Bạn mong muốn sếp có phong cách lãnh đạo nào?

Phong cách của các nhà lãnh đạo/quản lý rất quan trọng, có ảnh hưởng lớn tới sự tồn tại của tổ chức, là kim chỉ nam để huy động sức mạnh tập thể tạo nên sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp. Hãy cùng tìm hiểu phong cách lãnh đạo/quản lý mà CBCNV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mong muốn từ sếp mình.

Anh Trần Văn Thắng, Kỹ thuật viên, Phòng Kỹ thuật, Công ty Truyền tải điện 1: 

Một nhà lãnh đạo biết thúc đẩy

Tôi muốn sếp mình có phong cách lãnh đạo có thể thúc đẩy công việc của nhân viên. Theo tôi một nhà quản lý giỏi sẽ biết quan sát, chủ động tìm hiểu thế mạnh của từng nhân viên để giao việc. Chỉ khi giao đúng công việc theo năng lực và niềm đam mê của họ mới có thể thúc đẩy và khích lệ họ nỗ lực hết mình hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Ngoài ra, người lãnh đạo cần có tầm nhìn chiến lược, kế hoạch phát triển đơn vị trong tương lai cũng như tạo ra các cơ hội phát triển năng lực cá nhân, cơ hội thăng tiến để nâng cao tinh thần làm việc cho các nhân viên.

Đặc biệt, lãnh đạo phải người đi đầu, biết truyền lửa cho các nhân viên về tinh thần, nhiệt huyết trong công việc. Khi sếp xông pha cùng nhân viên tháo gỡ khó khăn sẽ chính là tấm gương hiệu quả, nguồn cảm hứng tuyệt vời để các nhân viên làm việc hăng say, trách nhiệm. 

Chị Lê Thị Tường Vân - Kỹ thuật viên, Bộ phận vận hành Điện - Kiểm nhiệt, Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại: 

Sếp là người gần gũi, biết lắng nghe nhân viên

Là một nhân viên, tôi luôn muốn sếp mình là một người cởi mở, gần gũi và biết lắng nghe nhân viên. Thực tế cho thấy, nhiều nhà lãnh đạo khi ở vị trí càng cao càng khó có cơ hội nghe được những ý kiến phản hồi từ các nhân viên của mình, trong khi nhiệm vụ quan trọng nhất của nhà lãnh đạo là quản lý con người. Do vậy, khi lãnh đạo biết lắng nghe nhân viên sẽ thu thập được những thông tin đa chiều từ đó xây dựng kế hoạch quản lý tốt. 

Tôi nghĩ có nhiều cách để nhà lãnh đạo lắng nghe nhân viên của mình. Ngoài việc đối thoại trực tiếp, người lãnh đạo tinh tế sẽ hiểu qua cử chỉ, thái độ của nhân viên, thậm chí đọc qua trang cá nhân của họ để ước đoán vấn đề hoặc lắng nghe từ những kênh trung gian, thông qua bộ phận nhân sự. Trong nhiều trường hợp, người lãnh đạo cần lắng nghe thông tin đa chiều và xác thực để có chính sách quản lý đúng đắn. Đôi khi các lãnh đạo nên dành chút thời gian cùng ăn trưa với nhân viên vừa thể hiện sự quan tâm và tạo quan hệ thân thiện giữa sếp và nhân viên hơn. Sự lắng nghe và hành động thực tâm sẽ giúp xóa bỏ rào cản giữa cấp trên và cấp dưới, xây dựng mối quan hệ hài hòa. Và đây cũng là phong cách lãnh đạo giúp nhân viên yêu và gắn bó với công ty lâu dài. 

Anh Trương Bách Tùng, Đội Quản lý vận hành Đường dây và Trạm, Điện lực Cẩm Lệ, Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng: 

Có tính kỷ luật cao, nhưng phải linh hoạt trong từng hoàn cảnh

Ngành Điện là một ngành kỹ thuật đặc thù, việc tuân thủ các quy trình, quy định một cách nghiêm ngặt luôn là yêu cầu bắt buộc. Chính vì thế, chúng tôi không ngạc nhiên khi sếp mình có phong cách lãnh đạo thiên về tính kỷ luật cao. Tuy nhiên, phong cách lãnh đạo có tính kỷ luật cao không có nghĩa là độc đoán hay cứng nhắc, thiếu linh hoạt. Tôi luôn nghĩ, người lãnh đạo/quản lý là người đưa ra quyết định nhưng trước đó vẫn nên nghe bày tỏ suy nghĩ, quan điểm, góc nhìn từ các nhân viên của mình. Khi nhân viên được lắng sẽ cảm thấy được đóng góp cho sự phát triển chung của tập thể. Bên cạnh đó, người lãnh đạo cũng cần kèm cặp nhân viên một cách chi tiết, nghĩa là tham gia sâu vào quá trình xử lý công việc, hướng dẫn nhân viên để họ phát triển kỹ năng, năng lực, tích lũy kinh nghiệm. 

Theo tôi, mỗi phong cách lãnh đều có những ưu và nhược điểm riêng. Suy cho cùng, vì lợi ích của tập thể người lãnh đạo/quản lý thiên về tính kỷ luật cao nên áp dụng vào đúng lúc và hướng tới phương án phổ biến ngày nay đó là “phong cách lãnh đạo mềm”, tức là mềm dẻo linh hoạt trong từng hoàn cảnh. 


  • 11/11/2019 02:00
  • Nguồn: TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 5114