"Mình thích thì mình làm thôi"
"Sao phải quan tâm người khác nghĩ thế nào? Mình thích thì mình làm thôi" là câu trả lời của nhiều người trẻ khi được chúng tôi hỏi.
Dù chưa sở hữu bất kỳ hình xăm nào trên cơ thể, Phạm Thị Vân Uyên (24 tuổi, TP.HCM), đang làm việc tại một công ty truyền thông, chia sẻ: "Người ta kỳ thị kệ người ta. Mình không quan tâm. Mình thích thì mình làm thôi. Đã xăm sao phải giấu. Sống vậy mệt lắm".
Cũng giống như Uyên, tuy chưa một lần xăm hình, nhưng Ái Kỳ (25 tuổi, TP.HCM) vẫn khá cởi mở khi chia sẻ về việc để lộ hình xăm nơi làm việc: "Việc xăm mình là sở thích cá nhân của mỗi người và không ai có thể phán xét. Theo mình việc lộ hình xăm khi đi làm không vấn đề, vì hình xăm không ảnh hưởng đến năng lực và kết quả của công việc của một người".
Ái Kỳ cho biết thêm, đứng trên góc độ khách quan để nói về những lợi hại của việc xăm mình thì vẫn cần cân nhắc môi trường mình sống và làm việc. Đặc biệt ở Việt Nam, khi môi trường chưa cởi mở với việc xăm nghệ thuật, thì việc sở hữu một hình xăm đồng nghĩa với việc sẽ đánh mất những cơ hội trong cuộc sống và công việc.
Không chỉ các bạn trẻ, nhiều nhân viên văn phòng ở độ tuổi U30 cho rằng việc để lộ hình xăm nơi làm việc là bình thường và không có gì phải ngại.
Anh Hà Sơn Năm (32 tuổi, chuyên viên thiết kế, TP.HCM) cho rằng nếu thực sự yêu thích thì việc có hình xăm và lộ hình xăm ở nơi làm việc chẳng có gì đáng ngại hay lên án. Tuy nhiên, hình xăm phải thật sự có ý nghĩa nhất định, có thẩm mỹ về nội dung lẫn hình thức. Nếu đua đòi xăm mình theo phong trào thì nên bỏ ý định ngay từ đầu.
"Dưới góc độ của nhà tuyển dụng tôi thấy việc để lộ hình xăm nơi công sở là bình thường. Ngoại trừ những ngành liên quan đến dịch vụ khách hàng sẽ ít nhiều gây phản cảm. Điều này còn phụ thuộc đến vị trí và môi trường làm việc, quan điểm của mỗi người. Nội dung và cả vị trí của hình xăm trên cơ thể. Tôi không kỳ thị tuy nhiên cũng không khuyến khích việc để lộ hình xăm nơi công sở. Việc xăm cũng không thành vấn đề, nhưng nếu che được, kín đáo vẫn tốt hơn", anh Trần Vũ Thanh, 33 tuổi, Trưởng phòng nhân sự của một công ty ở TP.HCM, chia sẻ.
Trả lời câu hỏi về việc thấy gì từ những hình xăm, Đỗ Nụ (chuyên viên tuyển dụng, TP.HCM) nói: "Tất cả mọi thứ đều bắt đầu từ tư tưởng, quan điểm. Từ đó dẫn tới suy nghĩ , hành động và thái độ xử sự. Màu tóc, cách ăn mặc hay hình xăm, giới tính có thể chẳng quan trọng. Đi làm quan trọng nhất là thái độ, năng lực và hiệu quả công việc. Việc để lộ hình xăm nơi làm việc là bình thường. Đó là cá tính và sở thích của họ. Bản thân tôi không xăm, nhưng tôi vẫn thích nhìn các bạn trẻ có những hình xăm bé bé và xinh xinh".
Chuẩn mực nào cho hình xăm?
Trái với sự cởi mở trong các doanh nghiệp tư nhân, hay tại các công ty, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực truyền thông quảng cáo. Tại một số cơ quan thuộc ngành dịch vụ, tài chính, yêu cầu không được để lộ hình xăm khi đi làm được ban hành và nằm trong nội quy cơ quan.
Anh Trung Huỳnh, 28 tuổi, chuyên viên tín dụng, Bình Phước cho biết: "Theo nội quy cơ quan mình, mọi hình xăm phải được che kín, không để lộ khi đi làm trừ hình xăm chân mày. Quy định này bắt buộc mọi nhân viên đều phải tuân thủ".
Cũng theo Trung Huỳnh: "Theo mình quy định này là hợp lý, mình thường xuyên làm việc và tiếp xúc với khách hàng nên việc để lộ hình xăm rất nhạy cảm. Tâm lý khách hàng không phải ai cũng hiểu và thông cảm".
Nhiều người băn khoăn, cùng là xăm nhưng vì sao xăm chân mày, môi, mí mắt... lại được liệt vào danh sách những hình xăm chính đáng và được chấp nhận? Trong khi dù chỉ là một hình xăm bé xíu chưa tới 1 cm trên cổ tay, gáy hay phía sau tai... cũng đủ khiến người trẻ đi làm bị đồng nghiệp soi mói và mất điểm. Chuẩn mực nào cho những hình xăm?