Chuyện về những người lái xe cẩu Công ty Điện lực Quảng Nam

Trong những năm qua, tại Công ty Điện lực Quảng Nam, mặc dù khối lượng công việc xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp lưới điện và nhất là  xử lý sự cố và phát quang hành lang an toàn lưới điện tăng lên rất nhiều, song anh em lái xe đã nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

 

Một lái xe cẩu tải trên đường công tác

Các phương tiện vận tải, phương tiện phục vụ thi công ở Công ty Điện lực Quảng Nam (PC Quảng Nam) được biên chế thành 2 bộ phận. Một tổ trực thuộc Văn phòng Công ty, có trách nhiệm đảm bảo phương tiện xe ô tô cho hoạt động quản lý, điều hành và đưa đón CBCNV ở các phòng ban đi công tác trong và ngoài tỉnh, hoặc đi cơ sở, kiểm tra hiện trường. Một bộ phận khác trực thuộc Phòng vật tư, thực hiện chức năng vận chuyển, phục vụ thi công các công trình lưới điện, gồm 1 xe cẩu lớn (14 tấn), 3 xe cẩu tải (3 - 4 tấn) và 3 xe nâng.

Bộ phận xe máy Phòng vật tư là bộ phận gánh vác phần việc nặng trong sản xuất, thi công xây dựng các công trình điện của Công ty, chịu sự điều hành trực tiếp của lãnh đạo phòng. Tuy không thành lập tổ, nhưng bộ phận xe máy phục vụ thi công của Phòng vật tư hoạt động theo kế hoạch điều phối chặt chẽ. Ngoài việc quản lý chung của phòng, anh em lái xe còn tự đứng ra quản lý và sử dụng có hiệu quả các loại phương tiện; thường xuyên tự học để nâng cao kiến thức và tay nghề, đảm bảo an toàn, đúng giờ giấc; bảo quản, kiểm tra, theo dõi về kỹ thuật xe thường xuyên và định kỳ theo đúng quy định.

Dựa vào kế hoạch đăng ký công tác của các đơn vị, phòng bố trí loại xe, tài xế và kết hợp công tác để tiết kiệm. Bài toán trong điều phối xe, tận dụng xe 2 chiều luôn được ứng dụng tốt để nâng cao hiệu quả sử dụng xe máy, hết sức tránh xe chạy không tải. Đặc biệt, trong mùa mưa bão, cánh lái xe cẩu tải nặng việc nhất. Hầu hết các lái xe đều phải túc trực mỗi khi có bão, lụt để sẵn sàng nhận nhiệm vụ là lên đường hỗ trợ các đơn vị trong phòng, chống bão lụt. Không những thế, các lái xe cẩu tải còn tham gia đội xung kích phòng chống lụt bão, sẵn sàng nhận nhiệm vụ và xông xáo trên các nẻo đường giúp các đơn vị bạn như giúp Công ty Điện lực Phú Yên khắc phục cơn bão tháng 11/2009, Công ty Điện lực Quảng Bình trong cơn bão tháng 10/2013.

Ông Võ Văn Cường, Trưởng phòng Vật tư, người trực tiếp lãnh đạo, điều hành bộ phận lái xe cẩu tải chia sẻ: "Công ty có 7 phương tiện cẩu, tải, nâng nhưng chỉ có 5 lái xe. Bởi vậy, phòng phải linh động giao nhiệm vụ để người có sức khỏe, không vướng bận việc gia đình đảm nhận vận hành 2 xe. Mặt khác, phân công hợp lý để anh em lái xe chia ca cầm lái trong những ngày thứ bảy, chủ nhật để giải quyết kịp thời công việc ở cơ sở, nhất là xử lý kịp thời khi có sự cố lưới điện xảy ra vào những ngày nghỉ cuối tuần".

Theo ông Cường, nghề lái xe buộc người cầm lái phải luôn tỉnh táo, tác phong nhanh nhẹn để xử lý những tình huống lưu thông trên đường. Hầu hết anh em lái xe đều phải tự đào tạo và luôn có ý thức rèn luyện đạo đức nghề nghiệp. Như thế mới chủ động giải quyết công việc được giao, bảo vệ được bản thân và người đi đường khi xe lăn bánh.

