Việt Nam đặt ra 4 mục tiêu lớn trong chuyển dịch năng lượng

Đó là phát biểu của Thứ trưởng bộ Công Thương Đặng Hoàng An trong hội thảo “Tác động của COP26 đến chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh” vào ngày 7/8, tại Hà Nội.

Hội thảo nhằm trao đổi, thảo luận, tham vấn về các nhiệm vụ, hành động để thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, song song với việc thực hiện cam kết mạnh mẽ về đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26.

Hội thảo "Tác động của COP26 đến chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh".

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, Việt Nam là quốc gia luôn chủ động và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế đối với các vấn đề toàn cầu. Điều này đã được khẳng định qua sự tham gia, cam kết rất mạnh mẽ của Việt Nam tại Hội nghị COP26.

Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết, 3 năm trở lại đây, Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển mạnh của năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió với hơn 16,5GW công suất điện mặt trời được kết nối vào lưới điện quốc gia; gần 4GW điện gió trên bờ và gần bờ đã vào vận hành. Hiện nay nguồn điện từ năng lượng tái tạo tại Việt Nam chiếm đến 52,2% công suất lắp đặt trên toàn quốc (tính cả 20,6GW thủy điện). Theo dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (dự thảo Quy hoạch điện VIII), sẽ có thêm nhiều dự án năng lượng tái tạo khác được phát triển.

4 mục tiêu lớn trong chuyển dịch năng lượng được Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho hay, gồm: Thứ nhất, không phát triển thêm các nhà máy điện than mới sau năm 2030, phát triển các nguồn điện chạy khí ở mức độ hợp lý để tránh lệ thuộc vào thị trường thế giới và xây dựng lộ trình chuyển đổi nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện chạy than, khí hiện có. Thứ hai, tiếp tục tăng mạnh tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo để tận dụng thế mạnh của Việt Nam. Thứ ba, tìm hiểu, tiếp cận sớm các công nghệ sử dụng các nguồn năng lượng sơ cấp như hydro xanh, amoniac xanh. Thứ tư, cải thiện hạ tầng truyền tải và phân phối, nâng cấp khả năng kỹ thuật của hệ thống điện quốc gia về vận hành an toàn, đủ khả năng hấp thụ tỷ trọng ngày càng lớn của năng lượng tái tạo.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững muốn thành công cần có quyết tâm chính trị lớn; sự phối hợp đồng bộ, toàn diện từ tất cả các bên liên quan; sự đồng lòng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Những trao đổi, thảo luận, kiến nghị của các đại biểu tham dự hội thảo này, sẽ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Công Thương tổng hợp, xem xét phản ánh trong quá trình tham mưu, tư vấn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Hội thảo là hoạt động khởi đầu cho hàng loạt các sự kiện tiếp theo về chủ đề chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh và bền vững tại Việt Nam nhằm mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.


  • 17/08/2022 04:56
  • H.Linh
  • 908