Căng thẳng công sở phần lớn đến từ đồng nghiệp xấu tính, bắt nạt

Nhân viên xấu tính, bắt nạt có thể tồn tại ở bất kỳ môi trường làm việc nào. Cố ngó lơ để được yên thân, hoặc tìm cách trả đũa họ chỉ khiến tình hình tồi tệ hơn.

Với nhiều người, áp lực chốn công sở không chỉ xuất phát từ khối lượng nhiệm vụ được giao hay vấn đề lương bổng. Yếu tố khiến họ căng thẳng hơn cả là những đồng nghiệp xấu tính, thích tranh công, bắt nạt hoặc quấy rối.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có khả năng hoặc biết cách ứng phó phù hợp. Nhiều trường hợp, đặc biệt là nhân sự trẻ tuổi, chỉ im lặng chịu đựng, tự cho rằng chuyện sẽ dần qua.

Theo tôi, phương án này sẽ gây bất lợi cho họ. Chịu đựng kéo dài thường dẫn đến stress, burnout (kiệt sức). Nhân sự cũng đánh mất phong thái tự tin, dần chán ghét môi trường làm việc, hay tệ hơn là dẫn đến nhiều hành động bộc phát đáng tiếc.

Dưới đây là một số lời khuyên, giải pháp dành cho bạn trẻ đang mệt mỏi với những người xấu tính tại chốn văn phòng.

Ở đâu cũng có nhân sự tồi tệ

Trước tiên, bạn cần hiểu rằng bất kỳ môi trường làm việc nào cũng tồn tại cá nhân có những ứng xử mang tính độc hại.

Tình trạng này khá phổ biến ở những doanh nghiệp thiếu bộ quy tắc ứng xử chuyên nghiệp, hoặc xây dựng rồi mà không thực hiện. Khi lãnh đạo công ty thiếu quan tâm đến đời sống tinh thần của người lao động, nhân sự xấu tính càng có cơ hội "lộng hành".

Sự độc hại cũng có tính lây lan cao. Nó được thể hiện rõ ràng nhất qua chuyện “ma cũ bắt nạt ma mới”. Không có ai lên tiếng hoặc xử lý, đa số nhân viên sẽ tin đây là điều hiển nhiên khi mới đi làm. Dần dần, các nạn nhân cũng trở thành đối tượng tiếp tay cho văn hóa ứng xử sai lệch, chẳng hạn tìm cách trả đũa hoặc gây khó dễ với thế hệ “đàn em”.

Bên cạnh đó, sự chật vật khi phải làm việc cùng đồng nghiệp độc hại có thể xuất phát từ chính bạn. Trong đa số hoàn cảnh, cá nhân thường có tâm thế kỳ vọng quá cao vào những điều tích cực.

Chẳng hạn, khi đi học, bạn mong được thầy cô quý mến, bạn bè hòa nhã. Nhưng nếu có nguyện vọng nhận được sự đối xử ân cần từ mọi người, bạn đang kỳ vọng quá đà.

Tương tự, lúc bắt đầu công việc mới, bạn tin rằng đồng nghiệp đều thân thiện, nhiệt tình hỗ trợ. Đó là lý do khiến cá nhân hụt hẫng nhiều hơn, khi nhận ra văn phòng không như hình dung. Bạn cũng dễ stress, chán ghét công việc, đổ lỗi cho bản thân hoặc oán thán những người xung quanh.

Theo quan sát của tôi, nhiều nhân sự trẻ ưu tiên phương án cố ngó lơ hoặc nhẫn nhịn để được yên thân. Họ tin rằng quá trình “chịu khổ” giúp duy trì công việc mơ ước, được thăng tiến và ổn định kinh tế.

