Được thành lập bởi anh em Walt và Roy O. Disney, Tập đoàn Walt Disney từ một xưởng ảnh động nhỏ đã trở thành một studio lớn nhất Hollywood và có trụ sở chính tên là Walt Disney Studios (Burbank) ở California, Hoa Kỳ. Walt Disney hoạt động trên nhiều lĩnh vực, trong đó tự hào nhất phải kể đến các công viên giải trí trên thế giới, các bộ phim hoạt hình và phim dành cho trẻ em luôn nằm trong top được yêu thích nhất.
Để duy trì thành công cho tới nay, dù gặp phải rất nhiều đối thủ cạnh tranh nhưng Walt Disney vẫn tỏ ra là một thế lực chưa bao giờ bị ảnh hưởng. Tất cả đều nhờ vào những triết lý kinh doanh hay chiến lược marketing của nhà sáng lập từ những ngày đầu hình thành nên thương hiệu – những chiến lược chưa bao giờ lỗi thời.
Nhân kỷ niệm 92 năm thành lập của Walt Disney (1923 - 2015), hãy cùng tìm hiểu về những thành tựu mà thương hiệu này đạt được nhờ các triết lý xuyên suốt của mình.
Gia đình các nhân vật của Disney (nguồn ảnh: internet)
|
Chú trọng định vị và đầu tư thương hiệu
Nhà sáng lập Walt Disney đã từng nói rằng: "Tôi không vẽ phim hoạt hình cho trẻ thơ, tôi vẽ phim hoạt hình cho đứa trẻ trong mỗi chúng ta. Tôi gọi đứa trẻ đó là sự ngây thơ. Trong cuộc sống, nếu vì bất cứ lý do nào mà để mất đi sự ngây thơ đó thì thật là đáng tiếc".
Có thể thấy Walt Disney không tuân theo những lý thuyết thông thường về xác định khách hàng mục tiêu như hành vi, độ tuổi, mà tập trung vào nhu cầu. Những sản phẩm mà Walt Disney tạo ra không phải để dành cho trẻ em mà dành cho những người có nhu cầu được trở về tuổi thơ.
Với việc xác định nhu cầu mục tiêu như vậy, thị trường của Walt Disney hướng tới tất cả mọi người không giới hạn lứa tuổi hay quốc gia nào. Sự thật là xung quanh chúng ta có rất nhiều người dù lớn tuổi vẫn "ôm tivi" xem vịt Donald hay chuột Mickey và cười vui vẻ.
Từ chiến lược khách hàng đó, Walt Disney định vị thương hiệu của mình là một tập đoàn kinh doanh giải trí dành cho mọi lứa tuổi, nhắc đến họ là nhắc đến những gì thuộc về tuổi thơ, cổ tích kỳ diệu.
Tất cả những hình ảnh, thông điệp nằm trong bộ nhận diện thương hiệu của Disney đều có một sự thống nhất và có khả năng in sâu vào tâm trí mọi người chứ không chỉ riêng khách hàng của họ. Ngoài ra, Walt Disney cũng tự định vị bản thân công ty như một lực lượng sáng tạo làm nên thế giới tưởng tượng của trẻ em hay những tâm hồn trẻ thơ khác trên toàn cầu.
Đối với Walt Disney, có thể nói thương hiệu chính là tài sản quý giá nhất và để duy trì danh tiếng, hãng giải trí này chú trọng đầu tư vào chất lượng sản phẩm chiến lược, đồng thời đặt ra những tiêu chuẩn khắt khe để đảm bảo chúng có thể nâng cao hoặc chí ít, phù hợp với giá trị thương hiệu.
Chính những tiêu chí nghiêm ngặt mà Walt Disney đặt ra cho những tác phẩm của mình đã khiến Hãng có những tuyệt tác nổi tiếng. Một số tác phẩm như Lion King, Toy Story, Snow White, Mulan, The tangled hay mới đây là Frozen, Maleficient đều để lại dấu ấn trong lòng người xem và vượt mặt các đối thủ khác.
