Cùng lắng nghe chia sẻ của một số CBCNV EVN về chủ đề này:
- Anh Chu Văn Trị, công nhân Đội Truyền tải điện TP. Tuyên Quang, Truyền tải điện Tây Bắc, Công ty Truyền tải Điện 1
- Chị Dương Bích Nguyên, chuyên viên Văn phòng, Công ty Điện lực Bạc Liêu
- Anh Nguyễn Vũ Đường, Đội quản lý đường dây và TBA, Điện lực Đắk Mi, Công ty Điện lực Đắk Nông
- Chị Nguyễn Thái Thùy Linh, chuyên viên Phòng An toàn, Công ty Điện lực Bạc Liêu
Ảnh minh họa
|
PV: Anh/chị thường gặp phải những khó khăn gì khi trực tiếp trao đổi/đối thoại với cấp trên?
Anh Chu Văn Trị: Mặc dù nhiều năm làm việc cùng nhưng tôi chưa có được sự tự tin, thoải mái khi giao tiếp với sếp. Khách quan mà nói, sếp của tôi là người khá điềm tĩnh, không bao giờ quát mắng nhân viên, tuy nhiên, lúc “đối mặt” với sếp, mọi ý tưởng và những điều muốn nói đều bay sạch, chỉ biết ngồi nghe sếp nói (cười).
Chị Dương Bích Nguyên: Tính cách của tôi tuy không rụt rè nhưng lại là người thận trọng, thận trọng trước nhiều ý tưởng, đề xuất trong công việc. Trước những ý tưởng mới cần trao đổi với sếp tôi thường thiếu quyết đoán. Còn khi trao đổi những vấn đề đời sống, tâm tư, nguyện vọng trong công việc thì tôi thấy dễ trình bày hơn nhiều!
Anh Nguyễn Vũ Đường: Tôi hay ngại trò chuyện trực tiếp với sếp nên với mọi ý tưởng, ý kiến, tôi đều viết rành rọt gửi mail cho sếp khi cần. Nhưng những lúc cấp trên gọi vào văn phòng gặp riêng để trao đổi về ý tưởng, công việc, tôi có lúc chân tay run lẩy bẩy. Phải chăng nhân viên nào cũng có tâm lý sợ nói sai, sợ “mất điểm” trước cấp trên?
PV: Vậy đâu là phương thức được anh/chị lựa chọn khi trao đổi với sếp để tránh bối rối,“bất tiện”?
Anh Chu Văn Trị: Tôi thường lựa chọn trao đổi với sếp trong một cuộc họp nhóm nhỏ. Khi thuyết trình hay trình bày một vấn đề gì trước nhóm nhỏ, nhất là nhóm đồng nghiệp thân thiết, tôi thấy đỡ áp lực hơn, cách trình bày cũng mạnh dạn, tự tin hơn. Còn nếu họp một nhóm đông hay nhiều đội thì tâm lý lại bối rối hơn nhiều. Đặc biệt, khi có những công việc cần trực tiếp xin ý kiến của cấp trên, tôi thường chọn thời gian sau giờ làm việc hiện trường hơn là gò bó trong một căn phòng sẽ khiến không khí gượng gạo, căng thẳng hơn.
Chị Nguyễn Thái Thùy Linh: Khi cảm thấy khó khăn, không thể tập trung, thậm chí cảm thấy hoang mang, bối rối khi đối mặt với sếp, tôi thường tận dụng mạng xã hội, zalo, facebook, hangout... để nói chuyện về công việc. Tôi nghĩ đây là cách để tiết kiệm được thời gian làm việc cho sếp và đỡ ngại cho mình. Qua các trò chuyện online, sếp có thể nắm bắt được nhiều đầu mối công việc. Nhưng cách thức nay cũng có điểm hạn chế, nếu câu chuyện được truyền tải qua mạng không đủ, rõ ràng dễ khiến những hiểu lầm, sếp không hiểu, nhân viên sẽ dễ bị đánh giá thấp về năng lực.
Anh Nguyễn Vũ Đường: Tôi vẫn thường sử dụng email để trao đổi công việc với sếp. Khi viết ra tôi rà soát, cân nhắc được lời nói của mình. Điều này khiến tôi an tâm và bớt “tâm lý” hơn. Đặc biệt sếp tôi cũng là người rất thường xuyên kiểm tra, cập nhật email nên cũng không sợ lỡ những công việc quan trọng. Còn dĩ nhiên với những công việc gấp vẫn phải lựa chọn phương án báo cáo trực tiếp.