Tuy nhiên, trốn tránh sự thật chỉ hiệu quả với những căng thẳng ngắn hạn, sự kiện tạm thời. Trong khi đó, biến cố lại luôn kéo đến bất chợt, hoặc nhiều thứ nghiêm trọng cùng xảy ra một lúc. Vì vậy, người mang phong cách né tránh sẽ rơi vào thế bị động, cũng như dễ dàng rơi vào trạng thái khủng hoảng tinh thần.

Đừng mãi chịu đựng

Dưới góc nhìn của một người đào tạo và thực hành tâm lý, tôi không đánh giá cao phương án chịu đựng. Tất nhiên, bạn vẫn có thể “dĩ hòa vi quý” trong một số trường hợp đơn giản.

Nhưng bạn cần hiểu rằng ai cũng cần dọn dẹp “rác cảm xúc”, mà ở đây là sự ấm ức, khổ sở khi bị đối xử bất công. Nhịn nhục chưa chắc giúp bạn đạt được kỳ vọng trong công việc. Thay vào đó, chúng dễ khiến người khác tự tin hơn với hành vi lấn lướt, xem thường.

Mặt khác, khi luôn phải đến văn phòng với tâm lý ức chế, nhân viên có nhiều khả năng gặp job burnout (kiệt sức vì công việc).

Đây là một loại stress đặc thù, liên quan đến công việc, thường thể hiện qua trạng thái kiệt quệ về thể chất và tinh thần. Mất định vị bản thân và giảm thành tựu công tác cũng là dấu hiệu thường thấy ở người kiệt sức vì việc làm.

Burnout sẽ gây ra vòng lặp luẩn quẩn: cá nhân mệt mỏi, không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bị khiển trách, chê bai, coi thường. Từ đó, họ lại tiếp tục quay cuồng với những cảm xúc, ý nghĩ tiêu cực, khiến sức khỏe tâm lý càng sa sút nghiêm trọng.

Nếu không tìm cách xử lý, để tình trạng stress nặng nề kéo dài, bạn hoàn toàn có khả năng bị tổn thương thực thể. Chẳng hạn như mắc các bệnh về tim mạch, đau nhức toàn thân, tiểu đường type 2.

Mất ngủ, lạm dụng chất kích thích hay trầm cảm là chuyện dễ dàng xảy ra. Đồng thời, khi đã rơi vào khủng hoảng tâm lý, rất khó để giữ cá nhân khỏi những hành động bộc phát hoặc mất an toàn trong đời sống.

Trong trường hợp muốn tìm hiểu thêm về tình trạng của bản thân, bạn có thể xem xét thêm một số biểu hiện sau:

- Trở nên khắt khe, hoài nghi, tiêu cực trong công việc

- Bắt ép bản thân vào việc, nhưng không bắt đầu được

- Dễ cáu gắt, mất kiên nhẫn với đồng nghiệp, khách hàng

- Thiếu năng lượng để liên tục làm việc hiệu quả trong thời gian cần thiết

- Khó tập trung

- Ăn, uống rượu, uống thuốc để cải thiện tình hình hoặc để khỏi phải nghĩ

- Thay đổi về giấc ngủ

- Đau đầu, đau bụng, mệt mỏi không rõ nguyên nhân

Lối ra

Chắc chắn, bạn không có cách nào để giải quyết triệt để vấn đề với đồng nghiệp xấu tính. Quan trọng hơn cả, nhân sự trẻ tuổi cần học cách “sống chung với lũ”, cũng như tìm ra hướng giải quyết cân bằng giữa lao động và sức khỏe tinh thần.

Hành động bình tĩnh, không quá kỳ vọng

Như đã nói, sự kỳ vọng quá mức là nguyên nhân đầu tiên khiến bạn khổ sở. Vì khó ép mọi người theo ý mình, ta chỉ nên mong đợi ở mức hợp lý. Nên hiểu rằng, khi trải qua khó khăn, bạn sẽ rắn rỏi hơn.

