Phát triển nguồn năng lượng "sạch" góp phần giảm khí phát thải từ nguyên liệu đốt

Trong bối cảnh Việt Nam hướng tới nền kinh tế carbon thấp, để thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, sản xuất hydrogen xanh nội địa được xem là một trong những giải pháp quan trọng của quá trình chuyển dịch năng lượng.

Phát triển nguồn năng lượng "sạch" góp phần giảm khí phát thải từ nguyên liệu đốt. Ảnh: Internet.

Về mặt chi phí, một nghiên cứu của tổ chức DNV đã chỉ ra rằng việc sử dụng hydrogen và các khí xanh khác sẽ tiết kiệm cho châu Âu 130 tỷ euro một năm vào năm 2050 và Thỏa thuận Xanh Châu Âu sẽ khó hiện thực hóa nếu không có hydrogen và các khí xanh khác.

Hydrogen có thể đóng vai trò dự trữ năng lượng vì ở nhiều quốc gia, nhu cầu sưởi ấm lúc cao điểm lớn hơn nhiều nhu cầu điện vào giai đoạn cao điểm. Do vậy hydrogen có thể được lưu trữ theo mùa và phân phối trong đường ống khí đốt, giảm nhu cầu gia cố lưới điện tốn kém. Đánh giá về khả năng tạo việc làm từ ngành sản xuất hydrogen, tổ chức Navigant kết luận rằng việc sản xuất 1.710 TWh/năm hydrogen xanh sẽ tạo ra khoảng 1 triệu việc làm ở châu Âu vào năm 2050.

Dưới góc độ của người tiêu dùng, việc chuyển đổi từ sử dụng gas sang hydrogen sẽ ít gây gián đoạn hơn cho các hộ tiêu dùng công nghiệp, thương mại và dân cư, đặc biệt là biomethane không yêu cầu bất kỳ sự thay đổi nào đối với người tiêu dùng.

Phát triển hydrogen được đề cập đến trong một vài chính sách như Quyết định số 1658/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 25/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Các chính sách được hình thành theo Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu giảm phát thải của ngành năng lượng, giao thông vận tải, công nghiệp và các ngành khác vào năm 2050 sẽ hình thành nhu cầu tiêu thụ hydrogen xanh và tạo động lực để phát triển ngành công nghiệp này ở Việt Nam. 

Tuy nhiên đến nay Việt Nam chưa công bố mục tiêu hoặc kế hoạch cụ thể về việc phát triển hydrogen xanh, dẫn đến việc phát triển công nghiệp hydrogen tại Việt Nam đối diện với nhiều thách thức. Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng cần bổ sung chính sách hoàn thiện, phát triển nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng bộ và cũng như bổ sung nguồn lực về tài chính, nhân lực và công nghệ. Việt Nam cần các chính sách đột phá, thí điểm nghiên cứu ứng dụng công nghệ và các giải pháp khuyến khích nguồn lực phù hợp và đồng bộ nhằm hình thành chuỗi cung ứng hydrogen xanh hoàn chỉnh cho quốc gia.

Dựa theo mục tiêu giảm phát thải của các lĩnh vực, hiệu quả kinh tế, mức độ sẵn sàng về công nghệ và cơ sở hạ tầng tương ứng tại Việt Nam, Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIETSE) xây dựng 03 kịch bản phát triển hydrogen. Kịch bản 1 (kịch bản chính sách hiện hành) được tính toán dựa trên các chính sách của chính phủ về lộ trình giảm phát thải ở từng ngành công nghiệp, vận tải, năng lượng; Kịch bản 2 (kịch bản độ trễ công nghệ) được tính toán dựa trên xu hướng phát triển công nghệ trên thế giới, khả năng của Việt Nam và nhu cầu thị trường nội địa; Kịch bản 3 (kịch bản tăng tốc) đặt ra tham vọng Việt Nam sẽ song hành với sự phát triển công nghệ và đủ nội lực để sản xuất hydrogen đáp ứng nhu cầu nội địa và xuất khẩu.

Theo đó, vào năm 2050, mỗi năm Việt Nam sẽ có nhu cầu tương ứng 58,3 triệu tấn hydrogen sạch (kịch bản chính sách hiện hành); 4,4 triệu tấn hydrogen sạch (kịch bản độ trễ công nghệ) và 9,17 triệu tấn hydrogen sạch (kịch bản tăng tốc).

Các chuyên gia tham dự tọa đàm chỉ ra rằng nhu cầu hydrogen trong kịch bản chính sách hiện hành cao hơn khả năng cung ứng được đưa ra trong dự thảo Quy hoạch năng lượng quốc gia. Với Việt Nam, hydrogen xanh nên được ưu tiên sử dụng trong các ngành sản xuất công nghiệp (phân đạm, lọc dầu, thép, xi măng), giao thông (xe tải đường dài, xe khách, vận tải biển và hàng không), năng lượng (nguồn phát linh hoạt), và để xuất khẩu.

 


  • 23/10/2022 09:01
  • H.Linh
  • 2339