Chất lượng đã tạo nên thương hiệu Walt Disney và hiện nay Tập đoàn này đang sở hữu 1 giá trị rất lớn, đem lại tới 50% doanh thu hàng năm, đó là bản quyền phim ảnh và các nhân vật.
Chiến lược kinh doanh theo “chuỗi giá trị”
Walt Disney hiện đang sở hữu hơn 100 nhân vật, trong đó có rất nhiều nhân vật "tầm cỡ" như chuột Mickey hay vịt Donald. Không chỉ bán bản quyền những tác phẩm của mình, Walt Disney còn mở rộng kinh doanh bằng việc nhượng quyền thương hiệu.
Có thể nói chuột Mickey là thương hiệu tiên phong trong việc nhượng quyền thương hiệu. Hình ảnh chuột Mickey xuất hiện khắp nơi từ bánh, kem, cặp sách, mũ… Sau khi ra đời được 2 năm, kem Mickey đã bán được 1 triệu cây tại Mỹ và Walt Disney thu được 0,5 USD lợi nhuận trên mỗi cây kem.
Để mở đường cho những nhân vật của mình tiến vào thế giới thật, Walt Disney đã đầu tư xây dựng Disney Land (sau này đổi tên thành Disney World) - công viên giải trí đầu tiên tại Mỹ và trên thế giới.
Có thể ví Disney Land như một siêu thị lớn gồm tất cả các sản phẩm mang thương hiệu của Walt Disney và một loạt những dịch vụ đi kèm. Với mục tiêu mang đến một mảnh đất thần tiên, Disney đã thu hút khách du lịch từ mọi nơi trên thế giới, giúp việc kinh doanh ngày càng phát triển.
Không chỉ xây dựng Disney Land, Walt Disney còn mở rộng chuỗi giá trị của mình bằng việc thành lập kênh truyền hình “Disney Channel” chỉ chiếu các tác phẩm của Walt Disney. Không lâu sau khi thành lập, Disney Channel đã trở thành một trong những kênh truyền hình được trẻ em yêu thích nhất.
Mới đây, với việc mua lại thương hiệu nhân vật Doraemon, Disney có tham vọng thâu tóm những biểu tượng nổi tiếng và có sức ảnh hưởng rộng rãi. Điều này có thể coi như một bước đi trong chiến lược kinh doanh đang ổn định và đem lại nhiều lợi nhuận của Disney.
Thấu hiểu khách hàng bằng trái tim
Tuy là một công ty giải trí lớn trên thế giới, Walt Disney lại nổi tiếng với việc chiều lòng người hâm mộ, đặc biệt là các "fan" nhí. Bất cứ một chiến dịch quảng bá mới nào của Hãng cũng được xem xét dựa trên những ý kiến phản hồi của người hâm mộ được khảo sát cẩn thận bởi đội ngũ phát triển.
Xét riêng tại châu Âu, Walt Disney sở hữu hơn 30 nhà nghiên cứu chỉ chuyên trò chuyện với hơn 70.000 người lớn và trẻ em tại khu vực này. Họ cho rằng đó là cách tốt nhất để có thể thấu hiểu được thói quen, hành vi hay tâm lý khách hàng.
Cũng giống như các thương hiệu sau này như Apple, Netflix, Airbnb,…Walt Disney hiểu rõ những trải nghiệm của khách hàng là quan trọng nhất, chứ không phải là các thông điệp vốn chỉ thể hiện quan điểm chủ quan của Hãng.
Giám đốc marketing của Walt Disney - bà Anna Hill cho biết: “Tất nhiên chúng tôi luôn có những cơ sở dữ liệu được thu thập và phân tích một cách kỹ càng, nhưng như các bạn đã biết, Disney là một thương hiệu dành cho những tâm hồn trẻ thơ, vì vậy luôn phải có một sự cân bằng giữa những số liệu khoa học và những cảm xúc hay bản năng. Cá nhân tôi tin rằng, những số liệu đó chỉ phát huy tác dụng khi bạn thấu hiểu khách hàng bằng trái tim, biết được những suy nghĩ, ước muốn hay xu hướng tiêu dùng của họ. Có như vậy, thương hiệu Disney mới có thể tồn tại".