Hệ thống lưới điện Quảng Nam trải rộng đến các thôn, bản của đồng bào vùng sâu vùng xa, vùng núi cao biên giới, với hàng chục nghìn km đường dây trung, hạ áp, trên 2.630 trạm biến áp phụ tải thường xuyên phải được duy tu, bảo dưỡng, nhất là trong mùa mưa bão. Các công nhân lái xe cẩu, tải phải túc trực hằng ngày để vận chuyển mỗi năm khoảng 1000 tấn, gồm xà sứ, dây điện, trụ điện, công tơ, máy biến áp các loại, các loại phụ kiện khác đến chân công trình, và còn phải vận chuyển vật tư, thiết bị thu hồi từ các công trình về nhập kho. Các lái xe thường độc lập “tác chiến” và tác nghiệp một mình ở cơ sở, vì thế việc tuyên truyền, giáo dục tinh thần thái độ phục vụ của lái xe được lãnh đạo Công ty và phòng rất coi trọng. Hàng tháng, hàng quý, qua phản ánh của CBCNV, nhất là của lãnh đạo đơn vị cơ sở, Phòng Vật tư kịp thời động viên những người làm tốt nhiệm vụ, đồng thời uốn nắn và nhắc nhở những cá nhân thực hiện chưa tốt để không ảnh hưởng đến tiến độ công việc chung.

An toàn và bảo quản xe là khâu quan trọng nhất trong quản lý chất lượng xe, chất lượng công việc của lái xe. Trước khi xe chuyển bánh, công tác kiểm tra xe được lái xe thực hiện đầy đủ, được lãnh đạo phòng kiểm tra thường xuyên và đột xuất. Định kỳ các loại xe máy cũng được kiểm tra theo quy định của cảnh sát giao thông và cơ quan quản lý chuyên ngành. Hằng năm, phòng lập kế hoạch sửa chữa, tu bổ xe theo thứ tự ưu tiên, các hư hỏng nhỏ được phát hiện và sửa chữa kịp thời thông qua việc kiểm tra xe. Dù không được tổ chức huấn luyện tập trung, nhưng định kỳ các lái xe đều được công ty, phòng tạo điều kiện học tập nâng cao tay nghề.

Do thực hiện tốt công tác kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên phương tiện và bồi huấn về an toàn nên trong những năm qua, các lái xe đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch toàn công ty. Hàng chục nghìn tấn hàng đã được vận chuyển nhưng chưa lần nào có biểu hiện thất thoát; xe máy được bảo dưỡng tốt nên rất ít hỏng hóc dọc đường; hàng ngàn chuyến xe đi về an toàn. Anh em lái xe thường nhắc nhở nhau: Với nghề lái xe, yêu nghề thôi chưa đủ mà còn phải trau dồi kỹ năng, nắm chắc luật giao thông, chấp hành tốt nội quy cơ quan, và nhất là nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Ông Trần Văn Hoàng, Chủ tịch công đoàn bộ phận Phòng Vật tư cho biết, ngoài công tác chuyên môn, các lái xe còn tham gia tích cực vào phong trào thi đua của Công ty và của phòng. Dù hết sức bận rộn với công việc, dù phải thường xuyên cho xe lăn bánh trên đường và bám trụ ở cơ sở, song các anh vẫn tham gia đầy đủ công tác đền ơn đáp nghĩa, tham gia tốt các cuộc thi tìm hiểu “Luật Phòng chống bạo lực gia đình”, “Luật Biên giới Quốc gia”, “60 năm – âm vang Điện Biên”. “Thường ngày, các anh đến kho rất sớm để bốc hàng lên xe và có khi 7 - 8 giờ tối mới về tới nhà. Ngày công làm thêm giờ của các anh thường đạt và vượt đến 3 - 5 công/tháng. Các đơn vị cơ sở đều hài lòng về tinh thần phục vụ của các anh” - ông Hoàng nói.

Anh Nguyễn Hữu Trung, lái xe được giao vận hành một xe cẩu lớn và một xe nâng, tâm sự: “Anh em lái xe chúng tôi luôn được lãnh đạo Công ty và phòng nhắc nhở về nghiệp vụ. Mặt khác, anh em vẫn thường xuyên tự trao đổi để nắm chắc nghề nghiệp, nâng cao tay nghề và nhất là hết sức cẩn trọng khi cầm lái. Riêng bản thân tôi, tôi luôn nghĩ rằng phía trước mình là công việc khẩn trương, nhưng an toàn là trên hết. Vì vậy, tôi luôn bố trí thời gian hợp lý để sắp xếp công việc và lái xe an toàn, kịp tiến độ phục vụ công tác của các đơn vị cơ sở”.


  • 26/03/2014 10:32
  • Bùi Văn Công
  • 2559


Gửi nhận xét