớn trong việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, điện gió ngoài khơi. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào các nguồn năng lượng hóa thạch trong cả việc sản xuất điện và nhiên liệu cho giao thông. Vì vậy, để chuyển dịch năng lượng xanh đảm bảo cung ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế là một thách thức không nhỏ. Nhưng đây đồng thời cũng là cơ hội lớn để thúc đẩy nền kinh tế và cả cuộc sống của người dân theo hướng bền vững hơn.
Theo các báo cáo của Chính phủ Việt Nam, dự báo nhu cầu tiêu thụ năng lượng sẽ tăng gấp đôi trong khoảng hai thập kỷ tới. Nhưng khó lòng tăng gấp đôi sản lượng điện sản xuất trong bối cảnh hiện tại. Thực tế có một biện pháp hiệu quả để đảm bảo đủ năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế mà không cần tăng gấp đôi sản lượng điện sản xuất: tăng hiệu quả năng lượng.
Chẳng hạn, cải thiện hiệu suất năng lượng của các thiết bị sử dụng năng lượng là một cách. Cách khác là thúc đẩy sử dụng các thiết bị không dùng năng lượng hóa thạch, như ô tô điện. Hay, như thống kê tiềm năng tiết kiệm năng lượng mà Bộ Công Thương đã chỉ ra, là tối đa khả năng tiết kiệm năng lượng trong các nhà máy phát điện, các ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng khác, và trong cả sinh hoạt hàng ngày của người dân.
Tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại?
Ông Markus Bisel: Tôi đánh giá tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong cả hai lĩnh vực công nghiệp và thương mại là ngang nhau. Từ các nghiên cứu gần đây của một vài đối tác, tiềm năng tiết kiệm năng lượng của doanh nghiệp trong hai lĩnh này có thể lên tới 50 – 55%. Tất nhiên, để đạt được con số này tùy thuộc vào ngành, năng lực của doanh nghiệp và cả nhận thức của người đứng đầu. Theo kinh nghiệm của tôi, khi người đứng đầu doanh nghiệp bắt đầu nhận thức được vai trò của hiệu quả năng lượng với vận hành kinh doanh, họ sẽ yêu cầu nhân viên nghiên cứu và thực hiện các giải pháp. Do đó, vai trò của người đứng đầu khá quan trọng.
Tại các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam, hỗ trợ các doanh nghiệp cũng quan trọng như hỗ trợ chính quyền địa phương, cơ quan quản lý để xây dựng các chính sách, công cụ để thúc đẩy hiệu quả năng lượng tổng thể.
Hiệu quả hoạt động tiết kiệm năng lượng trong hai lĩnh vực này đã tương xứng với tiềm năng? Có thể làm gì để cải thiện hơn nữa tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong các ngành/lĩnh vực này?
Ông Markus Bisel: Ngay cả với các nền kinh tế phát triển thì cũng chưa hoàn toàn phát huy hết tiềm năng tiết kiệm năng lượng, vì ngoài vấn đề kỹ thuật thì còn cả vấn đề kinh tế. Trong hoạt động tiết kiệm năng lượng, đôi khi để tạo hiệu quả lớn doanh nghiệp cần đầu tư rất nhiều tiền mà thời gian hoàn vốn tương đối dài, có thể lên tới 10-20 năm. Doanh nghiệp tất nhiên muốn tìm kiếm các giải pháp nhanh chóng mà tạo hiệu quả cao, chi phí thấp. Và do đó có khả năng bỏ qua nhiều giải pháp chi phí cao, đầu tư dài hạn.
Việc cải thiện phụ thuộc rất nhiều vào nâng cao nhận thức và năng lực thực hiện của các bên liên quan, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng. Chẳng hạn, tạo ra cơ chế khuyến khích, ghi nhận hoặc thưởng những doanh nghiệp tiên phong thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng để họ thấy lợi ích thực tế, từ đó tham gia nhiều hơn.
Khi Việt Nam đã đưa ra nhiều cam kết mạnh mẽ hơn về ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải thì sẽ tạo động lực để các bên tham gia tích cực hơn. Doanh nghiệp rất quan tâm đến vấn đề nâng cao hiệu quả sản xuất. Hãy cho họ biết cách để làm được điều đó thông qua con đường hiệu quả năng lượng. Trong các giải pháp thì tiết kiệm năng lượng luôn được coi là thiết thực, hiệu quả xét trên cả khía cạnh chi phí và kỹ thuật.
