PV: Thưa ông, Chương trình Quốc gia về SDNLTK&HQ giai đoạn 2019 - 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13 tháng 3 năm 2019 và chính thức được triển khai từ năm 2020. Ông đánh giá như thế nào về kết quả bước đầu mà Chương trình đạt được?
TS. Phương Hoàng Kim: Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì tổ chức thực hiện Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030, theo đó, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành lập và Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo để chỉ đạo và phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành trong thực hiện Chương trình. Bộ cũng đã trình Trưởng Ban Chỉ đạo phê duyệt Quy chế tổ chức quản lý, thực hiện các nhiệm vụ thuộc chương trình.
Với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Chương trình, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành lập kế hoạch hàng năm, lựa chọn, tổng hợp, đề xuất và xác định các nhiệm vụ, dự án để thực hiện Chương trình; hướng dẫn các địa phương xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 - 2025. Bộ cũng chỉ đạo, tổ chức triển khai đồng bộ 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm đã được xác định tại Quyết định số 280 của Thủ tướng Chính phủ.
Mặc dù năm 2020 và 2021 các ngành kinh tế, xã hội đều bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, song sau 2 năm đầu tích cực triển khai, đến nay hầu hết các địa phương đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình trên địa bàn. Đã có 54 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn các tỉnh, thành phố, hoặc ban hành Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường thực hiện tiết kiệm điện giai đoạn 2021 - 2025.
Bộ Công Thương đã chủ trì nghiên cứu, đề xuất cơ chế khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trong sửa đổi Luật Điện lực; chủ trì nghiên cứu sửa đổi Nghị định số 21/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật SDNLTK&HQ; chủ trì xây dựng nội dung xử lý vi phạm trong lĩnh vực SDNLTK&HQ trong sửa đổi Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các quyết định về danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm năm 2019 và 2020. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 25/2020/TT-BCT ngày 29 tháng 9 năm 2020 quy định về việc lập kế hoạch, báo cáo thực hiện kế hoạch SDNLTK&HQ; thực hiện kiểm toán năng lượng.
Hoạt động dán nhãn năng lượng tiếp tục được đẩy mạnh, duy trì với trên 20 sản phẩm thuộc 4 nhóm: Thiết bị gia dụng, văn phòng, thương mại, công nghiệp, giao thông vận tải. Bộ cũng chủ trì xây dựng lộ trình áp dụng tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng cho một số sản phẩm tiêu thụ nhiều năng lượng trên thị trường như: Bình đun nước nóng, máy tính để bàn, bếp từ... và xây dựng, công bố tiêu chuẩn quốc gia về hiệu suất năng lượng.
Đối với hoạt động truyền thông, các cơ quan Trung ương đã tổ chức triển khai hoặc lồng ghép hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về ý nghĩa, tầm quan trọng của SDNLTK&HQ vào các hoạt động cộng đồng như chuỗi hoạt động của sự kiện Giờ trái đất, các hội thảo chuyên đề, tập huấn, đào tạo.
PV: Xin ông cho biết vai trò và những tác động tích cực từ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế trong thời gian qua đối với chương trình?
TS. Phương Hoàng Kim: Trong bối cảnh nguồn ngân sách Trung ương phân bổ cho chương trình hàng năm còn hạn chế, việc tham gia, hỗ trợ kịp thời của các tổ chức quốc tế có vai trò rất quan trọng để thúc đẩy các hoạt động của chương trình. Bộ Công Thương đã tổ chức xây dựng và thực hiện có hiệu quả hợp tác quốc tế về lĩnh vực SDNLTK&HQ, trong đó có một số chương trình, dự án quy mô lớn do Bộ Công Thương chủ trì.
Cụ thể như: Chương trình Chuyển đổi năng lượng bền vững Việt Nam - EU với tổng kinh phí tài trợ không hoàn lại 142 triệu Euro; các dự án hợp tác với Ngân hàng Thế giới, trong đó có dự án tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam với tổng kinh phí 101,7 triệu USD và dự án thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam với tổng kinh phí 11,3 triệu USD.
Ngoài ra, Bộ đã tích cực xây dựng, phối hợp với các đối tác như: Đan Mạch, GIZ, KOICA, ADB... để triển khai các dự án tiết kiệm năng lượng một cách đồng bộ, hiệu quả.
PV: Theo ông, để Chương trình đạt được các mục tiêu đề ra, các ngành, địa phương, doanh nghiệp cần triển khai những giải pháp nào?
TS. Phương Hoàng Kim: Để đạt được các mục tiêu Chương trình đặt ra, một số giải pháp cần được thực hiện như sau:
Thứ nhất: Cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy SDNLTK&HQ. Rà soát, sửa đổi, bổ sung và hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật về SDNLTK&HQ... Thực hiện đưa chỉ tiêu SDNLTK&HQ vào kế hoạch phát triển kinh tế hằng năm và trong từng giai đoạn của địa phương. Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực cho các bộ, ngành, địa phương về giám sát, thực thi quy định pháp luật về SDNLTK&HQ.
Thứ hai: Tăng cường tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn, kiến thức cho đội ngũ công chức tại địa phương thực hiện quản lý nhà nước về SDNLTK&HQ. Tiến hành lồng ghép tuyên truyền, vận động lối sống SDNLTK&HQ vào các cuộc vận động của Đảng và Nhà nước.
Thứ ba: Tăng cường xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích thúc đẩy SDNLTK&HQ, trong đó sớm xây dựng, đưa Quỹ Thúc đẩy SDNLTK&HQ vào vận hành nhằm tạo dòng vốn hỗ trợ đầu tư tiết kiệm năng lượng. Đồng thời, lồng ghép lĩnh vực SDNLTK&HQ vào các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia, cấp bộ, tỉnh và cấp thành phố.
Link gốc