Phát triển năng lượng tái tạo: Tận dụng hồ chứa thủy lợi

Việt Nam có gần 7.000 hồ chứa thủy lợi với diện tích mặt nước lên tới hàng triệu km2 sẽ là không gian tốt để làm điện mặt trời.

Bàn về hướng phát triển năng lượng tái tạo, TS Trần Trường Giang - chuyên gia năng lượng cho rằng, Việt Nam đang có tiềm năng rất lớn trong việc phát triển điện gió, điện mặt trời. Trong bối cảnh các dự án năng lượng đang can thiệp vào tự nhiên, đất rừng thì nên tính toán tới việc tận dụng những hồ chứa thủy lợi trên cả nước để làm điện mặt trời.

Ông Giang cho biết, điện mặt trời ở Việt Nam đang có tốc độ phát triển rất nhanh, nhưng cũng đặt ra một số vấn đề. Tốc độ phát triển điện mặt trời đang vượt quá quy hoạch khiến công tác truyền tải gặp khá nhiều khó khăn. Thêm nữa, điện mặt trời chiếm nhiều diện tích đất lớn, trung bình 1,2ha/MW. Hạn chế đó đặt ra bài toán về điện mặt trời trên các hồ chứa thủy lợi.

Điện mặt trời trên hồ thủy lợi có nhiều ý nghĩa về giảm, tránh sử dụng diện tích mặt đất để không ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp, nơi ở của người dân; tăng thêm công suất của nguồn điện mặt trời tại những nới có mật độ dân số cao; có những lợi thế về sử dụng hạ tầng lưới truyền tải sẵn có tại vị trí các nhà máy thủy điện; gần các trung tâm phụ tải trong trường hợp tại các hồ chứa nước; năng suất sản xuất của chúng được cải thiện nhờ làm mát của mặt nước và giảm ảnh hưởng của bụi. Loại bỏ sự cần thiết phải chuẩn bị mặt bằng lớn, chẳng hạn như san lấp mặt bằng, hoặc đặt nền móng phải được thực hiện cho việc lắp đặt trên đất liền.

Điện mặt trời nổi trên hồ Đa Mi - Ảnh: Trần Đình Thương.

Hơn nữa, tại các nhà máy thủy điện hiện có nếu lắp đặt thêm các công cụ phát điện mặt trời sẽ làm cho vận hành của thủy điện linh hoạt hơn, tăng sản lượng điện chung và trong những tháng kiệt nước, nó giúp nhà máy thủy điện có thể làm việc tốt ở chế độ "phủ đỉnh" hơn là ở chế độ "phủ nền".

Lợi ích được tính theo cả hai cách: Thủy điện làm cho các công cụ điện mặt trời có thể phát điện "mượt" hơn bằng vận hành theo kiểu "đi theo biến động của phụ tải"; Điện mặt trời có thể hưởng lợi thế tại các vùng có lưới điện yếu do tận dụng hạ tầng lưới điện của thủy điện.

Hệ thống điện mặt trời trên hồ thủy lợi đã được nhiều quốc gia trên thế giới như  Pháp, Ý, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Mỹ thực hiện từ năm 2007. Sau đó đã trở thành làn sóng phát triển ở nhiều quốc gia khác như Úc, Brazil, Canada, Pháp, Ấn Độ, Indonesia, Israel, Ý, Malaysia, Maldives, Hà Lan...

Theo ông Giang, thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, toàn lãnh thổ Việt Nam có gần 7.000 hồ chứa thủy lợi. Trong đó có thể kể đến những vị trí thuận lợi cho việc lắp đặt điện mặt trời như lưu vực sông Hồng có 900 hồ nước lớn nhỏ (bao gồm hồ thủy điện, thủy lợi, hồ chứa nước), 1.300 đập dâng; lưu vực sông Hương có 100 hồ chứa các loại; lưu vực sông Đồng Nai có 406 hồ chứa, 371 đập dâng và cống...

Việt Nam được cho là có tiềm năng lớn về điện mặt trời trên các nền tảng nổi. Nếu chỉ tận dụng đất bán ngập và diện tích mặt nước hồ thì tổng điện năng có thể đạt tới 15.000 MWp (trên cơ sở tính toán diện tích mặt nước 1,2 ha/MW).

Dù chi phí đầu tư cho điện mặt trời trên hồ chứa thủy lợi cao hơn so với lắp đặt trên mặt đất nhưng hiệu quả lại được nâng cao hơn rõ rệt đến từ việc sử dụng tốt hơn cơ sở hạ tầng truyền dẫn hiện có và cơ hội để quản lý sự biến đổi năng lượng mặt trời thông qua sản lượng điện kết hợp.

Mặc dù vậy, đến nay, cả nước mới chỉ có 2 dự án điện mặt trời nổi tại hồ thủy điện Đa Mi với công suất 47,5MWp (được đưa vào vận hành tháng 5/2019) và nhà máy điện mặt trời đặt trên diện tích đất bán ngập nước của hồ Dầu Tiếng với công suất 420MW. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang nghiên cứu các dự án điện mặt trời nổi tại hồ Trị An (Đồng Nai), Se San 4 (Gia Lai), Đà Mi (Bình Thuận).

Tuy nhiên, ông Giang cũng khuyến cáo, các tỉnh có hồ hồ thủy lợi khi quyết định chủ trương đầu tư dự án điện mặt trời nổi chỉ thực hiện ở vùng bán ngập của hồ chứa.

Cần đặc biệt chú ý đến các tác động có thể có đối với chế độ dòng chảy xuôi từ hồ chứa, thường bị hạn chế liên quan đến quản lý nước (trong trường hợp đập bậc thang - cascade), nông nghiệp, đa dạng sinh học, giao thông thủy và sinh kế.

Đặc biệt, các dự án điện mặt trời ở khu vực này cũng không được sử dụng ắc quy và các thiết bị có khả năng gây ô nhiễm trong khu vực lòng hồ; không gây cản trở cho việc vận hành công trình; không có hoạt động san lấp, tôn nền khu vực lòng hồ làm thay đổi quy mô, nhiệm vụ công trình.

Link gốc


  • 24/11/2020 03:10
  • Nguồn: baodatviet.vn
  • 1283