Ngoài ra cũng cần thúc đẩy phát triển thị trường dịch vụ năng lượng, như ESCO. Việc phát triển thị trường nhằm giúp các doanh nghiệp biết mình cần tìm tới ai và thực hiện như thế nào khi có ý định thực hiện tiết kiệm năng lượng. Như chúng ta đã thấy ở buổi họp lần này có sự tham gia của một số doanh nghiệp ESCO và kiểm toán năng lượng. Họ đến và sẵn sàng nói về các dịch vụ họ cung cấp. Điều này cho thấy thị trường tiết kiệm năng lượng đã có chuyển biến. Việc cần làm là tạo cầu nối để các bên tìm được đối tác phù hợp.
Hôm nay chúng ta đã nói nhiều về vai trò tiết kiệm năng lượng của các doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng trọng điểm. Vậy các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) có khả năng đóng góp cho các mục tiêu tiết kiệm năng lượng và chuyển dịch năng lượng bền vững?
Ông Markus Bisel: Thời điểm hiện tại Chính phủ Việt Nam đang tập trung nhiều vào các doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng trọng điểm, vì họ chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tiêu thụ năng lượng. Tôi biết Chính phủ và riêng Chương trình VNEEP cũng có những yêu cầu nhất định về tiết kiệm năng lượng với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều này cũng quan trọng bởi họ chiếm tới 90% tổng số doanh nghiệp Việt Nam.
Về mặt kỹ thuật thì việc tiết kiệm năng lượng đối với nhóm doanh nghiệp SMEs cũng tương tự như đối với các nhóm tiêu thụ năng lượng trọng điểm. Chẳng hạn, chúng tôi đã từng làm việc với khoảng 30 SMEs, và những khuyến nghị chúng tôi đưa ra để họ nâng cao hiệu quả năng lượng trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng gần giống như với doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng trọng điểm. Qua quá trình làm việc cùng các cán bộ kỹ thuật, cán bộ năng lượng của đơn vị, tôi nhận thấy họ tự tin hơn, tin tưởng hơn và khả năng thuyết phục lãnh đạo thực hiện các hoạt động tiết kiệm năng lượng tốt hơn. Theo tôi việc cần làm là giúp họ nâng cao năng lực để có tiếng nói mạnh hơn trong chính doanh nghiệp của mình. Khi người lãnh đạo doanh nghiệp nhận thấy lợi ích đem lại là thực tế, rõ ràng thì họ sẽ tìm cách để thực hiện.
Kế hoạch của VEPG trong thúc đẩy hiệu quả năng lượng nói riêng và chuyển dịch năng lượng bền vững nói chung trong thời gian tới là gì?
Ông Sven Ernedal: VEPG vốn là diễn đàn đa phương hỗ trợ đối thoại chính sách và kỹ thuật trong lĩnh vực năng lượng, nhưng hiện nay phạm vi hoạt động của nhóm đã mở rộng ra cả vấn đề chuyển dịch năng lượng bền vững, tức là bao gồm cả những lĩnh vực khác như xây dựng, giao thông đường bộ, vận tải biển, môi trường… Do đó trong thời gian tới, hoạt động của VEPG sẽ cần nhiều sự đối thoại giữa các Bộ, các bên liên quan chính trong thị trường gồm đối tác tư nhân, hiệp hội, chính quyền địa phương, người dân.
Các doanh nghiệp, hộ gia đình cũng cần hiểu về tiết kiệm năng lượng và cùng tham gia thực hiện. Vấn đề bây giờ là làm thế nào để truyền thông hiệu quả tới người dân, doanh nghiệp để họ hiểu rằng tiết kiệm năng lượng là cần thiết, đem lại lợi ích. Giúp họ nhận ra các cơ hội về thị trường, khả năng kỹ thuật và khả năng sinh lời. Ví dụ như tôi là nhà kinh doanh và tôi nhận thấy đầu tư vào hiệu quả năng lượng sẽ đem lại tiền, giảm chi phí sản xuất, hoàn vốn trong thời gian hợp lý thì chắc chắn là tôi sẽ đầu tư.
Nhóm đối tác Năng lượng Việt Nam (VEPG) là một diễn đàn đa phương hỗ trợ đối thoại chính sách và kỹ thuật hướng tới các Mục tiêu phát triển bền vững và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. VEPG là một kênh gắn kết nguồn hỗ trợ bên ngoài với các chiến lược và kế hoạch hành động của Việt Nam về năng lượng và biến đổi khí hậu; đồng thời chia sẻ các cam kết quốc tế, tạo thuận lợi cho đầu tư trong lĩnh vực năng lượng.
Năm lĩnh vực hoạt động ưu tiên của VEPG: Quy hoạch chiến lược ngành Điện; năng lượng tái tạo; tích hợp lưới điện và hạ tầng lưới điện; hiệu quả năng lượng và thị trường năng lượng.
|
Link gốc