Bên cạnh đó, khi gặp tình huống bất lợi, bạn hãy hít thở sâu. Tốt nhất, cá nhân nên thường xuyên thực hành hít thở êm, nhẹ, sâu. Kỹ năng này sẽ giúp điều hòa cảm xúc, tránh xung đột không cần thiết.

Ngoài ra, bạn cần cân nhắc xem mình có đang hành động dưới tác động của định kiến cá nhân hay không. Chẳng hạn, bạn luôn cho rằng đồng nghiệp A chỉ xấu tính, soi mói riêng mình. Song thực tế, A hành xử tương tự với tất cả nhân viên. Nhờ cẩn thận suy xét, bạn sẽ giải quyết sự cố trơn tru hơn.

Thẳng thắn

Ngại lên tiếng, nhiều nhân sự “xả rác cảm xúc” bằng hành động đập phá đồ đạc hoặc gây gổ với người gần gũi với mình. Cơn ức chế được giải quyết ngay lập tức, song chắc chắn sẽ trở lại vì nó chưa được giải quyết từ gốc rễ. Đây cũng là hướng xử lý kém lành mạnh đối với sức khỏe tâm lý và mối quan hệ xã hội của bất kỳ ai.

Thay vào đó, bạn nên rèn luyện để giải quyết trực tiếp, hợp tình hợp lý với nguồn cơn gây ra sự bực tức.

Giả sử, một đồng nghiệp có lời nói khó nghe về hình thể của bạn. Không cần gay gắt, trả treo, bạn chỉ cần sử dụng thái độ nghiêm túc, tập trung nêu rõ quan điểm và mong muốn của mình. Thực tế, tình trạng bắt nạt, cư xử kém văn minh ở chốn văn phòng thường kéo dài bởi thái độ lảng tránh, ngại lên tiếng của nạn nhân.

Xây dựng “liên minh công sở”

Sẽ khá khó khăn nếu bạn muốn tự xử lý nhân viên xấu tính. Lúc này, sự hỗ trợ từ đồng nghiệp thân thiết, đáng tin cậy sẽ giúp ích. Đa phần cá nhân độc hại, dù là quản lý hay cấp dưới, sẽ e dè, kiềm chế hơn trước số đông nhân viên. Bản thân tôi cũng nhiều lần “giải vây” cho đàn em trong trường hợp bị bắt nạt, hoặc phải gánh nhiều deadline gấp vô lý.

Đồng nghiệp ngang tuổi, hoặc hơn tuổi một chút là lựa chọn phù hợp để xây dựng “liên minh”, hướng đến môi trường công sở lành mạnh. Tuy nhiên, bạn cũng cần thận trọng khi chia sẻ thông tin, nhờ cậy đồng nghiệp nhằm hạn chế rơi vào tình thế bất lợi hơn nữa.

Chăm sóc sức khỏe tinh thần

Bất kỳ ai cũng cần quan tâm đến sức khỏe tâm lý của bản thân. Bạn có thể bắt đầu bằng những hành động nhỏ hàng ngày, ví dụ dành ra 5 phút hít thở sâu, ngắm hoàng hôn, chăm sóc cây, hoặc giữ một cốc cà phê ấm, thơm trong tay.

Ngoài ra, chúng ta cần chủ động kiểm tra mức độ căng thẳng của bản thân bằng các công cụ sàng lọc tâm lý. Nếu chạm mức stress cao, tiêu cực, hoặc nhận thấy bản thân bị “đơ”, mất sức lao động, là lúc bạn cân nhắc về liệu có nên tiếp tục công việc như vậy hay không.

Trong trường hợp buộc trụ lại (vì áp lực tài chính), hãy tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên nghiệp từ chuyên gia tâm lý. Họ sẽ cùng bạn làm rõ vấn đề, cũng như hỗ trợ trị liệu nhằm tìm hướng giải quyết phù hợp nhất.

Link gốc


  • 03/01/2023 09:59
  • Nguồn: zingnews.vn
  • 4752