Tư vấn xây dựng hệ thống quản lý năng lượng

Quản lý năng lượng bao gồm toàn bộ các lĩnh vực có liên quan đến tiêu thụ năng lượng tại cơ sở sản xuất, không những lưu ý đến việc tiêu thụ năng lượng của thiết bị, máy móc, mà còn phải đặc biệt chú trọng đến việc tìm kiếm giải pháp để có thể vận hành máy móc, thiết bị một cách tốt nhất.

(Ảnh minh họa)

* Quản lý năng lượng (QLNL) là gì?

Là một quá trình quản lý, tiêu thụ năng lượng tại đơn vị nhằm đảm bảo năng lượng được sử dụng hiệu quả, tiết kiệm. QLNL bao gồm toàn bộ các lĩnh vực có liên quan đến tiêu thụ năng lượng tại cơ sở sản xuất, không những lưu ý đến việc tiêu thụ năng lượng của thiết bị, máy móc, mà còn phải đặc biệt chú trọng đến việc tìm kiếm giải pháp để có thể vận hành máy móc, thiết bị một cách tốt nhất.

* Lợi ích của hệ thống QLNL:

- Cho phép quản lý giá năng lượng có hệ thống nhằm tiết kiệm chi phí năng lượng.

- Giảm chi phí vận hành và bảo dưỡng.

- Nâng cao nhận thức của nhân viên về tiết kiệm năng lượng, giảm tổn hao năng lượng.

- Xây dựng được kế hoạch và mục tiêu sử dụng năng lượng.

- Xây dựng được quy trình kiểm soát, xác nhận việc sử dụng năng lượng tại đơn vị.

- Hỗ trợ các hệ thống quản lý chất lượng khác như ISO 14001, quản lý chất lượng toàn bộ (TQM).

* Lộ trình xây dựng hệ thống QLNL bền vững gồm 4 bước:

Bước 1: Đánh giá hiện trạng QLNL. Kết quả đánh giá sẽ phản ánh năng lực của đơn vị trong việc xây dựng và vận hành hệ thống QLNL tại đơn vị.

Bước 2: Chuẩn bị về khâu tổ chức. Thiết lập một Ủy ban QLNL với trách nhiệm chính là xây dựng và quản lý các hoạt động trong hệ thống tuân theo quy trình làm việc đã được thống nhất trong toàn bộ đơn vị. Đồng thời, thiết lập các bộ phận QLNL, trong đó, cán bộ QLNL (Energy Manager) có nhiệm vụ lãnh đạo, thực hiện các hoạt động QLNL trong đơn vị, đồng thời, có trách nhiệm báo cáo trực tiếp cho lãnh đạo đơn vị các vấn đề liên quan đến năng lượng. Đối tượng này có thể là cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm.

Bước 3: Thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng (kiểm toán năng lượng), lựa chọn mục tiêu tiết kiệm và kế hoạch thực hiện. Gồm 5 nhiệm vụ chính:

- Thực hiện kiểm toán năng lượng sơ bộ và chi tiết.

- Lựa chọn các biện pháp tiết kiệm năng lượng trên cơ sở kết quả kiểm toán năng lượng.

- Xây dựng các nhóm nhân viên để thực hiện từng biện pháp tiết kiệm năng lượng đã được lựa chọn.

- Đề xuất ngân sách và kế hoạch thực hiện.

- Tổ chức đào tạo cho các nhóm nhân viên thực hiện từng biện pháp tiết kiệm năng lượng.

Bước 4: Kết hợp hệ thống QLNL với các hệ thống quản lý khác trong đơn vị.

Mục tiêu là đưa các hoạt động tiết kiệm năng lượng vào trong các quy trình sản xuất của đơn vị. Có 5 nhiệm vụ chính cần làm:

- Thiết lập thủ tục giám sát- xác nhận.

- Nhận dạng hệ thống kiểm toán nội bộ hoặc bên ngoài để xác nhận một cách độc lập các kết quả giám sát – xác nhận.

- Thiết lập quy trình làm việc chuẩn nhằm tiết kiệm năng lượng.

- Xây dựng kế hoạch hậu kiểm toán năng lượng và kế hoạch đánh giá.

- Tổ chức đào tạo cho các nhân viên đơn vị sau khi đã kiểm toán, quy trình làm việc và kế hoạch đánh giá.

 

Theo đánh giá hiện nay, nếu thực hiện quản lý năng lượng:

- Trong lĩnh vực công nghiệp có thể tiết kiệm được 20 - 25%,

- Khu vực cơ quan hành chính sự nghiệp có thể tiết kiệm được 10% hoặc hơn nữa.

 

 


  • 27/09/2011 09:38
  • Theo Sách Cẩm nang tiết kiệm điện (Trung tâm Thông tin Điện lực)
  • 4314


Gửi nhận xét