Có nên tranh luận với sếp?
Ảnh minh họa.
|
Đề cập đến vấn đề này, tôi nhớ lại cuốn Đắc nhân tâm của Dale Carnegie xuất bản năm 1936 ở Mỹ. Cuốn sách hướng dẫn chúng ta thực hiện các nguyên tắc, kỹ năng làm sao chiếm được lòng tin của người khác. Phần thứ ba của cuốn sách có mục Không tranh cãi. Đó là nguyên tắc thứ 10 trong Thuật đắc nhân tâm của Dale Carnegie. Tác giả cho rằng, một bài học hết sức có giá trị đã rút ra trong cuộc đời mình và sau khi xem xét hàng nghìn cuộc tranh luận khác là “đừng cố tranh cãi ai, chỉ để giành phần thắng’; ‘trên đời này chỉ có một cách giải quyết tranh cãi tốt nhất, đó là tránh để xảy ra các tranh cãi đôi co”.
Tại sao cần ứng xử như vậy? Theo tác giả, thật ra, kết quả cuối cùng của bất kỳ cuộc tranh cãi nào cũng là không có ai thắng cả. Nếu bạn thua hay thắng thì bạn vẫn cứ thua. Ngay cả trường hợp bạn thắng đối phương, bạn chứng tỏ rằng kiến thức của họ kém, lập luận của họ còn nhiều lỗ hổng và đầu óc của họ có vấn đề… nghĩa là bạn đã làm cho lòng tin của người đó bị tổn thương. Anh ta sẽ bi quan hoặc tức tối vì sự đắc thắng của bạn… Còn bạn, đắc chí với ‘thắng lợi’ của mình, mà quên rằng, con người buộc phải chống lại ý muốn của mình, họ sẽ cố bám lấy ý kiến, quan điểm bằng mọi giá. Như vậy, tranh cãi không làm cho đối phương thay đổi quan điểm, thái độ đối với vấn đề tranh cãi, mà còn làm cho họ có ác cảm, thù ghét bạn. Cuối cùng, bạn vẫn thua.
Theo nghiên cứu và trải nghiệm của tôi, quan điểm của tác giả “Đắc nhân tâm,” tránh và không tranh cãi đúng với nhiều trường hợp, nhất là các cuộc tranh cãi về đánh giá đúng sai về kiến thức hay các hiện tượng xã hội, về một nhân vật hay giữa người làm dịch vụ với khách hàng của họ…Tuy nhiên, quan điểm này không thể đúng với mọi trường hợp trong cuộc sống và công việc của chúng ta.
Tranh luận như thế nào?
Bạn không muốn bàn cãi hay tranh luận với cấp trên, nhưng có những công việc, vấn đề bạn phải đưa ra quan điểm của mình.
Nếu vì sự phát triển chung, việc tranh luận, giải quyết sự bất đồng với cấp trên sẽ là trách nhiệm và nghĩa vụ của bạn đối với tổ chức và xã hội. Chúng ta chưa xây dựng được quy tắc ứng xử chung, nên tôi chỉ có thể nêu ra ý kiến riêng của mình để bạn tham khảo và lựa chọn cách ứng xử phù hợp với bối cảnh cụ thể:
Một là, tranh luận phải đúng người, đúng nơi, đúng lúc.
Đúng người là bạn cần chọn người cấp trên (sếp) có tinh thần cầu thị, biết lắng nghe ý kiến cấp dưới, ngay cả khi bạn nói trái ý. Nếu cấp trên không sẵn sàng nghe bạn nói, bạn hãy nhớ lời khuyên trong Đắc nhân tâm: Tốt nhất là không tranh cãi. Chỉ các sếp giỏi mới sử dụng được những nhân viên có quan điểm độc lập, có khả năng phản biện. Đúng nơi, là cuộc tranh luận với cấp trên cần diễn ra đúng chỗ, được sự chào mời của cấp trên như trong các cuộc họp thảo luận, đóng góp ý kiến xây dựng kế hoạch, đề án … Đúng lúc là tranh luận trong thời gian phù hợp, cần biết điểm dừng.
Hai là, cần có thái độ tôn trọng, giữ đúng mục tiêu trọng tâm và cẩn trọng trong tranh luận với cấp trên. Chưa kể đến nội dung, giá trị của ý kiến, có khi chỉ là thái độ của bạn đã làm cho cuộc tranh luận thất bại ngay từ đầu. Muốn tranh luận có hiệu quả, cần phải chú ý đến mục đích, yêu cầu của cuộc tranh luận. Sự trung thực, thẳng thắn là cần thiết, song bạn cần tránh chỉ trích cá nhân, phê bình khuyết điểm của cấp trên, của tổ chức về những vấn đề không liên quan hoặc ít liên quan tới chủ đề cần tranh luận. Vì vậy, thái độ thận trọng, chọn lọc, cụ thể trong cách trình bày của bạn sẽ giúp cho cuộc tranh luận đạt được mục tiêu và mang lại hiệu quả.
Ba là, cần tăng sức thuyết phục cho ý kiến của bạn bằng việc sử dụng sức mạnh kiến thức từ thực tiễn, khoa học và công nghệ tiên tiến. Sử dụng các hình thức trình bày một cách khoa học sẽ làm cho ý kiến của bạn có chất lượng và tăng tính thuyết phục. Cuối cùng, bạn cần rút ra được các kết luận, giải pháp hay kiến nghị cụ thể với cấp trên một cách công tâm, với niềm tin vững chắc.
Tóm lại, cuộc tranh luận thành công đòi hỏi thái độ tôn trọng, hợp tác của các bên và cần sự hỗ trợ của kiến thức, khoa học và công nghệ. Ở một phạm vi tổng thể, cần xây dựng một nền văn hóa tranh luận vì sự đổi mới, sáng tạo trong cả nước. Thời đại đã thay đổi, nguyên tắc “Không tranh cãi” của Dale Carnegie không phải khi nào cũng đúng.