Các loại thiết bị sưởi ấm đều tốn điện, vì phải biến đổi từ điện thành nhiệt. Để tiết kiệm điện, người sử dụng cần cố gắng không để thoát nhiệt ra ngoài khi sử dụng thiết bị. Sử dụng loại phù hợp diện tích và mục đích. Chẳng hạn, nếu chỉ cần sưởi cho một người, sưởi khi tắm có thể dùng đèn hồng ngoại, nếu cần làm ấm cả diện tích rộng hơn có thể nghĩ đến máy sưởi dầu hay điều hòa nhiệt độ.
Một lưu ý không kém phần quan trọng khác, khi sử dụng các thiết bị sưởi ấm trong phòng như quạt sưởi, máy sưởi thanh, đèn sưởi thường sinh ra một lượng nhiệt lớn đủ để sưởi ấm phòng, làm tăng nhiệt độ. Người dùng luôn cảm giác bí, khó thở, khi sinh ra lượng nhiệt sẽ đốt cháy oxy trong phòng, dẫn tới tình trạng thiếu oxy. Vì vậy, khi sử dụng các thiết bị sưởi trong phòng ngủ cần thỉnh thoảng mở hé cửa sổ để không khí lưu thông, điều hòa lượng oxy cân đối. Đối với phòng tắm sử dụng đèn sưởi cũng hạn chế bật quá lâu.
Khi vừa đi ở bên ngoài trời rét đậm về nhà thì không nên bật ngay điều hòa hoặc máy sưởi ở nhiệt độ cao vì có thể dẫn đến tình trạng sốc nhiệt, có thể đột ngột dẫn đến hôn mê, thậm chí là nguy cơ đột quỵ, tử vong. Nguyên nhân bởi, sự chênh lệch nhiệt độ ngoài trời và trong nhà quá lớn có thể khiến cơ thể chưa kịp thích nghi, dễ bị sốc nhiệt.
Không những thế, từ môi trường điều hòa, máy sưởi quá ấm áp, bạn tự tin bước ra bên ngoài trời giá rét cũng nguy hiểm không kém. Lúc này, cơ thể sẽ có nguy cơ bị hạ thân nhiệt khi đang ở một nơi ấm áp bước ra ngoài trời lạnh. Nhiệt độ cơ thể dễ bị hạ đột ngột, mồ hôi không toát ra được, dây thần kinh trung ương bị tổn hại.
Ngoài ra, cần lưu ý tuyệt đối không để nhiệt độ điều hòa, máy sưởi trong nhà quá nóng. Sử dụng chế độ sưởi ấm trên điều hòa, chỉ nên điều chỉnh nhiệt độ điều hòa hơn 5-10 độ C so với nhiệt độ ngoài trời. Đối với máy sưởi cần để cách xa vị trí người ít nhất 1,5m.