Tiết kiệm điện trong sản xuất - kinh nghiệm từ các doanh nghiệp

Những giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh không những giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí, góp phần tăng lợi nhuận, mà còn bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững. Dưới đây là chia sẻ của một số doanh nghiệp về vấn đề này.

Ông Lý Út - Phó Giám đốc Công ty TNHH Tiến Hưng (Kiên Giang):

“Hạn chế sử dụng điện trong giờ cao điểm”

Công ty Tiến Hưng có gần 400 công nhân. Bình quân mỗi ngày, Tiến Hưng sản xuất từ 10 - 12 tấn tôm đông lạnh xuất khẩu. Do ứng dụng nhiều công nghệ cao, nên nguồn điện ổn định đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình sản xuất của Công ty. Từ những ngày đầu thành lập, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ của Công ty Điện lực Kiên Giang trong việc lắp đặt trạm biến áp và đường dây hạ áp.

Ngoài ra, điện lực cũng hướng dẫn chúng tôi sử dụng điện hạn chế trong các giờ cao điểm, tăng cường sản xuất trong giờ thấp điểm. Nhờ đó,Tiến Hưng đã giảm được một phần chi phí sản xuất.

Thời gian tới, mong rằng ngành Điện sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác chăm sóc khách hàng, đảm bảo nguồn điện cho sự phát triển của tỉnh, nhất là các doanh nghiệp có sử dụng máy móc, công nghệ cao để nâng cao giá trị hàng hóa xuất khẩu.

Ông Nguyễn Thanh Sơn - Doanh nghiệp tư nhân Tuyết Sơn (An Giang):

“Tiết kiệm điện giúp tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm”

Với ngành nghề sản xuất nước đá, mỗi ngày sản xuất trên 800 cây nước đá, nhờ áp dụng các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm, mà doanh nghiệp chúng tôi đã tiết kiệm được chi phí sản xuất.

Để có được một mẻ 800 cây nước đá, hệ thống máy hoạt động suốt 10-12 giờ. Chúng tôi thường xuyên kiểm tra dàn lạnh, đảm bảo càng kín thì càng ít tiêu hao điện năng. Ngoài ra, chúng tôi đã đầu tư hệ thống xả đá viên tự động, nhờ đó khi vận hành không phải mở cửa lấy đá, không làm giảm độ lạnh, giảm tiêu hao điện năng, giảm nhân công lao động.

Nhờ thực hiện các giải pháp trên, doanh nghiệp chúng tôi vừa tiết kiệm điện, tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm, từ đó chiếm lĩnh thị phần tốt hơn.

 

Ông Nguyễn Khuyến - chủ trang trại nuôi tôm công nghệ cao CPF (Tiền Giang): 

“Tiết kiệm điện bằng việc thay thế các thiết bị điện công nghệ mới”

Trước đây gia đình tôi thực hiện nuôi tôm từ quảng canh cho đến nuôi công nghiệp, tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa hài lòng với hiệu quả 2 mô hình này mang lại. Được học tập các mô hình nuôi tôm công nghệ cao nên gia đình tôi quyết tâm áp dụng, sau hơn một năm, qua 2 đợt nuôi, trang trại chúng tôi đã thành công khi mỗi đợt thu hoạch trên 40 tấn tôm, giá thành từ 140.000 - 190.000 đồng/kg, tôm từ 25-40 con/kg.

Yếu tố quyết định việc thành công trước hết là nhờ nguồn điện được cung cấp ổn định. Ngoài ra, trang trại chúng tôi đã áp dụng các biện pháp tiết kiệm điện như: Sử dụng điện giờ thấp điểm, thay thế các thiết bị thiết bị tiết kiệm điện... Bên cạnh đó, việc ứng dụng các công nghệ mới như: Sử dụng gối đỡ con lăn thay thế gối đỡ chữ U cho dàn quạt; xử lý trục quay của dàn quạt đồng trục với trục quay của động cơ... do Tổng công ty Điện lực miền Nam tuyên truyền và hướng dẫn đã đem lại hiệu quả tích cực. Bình quân mỗi tháng, chúng tôi chỉ phải chi trả khoảng 100 triệu đồng tiền điện (so với mức 150 triệu/tháng trước kia).


  • 30/09/2019 03:45
  • Phạm Tân
  • 4356