Hiện diện tại số 304 Kim Mã (Ba Đình, Hà Nội), công trình Tòa nhà xanh Một Liên Hợp Quốc là dự án đầu tiên trong số 16 dự án thí điểm trên toàn thế giới, tập hợp nhiều cơ quan của Liên Hợp Quốc làm việc trong cùng một công trình nhằm tăng cường cơ hội cộng tác.
Liên Hợp Quốc tại Việt Nam là một trong những tổ chức đi đầu trong việc hiện thực hóa Một trụ sở Liên Hợp Quốc trên toàn thế giới.
Tòa nhà được thiết kế với mục tiêu ứng phó với những thách thức môi trường mà Việt Nam đang phải đối mặt và giảm lượng khí thải các-bon và là biểu tượng của việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Ngoài ra, nhân viên LHQ làm việc ở đây cũng thực hiện các hành vi xanh bằng cách giảm in ấn, thay thế các sản phẩm nhựa và sử dụng giao thông công cộng.
Tính năng bền vững của tòa nhà gồm có mái xanh, cảnh quan sân vườn ít yêu cầu tưới tiêu, sử dụng các thiết bị tiết kiệm nước, các thiết bị chiếu sáng và điều hòa không khí có hiệu năng cao, sử dụng vật liệu có nồng độ VOC thấp, tận dụng và tái sử dụng các vật liệu tái chế và 400 tấm quang điện cung cấp khoảng 10% tổng nhu cầu năng lượng.
Ông Lưu Minh Đức- Cán bộ Quản lý cơ sở hạ tầng- Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho biết: “Trong mục tiêu phát triển bền vững, Liên Hợp Quốc đã không ngừng cải tiến tòa nhà của mình đảm bảo các yếu tố xanh được thể hiện nhiều nhất, giải pháp xanh của Liên Hợp Quốc có 2 yếu tố gồm yếu tố về kỹ thuật hạ tầng và yếu tố con người”.
Theo đó, yếu tố kỹ thuật là các giải pháp, công nghệ tiên tiến nhất để làm giảm tiêu thụ năng lượng xuống với các công nghệ phổ biến hiện nay như invester, lắp các tấm pin năng lượng mặt trời, hệ thống quản lý năng lượng thông minh BMS được kết nối với toàn bộ hệ thống năng lượng trong tòa nhà.
Hệ thống BMS sẽ đánh giá khu vực nào trong tòa nhà tiêu thụ năng lượng lớn nhất để từ đó có giải pháp điều chỉnh cho phù hợp. Ngoài ra, khi cán bộ nhân viên kết thúc ngày làm việc và ra khỏi tòa nhà thì hệ thống sẽ tự động tắt chế độ ánh sáng, điều hòa.
“Chúng tôi thiết kế tòa nhà đảm bảo tất cả các khu vực làm việc đều được thông gió và có ánh sáng tự nhiên. Kết hợp với công nghệ sensors để cảm nhận ánh sáng tại chỗ làm việc. nếu ánh sáng đã đủ sensors sẽ giúp điều chỉnh ánh sáng của đèn thậm chí tắt đèn để không tốn năng lượng. Ngoài ra, vào các ngày cuối tuần, ngày lễ, ngày nghỉ thì phần năng lượng mặt trời tạo ra sẽ đưa lên đưa lên điện lưới của thành phố Hà Nội góp phần giảm tải về nguồn cung điện cho Hà Nội”, ông Lưu Minh Đức chia sẻ.
Bên cạnh năng lượng thì Liên Hợp Quốc còn quan tâm đến cả vấn đề sử dụng nước, thu nước mưa và xử lý tái sử dụng nước. Đặc biệt toàn bộ nước thải được tái chế, tái sử dụng cho khu vực vườn của tòa nhà, nhờ đó đã giảm sử dụng nước và không phải sử dụng năng lượng để phục vụ máy bơm. Rác thải được tái chế trên 50% tránh đưa rác ra môi trường, rác hữu cơ được tái chế làm phân hữu cơ sử dụng cho vườn của tòa nhà.
Theo đánh giá của Hội đồng Công trình xanh Việt Nam với các giải pháp kỹ thuật và quản lý nội vi cho thấy : Tiết kiệm năng lượng được 28,8%; Mức sử dụng nước giảm 44%; Tái sử dụng kết cấu có sẵn lên đến 94%; Tỷ lệ diện tích mái xanh đạt 35%; Diện tích cảnh quan hạn chế hiệu ứng đảo nhiệt lên đến 77%; Pin quang điện sản xuất được 110.000kwh/năm.
Tháng 5/2017, Hội đồng Công trình xanh Việt Nam đã chính thức trao Chứng nhận công trình xanh LOTUS Bạch kim (hạng cao nhất) cho Tòa nhà của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam.
Tiếp đó, tháng 9/2018, tại Giải thưởng Công trình Xanh khu vực châu Á - Thái Bình Dương do Hội đồng Công trình xanh Thế giới tổ chức, tòa nhà đã được tặng Giải thưởng Lãnh đạo trong Thiết kế và vận hành bền vững, hạng mục trụ sở của tổ chức.
Tháng 12/2021, tòa nhà đã tiếp tục được trao Giải nhì Giải thưởng Hiệu quả năng lượng trong các công trình xây dựng năm 2021 (thuộc hệ thống Giải thưởng Hiệu quả năng lượng) do Văn phòng Ban chỉ đạo TKNL - Bộ Công Thương phối hợp với Hội Khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam tổ chức.
Link gốc