Cạnh tranh có giúp chúng ta tiến bộ từng ngày?

Việc tạo ra môi trường cạnh tranh giữa mọi người trong tổ chức có thể tiếp thêm động lực để họ tự hoàn thiện mình, luôn cố gắng nâng cao năng lực bản thân. Tuy nhiên, việc duy trì phương pháp này không đúng cách cũng có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực. Cùng lắng nghe chia sẻ của một số CBCNV EVN xung quanh vấn đề này!

Anh Lê Quang Hòa, cán bộ đoàn chuyên trách, Văn phòng Đoàn Thanh niên Tổng công ty Điện lực TP.Hà Nội: Cạnh tranh thúc đẩy sự sáng tạo nhưng cần được vận dụng đúng cách 

Môi trường làm việc cạnh tranh sẽ thúc đẩy sự sáng tạo và hiệu quả làm việc, từ đó chất lượng công việc tốt hơn. Để thành công, chúng tôi phải liên tục vận động, sáng tạo khi đề xuất các giải pháp để giải quyết vướng mắc, triển khai công việc đạt hiệu quả cao nhất. Kết quả là xây dựng được hệ thống và quy trình làm việc tốt hơn trước đây, đồng thời góp phần rèn luyện và nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho bản thân và mọi người trong nhóm sẽ không mất thời gian nghiên cứu, tìm hiểu mà cùng nhau hướng đến mục tiêu chung đã đặt ra. Với tôi, cạnh tranh nơi công sở bao gồm cả mặt lợi và hại, do đó, cần sự khéo vận dụng mới mang lại kết quả tốt. Vì vậy cấp trên cũng cần cân nhắc khi sử dụng cạnh tranh làm giải pháp thúc đẩy hiệu quả làm việc của nhân viên, không để cạnh tranh tạo ra sự ganh đua mang tính chất tiêu cực.

 

Chị Phan Thị Kim Tuyến, Điện thoại viên Trung tâm Chăm sóc khách hàng, Tổng công ty Điện lực miền Nam:  Hãy cạnh tranh với chính bản thân 

Đối thủ cạnh tranh lớn nhất theo tôi, chính là… bản thân mình. Đây cũng là đối thủ cạnh tranh mang  lại cho tôi động lực phát triển bản thân tốt nhất. Để tập thể ghi nhận sự cống hiến của mình trong tổ chức, điều tốt nhất đó là, hãy cạnh tranh lành mạnh với chính mình ngày hôm qua. Điều đó bao gồm: Nỗ lực hoàn thành công việc được giao, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, khắc phục khuyết điểm trong mối quan hệ với đồng nghiệp.

Ngoài ra, đừng ngại làm nhiều hơn những gì mà bạn được trả công. Nhiều người thường có tâm lý làm đủ trách nhiệm, chưa hết lòng hết sức cho những gì mình đang theo đuổi. Hãy luôn "sạc pin" năng lượng cho bản thân bằng những suy nghĩ tích cực, điều đó sẽ tạo cho bạn một tư thế cạnh tranh vượt trội, so với những người khác. Hãy tượng tượng, chắc chắn là bạn cũng sẽ không mong muốn làm việc trong một môi trường, tất cả mọi người chỉ chăm chăm vào việc ganh tị, đấu đá nhau.

 

Anh Nguyễn Văn Duẩn, Công nhân quản lý vận hành lưới điện, Điện lực Ea Súp, Công ty Điện lực Đắk Lắk: Đừng để cạnh tranh biến thành cuộc chiến

Tôi nghĩ cạnh tranh trong công việc nếu là cạnh tranh lành mạnh thì thực sự sẽ là “liều thuốc” thúc đẩy sự phát triển của tất cả mọi người trong đơn vị. Chẳng hạn những cuộc thi thợ giỏi, an toàn vệ sinh viên giỏi, những phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, phong trào phấn đấu hoàn thành vượt mức nhiệm vụ được giao hay các phong trào thi đua hưởng ứng những ngày lễ lớn của đất nước và của ngành Điện… Đây hoàn toàn là những nền tảng cho sự cạnh tranh lành mạnh phát triển, đồng thời tạo ra khí thế lao động sản xuất trên nhiều mặt trận, khối ngành nghề. Thậm chí, nhiều tấm gương thợ giỏi đã được phát hiện, tìm kiếm từ những “sân chơi” nâng cao nghề nghiệp như vậy. 

Do đó, cạnh tranh là điều cần thiết cho sự phát triển. Tuy nhiên, đừng biến cạnh tranh trở thành một cuộc chiến nội bộ giữa các nhân viên. Việc cạnh tranh nơi công sở có thúc đẩy thực sự trong công việc hay không, tôi nghĩ phụ thuộc rất nhiều vào người lãnh đạo, người quản lý. Nếu lãnh đạo đưa ra những tiêu chí đánh giá rõ ràng, công khai và minh bạch thì việc cạnh tranh sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ để CBCNV không ngừng cố gắng, hoàn thiện bản thân. 


  • 10/09/2020 03:03
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 1132