Ngành Xây dựng là một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế nhưng cũng là nơi tiêu thụ một lượng lớn tài nguyên thiên nhiên cũng như xả thải ra môi trường.
Theo nghiên cứu của Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC), ngành Xây dựng tiêu tốn khoảng 1/3 năng lượng toàn cầu, cùng với 40% nguyên liệu thô, tương đương với 42,4 tỷ tấn mỗi năm. Cùng với đó, 39% lượng khí thải nhà kính cùng 40% lượng chất thải rắn là những “đóng góp” của ngành Xây dựng, công trình cho bức tranh biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại Hội thảo Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn: Vì một thập niên tăng trưởng xanh và bền vững do Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, bà Phan Thu Hằng, Chủ tịch VGBC nhấn mạnh, những số liệu trên chỉ đang nêu ra hiện trạng của ngành Xây dựng vào ngày hôm nay. Dự kiến, cùng với tình trạng gia tăng dân số và đô thị hóa mạnh mẽ, tình trạng sẽ còn trầm trọng hơn rất nhiều nếu không có những biện pháp kịp thời.
Từ đó, 3 xu hướng mới, bao gồm: Không khí thải các-bon (zero carbon), Kinh tế tuần hoàn và Giảm thiểu ảnh hưởng tới sức khỏe con người đang trở thành định hướng phát triển của ngành xây dựng trên toàn thế giới.
Xu hướng xanh đang trở thành định hướng cho phát triển ngành công nghiệp xây dựng. |
Lợi ích cộng hưởng
Bà Hằng nhận định, 3 mục tiêu kể trên thực chất không hề tách rời nhau, mà cần thiết phải được tiến hành song song, lồng ghép vào nhau để đạt được lợi ích cộng hưởng.
Nghiên cứu của Cơ quan Môi trường Châu Âu (EEA) chỉ ra có rất nhiều nhóm biện pháp khả thi và cần được tiến hành nhanh chóng. Tuy nhiên, các nhóm biện pháp này luôn tiếp cận vấn đề theo hướng từ vòng đời của sản phẩm và công trình xây dựng.
Cụ thể, EEA đưa ra mô hình vòng đời từ nôi đến mộ (from cradle to grave), theo dõi việc thi công công trình từ giai đoạn sơ khai là khai thác nguyên vật liệu cho tới khi tháo dỡ, hủy bỏ và xả thải.
Từ cách tiếp cận này, các sáng kiến được triển khai có thể kể đến như sử dụng nguyên liệu thứ cấp từ các ngành công nghiệp khác làm đầu vào cho sản xuất vật liệu xây dựng, thiết kế công trình dễ dàng tháo gỡ, tăng tính kiên cường và khả năng chuyển đổi mục đích của công trình và tái chế, tái sử dụng nguyên vật liệu sau khi tháo dỡ, phá hủy công trình.
Đặc biệt, EEA nhấn mạnh quan điểm coi công trình xây dựng bên ngoài việc phục vụ cho các mục tiêu sử dụng cơ bản của con người, còn là một ngân hàng dự trữ vật liệu. Tuy nhiên, phương án này đòi hỏi nỗ lực cải tiến vật liệu cũng như thiết kế công trình trong suốt một quá trình dài.
Đồng quan điểm với EEA, bà Hằng cũng đề xuất sáng kiến Hộ chiếu vật liệu, áp dụng công nghệ số để theo dõi vòng đời vật liệu từ bắt đầu khai thác để đảm bảo tính minh bạch, cũng là cơ sở đấu tranh chống lại các đơn vị xây dựng vô trách nhiệm, cố tình trục lợi bằng cách hủy hoại môi trường.
Đóng góp từ các bên liên quan
Thực tế đã chỉ ra rằng, tuy đem lại nhiều lợi ích thiết thực, nền kinh tế tuần hoàn không hề dễ dàng để áp dụng, đặc biệt là trong ngành Xây dựng, đòi hỏi nỗ lực hợp tác chặt chẽ từ các bên liên quan.
Tại các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu (EU), nhiều giải pháp đã được đưa ra như Chính sách tỷ lệ tái chế bắt buộc tại Ý hay Mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR) cho ngành vật liệu và xây dựng tại Pháp.
Theo EEA, các chủ trương này đã góp phần cải thiện phần nào hiện trạng kém bền vững trong ngành xây dựng, tuy nhiên vẫn còn cần thêm biện pháp mạnh tay hơn để thực sự đem lại hiệu quả.
Chúng ta cần những công trình tiện nghi, thoải mái để phục vụ cuộc sống nhưng cũng cần đảm bảo không ảnh hưởng đến lợi ích của thế hệ tương lai.
Bà Phan Thu Hằng, Chủ Tịch Hội đồng Công Trình Xanh Việt Nam.
Bên cạnh đó, đối với doanh nghiệp, triển khai các nhóm sáng kiến về kinh tế tuần hoàn có thể đem lại cơ hội kinh doanh tiềm năng, với các giải pháp sáng tạo như vật liệu nhẹ, vật liệu tái chế, ví dụ như phương pháp sản xuất thạch cao, xi măng bằng SO2 từ các mỏ khai thác than đá đang được áp dụng tại Việt Nam.
Các chuyên gia đến từ VGBC đề xuất, doanh nghiệp cần thay đổi chiến lược sản xuất kinh doanh theo hướng cung cấp dịch vụ thay vì cung cấp sản phẩm, như hãng đồ điện Philips mới đây đã đưa ra chính sách “bán 3000 giờ chiếu sáng”, theo đó đặt ra trách nhiệm thu gom lại bóng đèn đã qua sử dụng.
Bà Hằng cũng giới thiệu tiêu chuẩn LOTUS được VGBC áp dụng từ năm 2011, với các tiêu chí cộng điểm như sử dụng vật liệu địa phương, vật liệu tái chế, áp dụng phân tích vòng đời, thiết kế sáng tạo… cho các doanh nghiệp hoạt động trong chuỗi cung ứng ngành Xây dựng.
Dự kiến, các đề xuất của VGBC trong khuôn khổ Hội thảo Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn: Vì một thập niên tăng trưởng xanh và bền vững sẽ được VBCSD tổng hợp để xây dựng báo cáo kiến nghị trình chính phủ vào cuối năm nay.
Link gốc